Đức Maria – Con người của huyền nhiệm

          Chúng ta đều biết rằng: “Mẹ Maria xứng đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính, vì Mẹ là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa”[1]. Sở dĩ nói như vậy, bởi Mẹ đẹp tuyệt vời, rạng ngời cả hồn lẫn xác. Mẹ luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh. Vậy người Mẹ tuyệt hảo của chúng ta đã sống và đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời bằng cách nào? Mỗi người chúng ta là con cái Mẹ, chúng ta cần phải thấu hiểu hơn và học nơi Mẹ lời thưa “Xin Vâng” trong cung cách sống, và việc đặt trọn niềm tin yêu, phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

          Thật vậy, khi nói đến Đức Maria thì tất cả mọi tín hữu của Kitô giáo đều biết. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên tội là Đấng đồng trinh trọn đời là Đấng Đồng công cứu chuộc. Xem ra có vẻ ngon lành quá! Các tín điều về Mẹ ai ai cũng thuộc làu làu. Ngày ngày con dân xúm xít quanh chân Mẹ, kẻ thì hát, người thì đọc kinh, người thì quẹt quẹt rồi xoa lên người… mong Mẹ cầu bầu, kêu khấn với Con Chí Ái của Mẹ để được chữa lành. Nhưng đó là một sự nổi bật (nổi tiếng) của một con người theo kiểu thế gian. Còn con người sâu thẳm của Mẹ nào mấy ai dám bước theo. Từ truyền thống xa xưa, chúng ta vẫn cứ ngỡ rằng: Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được Chúa chọn để Con Một của Ngài ngự vào thì miễn nhiên là Mẹ được những đặc ân trọng đại ấy.

          Thực ra, Maria cũng như bao cô gái miền quê khác, chân chất, mộc mạc và bình dị. Hằng ngày mong đợi Đấng Cứu Thế đến để giải thoát dân tộc Israel đang bị ách thống trị của người La Mã. Nhưng điều khác biệt nơi Mẹ đó là một tâm hồn khiêm nhu, trong sạch, một đức tin mạnh mẽ vào lời hứa của Thiên Chúa, một tâm hồn gắn kết với Thiên Chúa. Cho nên, Mẹ được Thiên Chúa “đoái thương nhìn đến”. Người chọn cung lòng Mẹ như cung điện cho Chúa ngự trị. Đó không phải là một sự bắt buộc mà là một sự tự do tự nguyện “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói” (Lc 1, 38). Như vậy, có thể nói, Mẹ Maria là một thụ tạo hoàn hảo, là một người phụ nữ tuyệt vời nhất trong các người nữ. “Mẹ tuyệt mỹ, vì Mẹ đã được Sứ thần Gariel kính chào là Đấng “Đầy ơn phúc” nên tâm hồn Mẹ mang trọn vẹn vẻ đẹp của ơn thánh và nhân đức, đến nỗi thánh Têrêsa đã sánh ví: “Tâm hồn Mẹ như một tòa lâu đài dát bằng những viên ngọc quý, như một Thiên Đàng nhỏ bé cho Chúa ngự trị”[2].

          Cố nhiên, không phải ai cũng có thể đón nhận mầu nhiệm cao cả này một cách dễ dàng như Mẹ nếu không có một đời sống kết hiệp với Thiên Chúa sâu xa. Chứng tỏ Mẹ đã quen với thế giới thần linh lắm rồi, đã rất gắn kết với Thiên Chúa nên khi Thiên Thần Chúa hiện ra truyền tin cho Mẹ, Mẹ không lấy làm giật mình, sợ hãi. Nhưng xen vào đó là sự vui sướng lẫn chút bối rối: “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1, 34). Có lẽ, trong cuộc sống hằng ngày Mẹ đã được gặp gỡ Thiên Chúa và các thánh của Người. Nên rất tự nhiên Mẹ đã chuyển những ý nghĩ, những cuộc đối thoại với thế giới ấy từ trong lòng ra đời sống thường nhật của mình. Mẹ đã quên rằng thế giới ấy chỉ có Mẹ mới được diễm phúc dự vào còn đối với người khác đó là một điều hết sức xa lạ không bao giờ dám nghĩ tới. Nhưng để đến với thế giới linh thánh ấy, chắc hẳn Mẹ đã sống phó thác trọn vẹn ý Chúa trong thinh lặng thẳm sâu tâm hồn, từ nơi sâu kín đó Mẹ đã thường xuyên gặp Chúa và nói chuyện với Người.

          Như đã biết, khi Mẹ nói lời “Xin vâng” (Lc 1, 38) cả trời đất như vỡ òa ra một niềm vui khôn tả. Bởi vì, cả nhân loại, vạn vật đều nín thở trong thinh lặng chờ đợi câu trả lời của Mẹ. Để đáp được lời “Xin Vâng” đó, Mẹ đã sống một cuộc đời hoàn toàn tin tưởng, phó thác trong thánh ý Chúa. Cũng bởi vì, Mẹ đã luôn không ngừng cầu nguyện với Thiên Chúa cầu xin Đấng Cứu Thế đến; Mẹ tin vào quyền năng của Chúa “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Cho nên, khi Thiên Thần Chúa ngỏ lời cho Ngôi Hai Thiên Chúa cư ngụ, không một chút hồ nghi, do dự Mẹ đã nhận lời ngay. Cũng thế, người môn đệ Chúa Kitô phải là một con người huyền nhiệm, một con người của sự tâm linh, siêu nhiên. Hãy để cho lòng mình nhẹ nhàng, gọn gàng giảm bớt đi những lo toan, bộn bề những vướng bận của cuộc sống đầy đau khổ nơi trần thế để ở lại và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa là Cha.

Là người nữ tu Mân Côi, chị em cũng được mời gọi “…hãy vào phòng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha… năng đến gặp Chúa trong Bí tích Thánh thể, kéo dài các giờ cầu nguyện riêng,chuyên cần suy niệm Lời Chúa hằng ngày, và dành giờ kiểm thảo đời sống” [3]. Đó là cách thức để làm quen hơn với thế giới thần linh như Đức Maria bằng cuộc đời nối kết. Vì khi được nối kết như vậy là chúng ta được gia tăng nội tâm. Sức mạnh của người tu sĩ là sức mạnh nội tâm, nhờ sức mạnh thần thiêng đó người tu sĩ mới có thể trở nên một con người huyền nhiệm được.

          Vậy mà, đôi khi chúng ta lại nghe nói đến có một số người nói: “Tôi lấy làm lạ là thấy một tu sĩ sợ ma”. Chúng ta sợ ma là bởi vì chúng ta chưa có một đức tin vững mạnh là bởi vì chúng ta quen bô bô ngoài miệng mà quên đi thế giới nội tâm của mình. Nơi đó, chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa, được nối kết với Ngài với thế giới của các thánh và các linh hồn, được trở nên thánh hơn trong Chúa và vì Chúa.

          Tóm lại, nói về Mẹ Maria không bao giờ cùng, không bao giờ hết. Thật không có lời nào có thể diễn tả được hết vẻ đẹp của con người Mẹ. Nét đẹp của con người Mẹ ẩn sâu trong tâm hồn Mẹ. Nét đẹp đó được nuôi dưỡng trong bầu khí lặng thầm để Mẹ được trở nên một con người của sự thánh thiêng, của sự huyền nhiệm. Chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria để học nơi Mẹ bài học của sự yêu mến, tín thác vào Chúa. Hiệp nhất với Thiên Chúa và các thánh qua thế giới nội tâm hầu cũng trở nên thánh hơn trong đời sống.

                                                                                                      Tác giả bài viết: Như Hoa, FMSR.

[1] X. Hiến Luật – Nội Quy Dòng Chị em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu, Hc số 42.

[2] X. Thiên Phúc, Mẹ tuyệt mỹ, tr. 20.

[3]X. Sdđ, HC số 32.

Check Also

Cáo Phó Bà Cố Maria Nguyễn Thị Nhu(Cố Dì Tâm Dòng Mân Côi Bùi Chu)

Cáo Phó Bà Cố Maria Nguyễn Thị Nhu (Cố Dì Tâm Dòng Mân Côi Bùi …