HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

Tin Mừng (Lc 6,17.20-26)

 

      Hạnh phúc là niềm mơ ước mà ai ai cũng nghĩ đến và Thiên Chúa luôn mong cho con người được hạnh phúc dù giàu hay nghèo, tất cả đều nằm trong sự yêu thương quan phòng của Người. Và hạnh phúc cũng là niềm mơ ước của tất cả mọi người, cho dù họ là ai, đang ở vị trí nào đi chăng nữa. Trong dịp đầu năm, người ta thường cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất, cụ thể là được khang an trường thọ, được hưởng nhận dồi dào những ân lộc và được sống bình an hạnh phúc trong suốt một năm sắp tới.

     Hạnh phúc không như bông hoa có thể dễ dàng hái được ở bên đường, không giống như chiếc áo, chiếc xe hay cái nhà để có thể vẽ ra thành hình hài màu sắc hoặc có thể mua bán. Hạnh phúc là điều cảm nhận được trong tâm hồn, nó thuộc chiều sâu cõi lòng tuỳ thuộc thái độ sống đối với cuộc đời. Con người phải ra công chăm sóc vun trồng thì cây hạnh phúc mới đơm hoa kết trái. Hạnh phúc chính là khát khao được sống, được hiện diện, được yêu thương. Đi tìm hạnh phúc cũng là đi tìm sự sống. Sống là tồn tại, có tồn tại mới có yêu thương, có tương quan, có sinh trưởng. Đi tìm hạnh phúc cũng như đi tìm tình yêu. Hạnh phúc chính là sự sống và là tình yêu.

     Hơn nữa, có nhiều người cho rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền của, nhiều vàng bạc, của cải đầy nhà, hạnh phúc là quyền lực, địa vị danh vọng,  hạnh phúc là có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn. Hay có người lại quan niệm hạnh phúc là sức khoẻ, là sự bình an thư thái của tâm hồn, hạnh phúc là sự hòa hợp giữa thể xác và tâm hồn, giữa cá nhân và cộng đồng xã hội, giữa cái tôi và vũ trụ bao la…v.v. Vậy, đâu là hạnh phúc đích thực và đâu là những hạnh phúc giả tạo? Tiền bạc, lạc thú hay sự thành công trong cuộc đời có đem lại hạnh phúc thực sự cho chúng ta hay không? hay hạnh phúc hệ tại ở những điều gì khác sâu xa hơn? Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật VI TN, sẽ trả lời cho chúng ta hiểu rõ hơn về hạnh phúc đích thực là ở nơi Thiên Chúa.

     Bốn mối Phúc thật và bốn lời chúc dữ trong Phúc Âm thánh Luca, đó cũng không phải là một lời cầu chúc mà là một khẳng định, một lời cam kết long trọng được tuyên bố với chính quyền bính và sức mạnh của Thiên Chúa, Ðấng luôn hoạt động trong lịch sử loài người để thực hiện sự công chính của Ngài. Chúa Giêsu không chúc lành hay chúc dữ cho cảnh sống nghèo khổ, và sự giàu có, của cải vật chất tự chúng cũng không phải là những gì đáng khinh rẻ, bởi vì chúng cũng được Thiên Chúa tạo thành, giúp con người sống sung túc và hạnh phúc.

     Một khi con người coi chúng như là một giá trị tuyệt đối, tôn chúng lên địa vị của Thiên Chúa và quỳ thờ lạy chúng, thì khi đó, của cải đáng chúc dữ và khốn cho những người thờ lạy chúng. Nó đáng chúc dữ vì nó khiến cho chúng ta đóng chặt, khép kín cửa nhà và cánh cửa lòng mình trước những người: bệnh tật, tù đày, bị áp bức, túng thiếu, khổ đau, quên Chúa, xa Chúa và đánh mất đi cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu của mình.

     Cũng thế, sự nghèo nàn và các khổ đau trong cuộc sống con người là những gì đáng ghê sợ, vì chúng hủy hoại hạnh phúc của con người, do đó cần phải cố gắng bài trừ chúng trước hết bằng cách loại trừ các nguyên nhân gây ra chúng. Thật ra, Chúa Giêsu không đề cao sức tàn phá tiêu cực đó của nghèo đói và khổ đau. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy ơn cứu độ Ngài đem đến cho con người là ơn cứu độ toàn vẹn, đem lại của ăn và sức khỏe cho thân xác cũng như cho linh hồn. Nhưng trái lại, Chúa Giêsu cũng coi nghèo đói và khổ đau cũng là ân phúc, vì chúng có thể giúp con người hồi tâm ăn năn hối cải, rộng mở tâm lòng để hiểu biết và đón nhận tình thương sâu xa của Thiên Chúa và ký thác nơi Ngài. Khi tuyên bố: “Phúc cho những người nghèo hèn, đói khát, khóc lóc và khổ đau vì bị người đời hất bỏ”, Chúa Giêsu không muốn trói buộc con người trong tình trạng nghèo nàn và khổ đau, mà Ngài muốn cho họ hiểu rằng, ngay cả khi phải sống trong những hoàn cảnh tiêu cực ấy, như hậu quả của bất công xã hội, ngay cả cái chết của con người họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương và vẫn có thể rộng mở tấm lòng đón nhận ơn cứu độ Ngài ban.

     Cái nghèo đói và khổ đau vật chất là cái nghèo đói và khổ đau có phúc, vì nhờ đó con người được gặp gỡ Thiên Chúa và được ơn cứu độ. Nói tóm lại, người giàu có không phải vì giàu mà bị án phạt; người nghèo khó và khổ đau cũng không phải vì nghèo khó và khổ đau mà được trọng thưởng. Giàu cũng như nghèo, ai cũng phải nỗ lực sống Tin Mừng yêu thương, chia sẻ đại đồng của Chúa để được cuộc sống đời đời. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta cũng dạy các nữ tu của Mẹ: “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta những người nghèo khổ, tật nguyền, để chúng ta có cơ hội phục vụ và làm giầu cho ơn gọi của chúng ta. Chúng ta hãy xem họ như những vị ân nhân của chúng ta”.

     Vậy, sống nghèo để phục vụ người nghèo là con đường nên thánh mà Chúa Giêsu đã vạch dẫn và nêu gương. Đây chính là mối phúc đầu tiên và cũng là bản Hiến chương Nước Trời, giúp định hướng và vạch ra những tiêu chí căn bản để chúng ta vươn tới hạnh phúc đích thực. Dù giàu hay nghèo Thiên Chúa đều chúc phúc miễn là chúng ta sống trong niềm tin cậy và thể hiện niềm xác tín ấy trong cuộc sống như Thánh vịnh đã khuyên: “Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa” (Tv 39,5). Và con người tìm được hạnh phúc đích thực là chỉ có ở nơi Thiên Chúa tình yêu.

Nt: Lặng Thầm, Fmsr

Check Also

DẪN VÀO BUỔI DÂNG HOA ĐỒNG TIẾN

DẪN VÀO BUỔI DÂNG HOA ĐỒNG TIẾN Tháng Năm thường được biết đến là thời …