Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe kể về câu chuyện Apôlô. Apôlô là người sau này được Thánh Phaolô nhắc lại trong một lá thư ngài viết: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3, 6). Trong những lời này, chúng ta thấy Apôlô là người đi sau để xây dựng và vun đắp những gì Thánh Phaolô đã gieo. Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ cộng tác trong việc rao giảng Tin Mừng. Chúng ta tránh thái độ “phá đổ” những gì người trước đã tốn công gây dựng. Người ta thường nói: nếu muốn phát triển một cái gì đó, thế hệ đi sau phải xây dựng trên nền tảng thế hệ đi trước đã xây dựng. Còn nếu phá đổ tất cả để xây dựng lại, thì mãi mãi không có sự phát triển nào vì mỗi thế hệ luôn bắt đầu từ con số không.
Trong phần đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ về việc xin Chúa Cha “nhân danh Ngài”: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy…” (Ga 16, 23b-24). Những lời này cho chúng ta biết, các môn đệ đã không xin Chúa Cha điều gì nhân danh Chúa Giêsu. Ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu liên kết điều các môn đệ xin nhân danh Ngài với niềm vui mà họ sẽ có khi Chúa Cha ban cho họ điều họ xin. Niềm vui này là một niềm vui trọn vẹn. Nói cách khác, những điều chúng ta xin nhân danh Chúa Giêsu sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui, và đây không phải là niềm vui chóng qua, nhưng là niềm vui trọn vẹn. Nhìn vào đời sống thường ngày, có thể chúng ta đã xin Chúa Cha nhiều điều, nhưng có lẽ chúng ta vẫn chưa xin nhân danh Chúa Giêsu. Chúng ta thường nhân danh mình hoặc Đức Mẹ hoặc các thánh để xin cho mình và cho người khác. Điều đó rất tuyệt vời! Nhưng điều tuyệt hảo nhất là xin Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu vì Ngài là vị trung gian duy nhất giữa Chúa Cha và con người. Khi chúng ta xin nhân danh Ngài, chúng ta sẽ nhận ra rằng, điều chúng ta xin không phải chỉ là một vài của cải vật chất hay sức khoẻ thể lý chóng qua của cuộc đời này, nhưng là ơn cứu độ. Vì chỉ có ơn cứu độ, được sống muôn đời với Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ và yêu mến trên hết mọi sự, mới mang lại cho chúng ta niềm vui trọn vẹn.
Điểm thứ hai của bài Tin Mừng mà chúng ta cần lưu ý là việc Chúa Giêsu mạc khải mọi sự cho các môn đệ : « …Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở” (Ga 16, 25). Câu này giúp chúng ta nhận ra điều chúng ta phải xin nhân danh Chúa Giêsu, đó là được biết về Chúa Cha và tình yêu vô bờ bến của Ngài. Điều này có phải là điều chúng ta xin mỗi khi đến với Thiên Chúa không? Xin được biết và thấy Chúa Cha và cảm nhận được tình yêu của Ngài khi chúng ta gặp gian nan, thử thách. Giống như Chúa Giêsu trên thập giá, Ngài cũng cảm nghiệm sự cô đơn và bỏ rơi của Chúa Cha và các môn đệ. Nhưng Ngài đã cầu xin Chúa Cha và đã cảm nghiệm được tình yêu vô điều kiện và tuyệt đối của Chúa Cha dành cho Ngài và nhân loại. Vì vậy, điều chúng ta cần phải xin mỗi khi chúng ta đến với Chúa là sự cảm nghiệm được Chúa Cha yêu mến chúng ta qua sự hy sinh Người Con Một yêu dấu của Ngài là ChúaGiêsu. Chỉ khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Cha được diễn tả nơi Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể yêu người khác với một tình yêu cho đến cùng. Khi không cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Cha qua Đức Giêsu, chúng ta khó có thể phản chiếu tình yêu đó qua tư tưởng, lời nói và hành động của mình.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống tình con thảo với Cha trên trời và luôn biết dâng lên lời khẩn cầu đẹp lòng Người, để qua Đức Giê-su, Cha trên trời sẽ ban cho chúng con. Amen
Hoa Ven Đường