HÃY ĐỂ NƯỚC TRỜI LỚN LÊN TRONG CHÚNG TA

HÃY ĐỂ NƯỚC TRỜI LỚN LÊN TRONG CHÚNG TA

THỨ SÁU TUẦN III – TN

(2 Sm 11, 1-4a.5-10a.13-17; Mc 4, 26-34)

Dù được Thiên Chúa sủng ái và được gọi là ‘thánh vương,’ nhưng vua Đavít cũng là một con người với những giới hạn và thiếu sót của riêng mình. Lỗi phạm của vua Đavít xảy ra chỉ với ‘cái nhìn’: “Vào một buổi chiều, vua Đavít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời” (2 Sam 11, 5). Theo triết học kinh viện, không có gì ở trong tâm trí chúng ta mà không qua giác quan. Chính cái nhìn đã đưa vua Đavít đế ước muốn chiếm đoạt điều không thuộc về mình. Vì vậy, chúng ta cần phải biết kiểm soát giác quan của mình, vì đó chính là những cánh cửa mở cho những điều hay điều tốt vào con tim chúng ta và cũng là cánh cửa đưa điều xấu điều dở vào. Một chi tiết khác chúng ta nhận ra trong bài đọc 1 là tội sẽ dẫn đến tội. Sau khi phạm tội ngoại tình, vua Đavít còn phạm tội giết người. Đây cũng là thực tế xảy ra trong cuộc sống của mỗi người. Tội làm giảm đi sự phán đoán sáng suốt, làm lu mờ tâm trí để rồi chúng ta không còn nhìn rõ đường ngay nẻo chính để theo. Thật vậy, chúng ta thường thấy mình phạm tội này rồi đến tội khác, và nhiều khi chúng ta không ý thức được thực tại này. Hình ảnh của vua Đavít khuyến cáo chúng ta phải cẩn trọng trong đời sống của mình và mau mắn chạy đến với Chúa để xin tha thứ khi phạm một tội.

Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai dụ ngôn, dụ ngôn hạt giống tự lớn lên (Mc 4, 26-29) và dụ ngôn hạt cải (M 4, 30-32) – và kết luận (Mc 4, 33-34) lặp lại mục đích của việc dùng dụ ngôn trong việc giảng dạy của Chúa Giêsu về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Giống với dụ ngôn về gieo giống, dụ ngôn hạt giống lớn lên này nhấn mạnh đến sự tương phản giữa sự nhỏ bé của hạt giống và sự vĩ đại của mùa gặt. Điều Chúa Giêsu nhắm đến chính là đặc tính cánh chung của Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong hiện tại và điều này được diễn tả trong hình ảnh “hạt lúa” và “sự lớn lên” của nó. Chính Thiên Chúa hướng dẫn sự tăng triển đến mức hoàn thiện của Nước Thiên Chúa trong tương lai. Nói cách khác, Nước Thiên Chúa sẽ đến cách hiển nhiên, chắc chắn và huyền nhiệm như mùa gặt sẽ theo sau việc gieo giống; trong khi chờ đợi chúng ta không được thất vọng và thiếu kiên nhẫn. Điểm này là sợi dây nối kết bài Tin Mừng với bài đọc 1 hôm nay.

Trong dụ ngôn đầu tiên, Chúa Giêsu dùng kỹ thuật so sánh – giống – để nói về Nước Thiên Chúa: “Nước trời giống như….” Khi đọc dụ ngôn này, nhiều người trong chúng ta chỉ dừng lại ở hình ảnh “một người vãi hạt giống xuống đất” để nói về Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, Nước Thiên Chúa giống với người vãi hạt giống xuống đất. Nhưng đây không phải là điều Chúa Giêsu nhắm đến khi dùng dụ ngôn này. Đối với Ngài, Nước Thiên Chúa chính là toàn bộ thực tại mà dụ ngôn nói đến chứ không chỉ với người gieo giống. Như vậy, Nước Thiên Chúa bao gồm những yếu tố sau: (1) gieo giống xuống đất (Mc 4, 26); (2) không biết cách thức hạt giống nẩy mầm và mọc lên (Mc 4, 27); (3) đất tự động sinh hoa kết quả (không có nguyên nhân hữu hình tác động) (Mc 4, 28); (4) đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa (Mc 4, 29). Thực tại Nước Thiên Chúa tự nẩy mầm, lớn lên, sinh hoa kết quả độc lập khỏi sự hiểu biết của người gieo giống. Điều này nhắc nhở chúng ta, những người gieo mầm yêu thương và tha thứ của Nước Thiên Chúa, rằng: Chúng ta không phải là nhân vật chính. Hoa trái của mùa gặt không do chúng ta sinh ra. Chính Chúa là Đấng làm cho mùa gặt được bội thu từ những gì chúng ta gieo vãi. Hãy tiếp tục công việc gieo vãi yêu thương và tha thứ của mình, đứng sờn lòng nản chí!

Hình ảnh thứ hai Chúa Giêsu sử dụng để so sánh Nước Thiên Chúa là hạt cải, là hạt nhỏ nhất sẽ lớn lên trở thành một cây lớn. Giống như dụ ngôn người gieo hạt, hình ảnh hạt cải ngụ ý nói rằng: Nước Thiên Chúa là một thực tại nhỏ bé, nhưng Nước Thiên Chúa sẽ đến là chuyện hiển nhiên. Chúng ta không nên thất vọng và thiếu kiên nhẫn vì việc đến của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một thực tại đang hiện diện và Thiên Chúa là tác nhân của sự phát triển. Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh tương phản: Hạt cải là loài nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất tương phản với một cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ dưới bóng (x. Mc 4, 31-32). Nước Thiên Chúa có sự khởi đầu thật nhỏ bé, nhưng khi đạt đến mức hoàn thiện nó sẽ đạt được kết quả vĩ đại và mọi người, ngay cả những người “ở ngoài” cũng tìm được chỗ ẩn náu. Chân lý rút ra từ thực tại này là: Mọi sự đều bắt đầu từ những gì thật nhỏ bé – đừng coi thường những cái nhỏ bé, tầm thường trong ngày sống của chúng ta.

Bài Tin Mừng kết luận với bản tóm tắt nói về việc Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn như là phương tiện để giảng dạy. Nói cách cụ thể, sử dụng dụ ngôn là ngôn ngữ hình tượng mà Chúa Giêsu dùng để nói về Thiên Chúa và sự đến của Nước này. Thông thường, dùng câu chuyện để chuyển tải nội dung cần nói thì tốt hơn là dùng những lời nói suông. Cũng vậy, Chúa Giêsu biết rõ dụ ngôn rút ra từ những hình ảnh thường ngày làm cho người nghe bị cuốn hút vào trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa hơn là bằng những ngôn từ trống rỗng. Câu kết luận của bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về với dụ ngôn người gieo giống (Mc 4, 1-20): Ngài giải thích mọi sự cho các môn đệ khi chỉ có thầy trò với nhau (Mc 4, 34). Chúng ta chỉ hiểu điều Chúa muốn nói với chúng ta chỉ khi còn lại “mình con với Chúa”.

Hoa Ven Đường

Check Also

DẪN VÀO BUỔI DÂNG HOA ĐỒNG TIẾN

DẪN VÀO BUỔI DÂNG HOA ĐỒNG TIẾN Tháng Năm thường được biết đến là thời …