Trước khi về trời, Chúa Giêsu đưa ra mệnh lệnh quan trọng cho các môn đệ, như đọc thấy trong bài Tin mừng hôm nay (Mt 28, 16-20): “các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (x. Mt 28,19-20).
Tiếp nối công việc của các môn đệ, trong tư cách cá nhân cũng như tập thể, Giáo hội nói chung hay cá nhân mỗi người chúng ta cũng đều được Chúa gởi đi, phái đi, sai đi thi hành sứ mạng, thi hành mệnh lệnh Chúa truyền, trở thành nhà truyền giáo thực thụ.
Nhưng vấn đề là mỗi người sẽ thi hành điều Chúa Giêsu yêu cầu như thế nào? Ở đâu, với ai và bằng cách nào?
Ngày 25/01/2023 Đức Thánh Cha Phanxico đã công bố Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay (2023), trong đó ngài mời gọi các tín hữu tham gia vào việc mang Tin Mừng cho thế giới đang bị thương tổn bằng chính chứng tá cá nhân của mình, theo gương của các môn đệ trên đường Emmaus.
“Lòng bừng cháy, chân tiến bước” là chủ đề của Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay, được gợi hứng từ câu chuyện Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35). Chính vì thế chúng ta hãy chiêm ngắm chuyển biến nội tâm và chứng tá các môn đệ trên đường Emmaus dưới lăng kính của Sứ điệp Truyền giáo năm nay để họa đời mình theo, nhờ tập trung vào ba hình ảnh, ba khoảnh khắc trong câu chuyện. Đây thực sự là những nét chính, là kiểu mẫu của cuộc hành trình truyền giáo, đây cũng là cách thức hữu hiệu góp phần vào việc loan báo Tin mừng trong thế giới đương đại hôm nay.
- Thứ nhất: Chúa Phục Sinh vẫn gần gũi với các môn đệ truyền giáo của Người, giữa lúc họ cảm thấy “mất phương hướng, chán nản, sợ hãi trước mầu nhiệm của sự gian ác bao quanh họ”. Nhà truyền giáo cần làm gì trong hoàn cảnh tương tự như thế? Thưa, trong vai người bộ hành, hãy xuất hiện kịp thời để hỏi han, để cùng bước đi, nói chuyện, cảm thông, động viên khích lệ, nhất là giúp giải gỡ những bế tắc cuộc đời anh chị em mình. Hãy làm bừng cháy sức sống thiêng liêng cho bản thân và cho anh chị em của mình.
- Thứ hai: Hình ảnh “mắt các môn đệ mở ra” khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông. Nhà truyền giáo tự hỏi: việc sống đức tin của tôi, lời nói và việc làm của tôi, hành trình tâm linh của tôi có để lại ấn tượng gì tốt trong con mắt, hoặc một điều gì gây thắc mắc tích cực, một suy nghĩ khác từ phía những người anh chị em tiếp xúc với tôi không? Tôi xuất hiện thể nào để mắt người khác cũng “mở ra”, với những việc tuy bình thường nhưng gởi cho họ một thông điệp, giới thiệu tầng ý nghĩa khác và đạt tới giá trị trổi vượt hơn thực tại trước mắt, khác với những gì người ta vẫn thấy.
- Thứ ba: “Vui mừng thuật lại với người khác về Chúa Phục Sinh”. Điều này vừa là vinh dự, một nhiệm vụ nhưng cũng là bản chất của người môn đệ Đức Kitô. Quả vậy, nếu hai môn đệ trên đường Emmaus ngay lập tức thay đổi ý định, thay đổi quyết định với tất cả nhiệt tâm của mình thì với sứ mệnh rao giảng Tin mừng, trong ơn gọi và điều kiện sống của riêng tôi, tôi được yêu cầu nói điều gì cho người ta, tôi tiếp tục sống đạo thế nào trước mắt người ta… “Lòng bừng cháy, chân tiến bước” là một hoạt động kép, cần có sự thống nhất trong đời sống, cần bản thân trải nghiệm và chứng nghiệm trước: hãy nói bằng ngôn ngữ cử chỉ, hãy bước đi đến với người khác bằng con tim nóng cháy, hãy vui mừng chia sẻ và làm chứng về những chọn lựa của mình như gương người Samaritano nhân hậu.
Nói về Chúa cho người ta nghe là nhiệm vụ của mọi người. Trong bài đọc II (Cv 1,3-8), chính Chúa Giêsu cũng xác nhận: “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”. Tuy nhiên lời rao giảng có sức hấp dẫn và cụ thể nhất đó là chứng tá cá nhân như lời Thánh Giáo Hoàng Phaolo VI nói: “Thế giới ngày hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Đây mới là điều chúng ta cần quan tâm, là cách chúng ta cần áp dụng, nhờ đó mới mong lay động con tim người khác, mới hấp dẫn người khác tìm tòi về cội nguồn đức tin của chúng ta.
Đức thánh cha Phanxico mời gọi mỗi người kitô hữu, không phân biệt thành phần nào: “đừng đứng trên ban công” nhưng phải cùng Giáo hội đi ra với thế giới để làm chứng nhân, điều đó muốn nói là gương sáng của mình sẽ lan tỏa cho mọi người: không phân biệt, không có giới hạn, vì “lời nói thì gió bay mà gương lành lôi kéo”. Những chứng nhân có thể là giáo sĩ, tu sĩ hay chỉ là giáo dân, có thể là một người tri thức hay một kẻ quê mùa thất học,… nhưng chính gương chứng nhân trong đời sống đức tin của những con người ấy mới đáng quan tâm, trở thành thầy dạy hoàn hảo giáo lý Chúa Kitô, góp phần vào việc loan báo Tin mừng.
Phương châm “Làm việc tầm thường với tình yêu phi thường” được thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu triệt để áp dụng suốt cuộc đời ngài. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng chị đã xác định sứ mạng của mình khi bước vào dòng kín với những lời như sau: “Con mong muốn cùng một điều ở trên Trời cũng như dưới đất: Yêu mến Chúa Giêsu và làm cho Người được yêu mến” (Thư 220, gửi Cha Bellière (24/02/1897), tr. 576). Chị viết rằng chị vào Cát Minh “để cứu các linh hồn” (Thủ bản tự thuật A, 69v°, tr. 187). Chị đã viết một trong những bức thư cuối cùng của mình: “Em không có ý định ở thụ động trên Thiên đàng, mong muốn của em là tiếp tục làm việc cho Giáo hội và các linh hồn” (Thư 254, gửi cha Roulland (14/7/1897), tr. 609).
“Lòng bừng cháy, chân tiến bước” là mẫu số chung của mọi nhà truyền giáo nhưng dường như từ xưa tới nay Giáo hội luôn thiếu nhà truyền giáo gương mẫu chân chính, và nhân loại vẫn còn đói khát những chứng nhân, bởi ai cũng thích việc nhẹ nhàng, thích làm thầy dạy hơn làm chứng nhân. Thị kiến của ngôn sứ Isai mà chúng ta đọc trong bài đọc I (Is 2,1-5), mô tả một tương lai huy hoàng với thành quả lớn lao về một niềm tin chung của mọi dân nước. Điều đó vẫn luôn là khát khao, là viễn tượng mà chúng ta còn mơ ước: “Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp”.
Đúng vậy, chỉ có thể thu hoạch được vụ mùa thắng lợi như thế nếu mỗi người là một ngọn đèn sáng, là nắm men có sức biến đổi đời sống người khác bằng từng việc làm cụ thể của mình. Để có thể sinh thêm nhiều hoa trái thiêng liêng, để góp phần loan báo Tin mừng, mở rộng thêm nước Chúa…. từ lời ăn tiếng nói, từ cung cách hành xử của mỗi nhà truyền giáo cần phù hợp với giáo lý của Tin mừng, có chất Chúa nơi mình, hành xử theo cách của Chúa. Ai cũng nhận thức rằng: Để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ, mỗi người sẽ tùy theo ơn gọi, tùy từng hoàn cảnh, tùy từng thời đại, từng đối tượng, nhưng chỉ lời nói thôi thì không đủ, chưa đủ. Vậy phần còn lại là chứng tá đời sống, vốn vẫn là một thách thức lớn đối với Giáo hội, đối với bạn và tôi: rằng chúng ta có sẵn sàng thi hành sứ mạng truyền giáo bằng đời sống chứng tá của mình với “Lòng bừng cháy và đôi chân tiến bước” không?
Mai Thi