ĐỨC KITÔ LÀ CHỦ CỦA NGÀY SABÁT
THỨ BA TUẦN II -MTN
(1 Sm 16, 1-13; Mc 2, 23-28)
Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta câu chuyện về việc Đavít được Samuen xức dầu tấn phong làm vua. Trong trình thuật này, chúng ta được trình bày về sự khác biệt giữa hai cái nhìn: cái nhìn vẻ bề ngoài của Samuen và cái nhìn thấu tâm can của Thiên Chúa: “Khi ông Giesê và các con trai ông đến, ông Samuen thấy Êliáp, ông nghĩ: ‘Đúng rồi! Người Đức Chúa xức dầu tấn phong đang ở trước mặt Đức Chúa đây!’ Nhưng Đức Chúa phán với ông Samuen: ‘Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng’” (1 Sm 16, 6-7). Những lời này mời gọi chúng ta nhìn lại cách thức mình nhìn và nhận xét anh chị em. Với con mắt thể lý, chúng ta chỉ có thể thấy được vẻ bề ngoài chứ không thể nhìn thấy những gì đang xảy ra bên trong của anh chị em. Có câu nói trong đời rằng: Nếu con mắt thể lý của bạn nhìn một người mà làm cho bạn không thích hoặc ghét người đó, bạn hãy đóng con mắt thể lý lại và nhìn với con mắt con tim, bạn sẽ thấy mình bắt đầu cảm thông và yêu thương người đó. Về điều này, lời Chúa trong bài đọc 1 mời gọi chúng ta hãy học ở Đức Chúa. Ngài không theo vẻ bề ngoài để xét đoán, nhưng nhìn vào cõi lòng.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay nằm giữa cuộc tranh luận về ăn chay và chữa lành người tay bị bại liệt. Điều làm chúng ta ngạc nhiên là lý do Thánh Máccô đặt cuộc tranh luận về bứt lúa ăn trong ngày sa-bát ngay sau cuộc tranh luận về việc ăn chay. Như chúng ta biết, mục đích của luật ăn chay là dấu hiệu của lòng sám hối để ‘mang’ Chúa đến gần con người hơn. Và luật của ngày sa-bát cũng không ngoại lệ. Tất cả luật lệ phải đưa con người đến gần Thiên Chúa và đến gần nhau: Luật để “nuôi dưỡng” hơn là “giết chết” con người. Nói cách khác, mục đích của luật là làm cho con người sống là ‘người’ hơn: “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát” (Mc 2, 27). Tuy nhiên, chúng ta để ý chữ ‘Con Người’ ở đây: “Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát” (Mc 2, 28). Chữ này không áp dụng cho con người như chúng ta mà chỉ áp dụng cho Chúa Giêsu: Ngài là Đấng lập luật. Ngài có quyền trên luật và là người cắt nghĩa luật đúng nhất. Như vậy, qua cuộc tranh luận về ngày sa-bát, Chúa Giêsu mặc khải mình là ai, điều mà Ngài luôn cấm người khác nói đến, điều mà Tin Mừng của Thánh Máccô xem như là “bí mật của Đấng Messia.”
Chúng ta thấy trong Tin Mừng hôm qua và hôm nay Chúa Giêsu bênh vực những “sai lỗi” hay “vi phạm luật” của các môn đệ. Hôm qua Ngài bênh vực họ về việc không ăn chay, còn hôm nay thì bênh vực họ về việc vi phạm luật của ngày sa-bát. Hôm qua Ngài dùng hình ảnh tiệc cưới để bênh vực, còn hôm nay thì dùng một hình ảnh trong Cựu Ước: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế’” (Mc 2, 24-26). Chúa Giêsu sử dụng một suy diễn loại suy lấy từ Cựu Ước để bênh vực các môn đệ. Chúng ta thấy trong hình ảnh loại suy của Cựu Ước mà Chúa Giêsu sử dụng và sự kiện bứt lúa ăn trong Tin Mừng hôm nay có những điểm tương đồng sau: (1) cả hai vi phạm luật sa-bát; (2) ăn thức ăn cấm để thoả mãn cơn đói; (3) sự kiện liên quan đến hai nhà “lãnh đạo” vĩ đại là người cho phép những người theo mình vi phạm. Những chi tiết này giúp chúng ta hiểu hai điều: thứ nhất, Chúa Giêsu muốn làm sáng tỏ điều hàm chứa trong lời dạy của Ngài hôm qua về việc phải bảo tồn cả cũ và mới; thứ hai, Chúa Giêsu dùng để chứng minh việc Ngài chính là Con Người, Đấng làm chủ ngày sa-bát.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể rút ra điều sau để suy gẫm: Chúa Giêsu là nhà lập luật mới và những người theo Chúa Giêsu sẽ sống theo luật mới này. Và luật mới này được tìm thấy trong Tin Mừng của Thánh Gioan: “Thầy ban cho anh em một giới răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Những người theo Chúa Giêsu là những người chỉ có một điều trong con tim và khối óc của họ: Tình yêu [dành cho Thiên Chúa và tha nhân]. Tình yêu sẽ là luật tuyệt hảo nhất. Chỉ khi sống luật này, chúng ta mới biết Thiên Chúa là ai: Ngài là tình yêu (x. 1Ga 4, 8). Ai không sống yêu thương sẽ không bao giờ biết Thiên Chúa và họ là những người chỉ “tìm tội” của người khác để lên án như các luật sĩ và người Pharisêu!
Hoa Ven Đường