ĐỪNG TỰ TÔN VINH CHÍNH MÌNH

ĐỪNG TỰ TÔN VINH CHÍNH MÌNH

(St 17, 3-9; Ga 8, 51-59)

Hai bài đọc lời Chúa hôm nay tập trung vào hình ảnh của Ápraham. Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta việc Thiên Chúa đổi tên Ápram thành Ápraham khi lập giao ước với ông: “Phần Ta, đây là giao ước của Ta với ngươi ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc. 5 Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc” (St 17, 4). Trong Kinh Thánh, việc đổi tên mang ý nghĩa rất quan trọng: nó nói đến một sự cắt đứt hoàn toàn về tương quan xác thịt để hoàn toàn thiết lập một tương quan mới với Thiên Chúa và để nói lên việc không còn thuộc về gia đình nhân loại, nhưng thuộc về Thiên Chúa và gia đình thiêng liêng của Ngài; nó cũng ám chỉ sứ mệnh mà Thiên Chúa kêu gọi người đó chia sẻ với Ngài.

Tuân giữ lời Chúa Giêsu là một điều khó cho mỗi người chúng ta. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng nghe lời Ngài, nhưng rất ít người giữ lời Ngài nên chúng ta thường cảm nghiệm thấy trong chính mình ‘cái chết thiêng liêng.’ Chúa Giêsu đã khẳng định với người Do Thái về điều này: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8, 51). Ở đây, chúng ta thấy Chúa Giêsu thiết lập mối tương quan chặt chẽ giữa lời Ngài và sự sống. Nói cách khác, lời Ngài mang lại sự sống cho những ai tuân giữ. Nhưng những thính giả của Ngài không hiểu điều Ngài muốn nói, nên đã cười nhạo Ngài: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Ápraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết’. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Ápraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?” (Ga 8, 52-53). Những lời này gợi cho chúng ta nhớ đến câu chuyện của người phụ nữ Samaria. Bà nói về tổ phụ của bà là Giacóp. Còn trong trường hợp này, người Do Thái tố cáo Chúa Giêsu về việc Ngài tuyên bố rằng Ngài cao trọng hơn tổ phụ của họ là Ápraham và cao trọng hơn các ngôn sứ. Lại một lần nữa, họ hỏi về căn tính của Chúa Giêsu. Chi tiết này làm chúng ta phải suy gẫm, đó là dù cho Chúa Giêsu đã nhiều lần mặc khải về chính mình, người Do Thái vẫn không biết Ngài là ai. Đây cũng có thể là tình trạng của mỗi người chúng ta. Nhiều người trong chúng ta tự hào là mình đã nghe nhiều và đọc nhiều về Chúa Giêsu, nhưng chúng ta lại không biết Chúa Giêsu. “Biết về” Chúa Giêsu khác với ‘biết’ Chúa Giêsu. Cái biết thứ nhất chỉ dừng lại ở khái niệm, tư tưởng. Còn cái biết thứ hai thiết lập mối tương quan trực tiếp. Hãy biết Chúa Giêsu cách trực tiếp qua mối tương quan mật thiết cá vị với Ngài trong đời sống cầu nguyện, chứ đừng tự hào và thoả mãn với kiến thức mình có về Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta làm thế nào để biết chân tính của Ngài, đó là Ngài chỉ được biết đến qua mối tương quan Ngài với Thiên Chúa: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Ápraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Ga 8, 54-46). Trong những lời này Chúa Giêsu lại một lần nữa khẳng định mối tương quan mật thiết giữa Ngài và Chúa Cha. Chính mối tương quan này làm cho Ngài ‘biết’ Chúa Cha theo một cách thức mà không có thụ tạo nào có thể biết. Chính việc Chúa Giêsu biết và giữ lời của Chúa Cha là điều làm Chúa Cha được tôn vinh. Điều này là điều Ápraham hy vọng được thấy, và khi thấy ông đã vui mừng. Niềm vui mang tính cánh chung của Ápraham có thể được liên kết với việc Đấng Messia đến và việc Satan bị đánh bại. Chúng ta thường tìm thấy niềm vui trong điều gì? Niềm vui của chúng ta có liên kết với việc Chúa Giêsu đến với chúng ta và giúp chúng ta tôn vinh Thiên Chúa bằng đời sống chiến thắng tội lỗi không?

Chúa Giêsu một lần nữa khẳng định Ngài là Đấng Hằng Hữu: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8, 58). Đối với người Do Thái, đây chính là một lời nói phạm thượng, vì vậy, “họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ” (Ga 8, 59). Sự kiện Chúa Giêsu là Đấng Hằng Hữu có liên quan gì đến chúng ta không? Vì là Đấng Hằng Hữu, Ngài biết tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta. Ngài biết tất cả những gì chúng ta đang trải qua. Ngài luôn ở đó hiện diện bên cạnh chúng ta trong từng giây phút. Chúng ta có để cho Ngài bước vào trong cuộc đời chúng ta và để cho Ngài hướng dẫn chúng ta trong từng giây phút sống không? Đó là ý nghĩa của việc tuyên nhận Chúa Giêsu là Đấng Hằng Hữu.

Hoa Ven Đường

Check Also

Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật I Mùa Vọng

Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật I Mùa Vọng Tỉnh thức và sẵn sàng …