ĐỨC KITÔ LÀ BÁNH TRƯỜNG SINH

(Cv 8, 1b-8;Ga 6, 35-40)

Có một định luật trong đời rằng: mục đích của khó khăn là để chứng tỏ sức mạnh. Có thể chúng ta đã chứng kiến một mầm cây mọc lên; nếu chúng ta lấy một cái gì đè lên nó, nó sẽ tìm cách len lỏi và vươn lên. Một con vật cũng thế, khi nó muốn một cái gì, nó không bao giờ bỏ cuộc, dù có khó khăn như thế nào. Nó chỉ bỏ cuộc khi sự vật đó không còn hiện hữu. Định luật này cũng xảy ra trong đời sống con người. Khó khăn xảy  rakhông phải để làm chúng ta nản chí và bỏ cuộc. Mục đích của khó khăn là tôi luyện chúng ta về đức kiên nhẫn và hy vọng, làm cho chúng ta sáng tạo hơn và thử thách sự trung thành của chúng ta. Một người bỏ cuộc khi gặp khó khăn thì người đó chứng tỏ mình chỉ sống theo nguyên tắc: “thuận theo chiều gió”.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về hoàn cảnh của Hội Thánh Tiên Khởi ở Giêrusalem bị bắt bớ. Việc bắt bớ này đã không làm các Tông Đồ bỏ cuộc, nhưng trở nên sáng tạo hơn trong việc rao giảng của mình. Các Ngài không còn nhóm họp một chỗ như trước, nhưng tản mác về các vùng quê (x. Cv 8, 1b). Chính điều này, các Tông Đồ mới dần hiểu được mệnh lệnh của Chúa Giêsu: hãy đi khắp nơi mà rao giảng cho muôn người. Nhìn tứ khía cạnh này, chúng ta có thể nói rằng: Thiên Chúa có thể dùng hoặc cho phép những khó khăn xảy ra để kế hoạch của Ngài cho chúng ta được thực hiện.

Trong số các Tông Đồ, Thánh Philiphê,được kể đến, là người đầu tiên thực hành sứ vụ rao giảng ở một thành miền Samaria. Thánh nhân không chỉ rao giảng Đức Kitô bằng lời, nhưng còn bằng những dấu lạ kèm theo. Những dấu lạ thánh nhân thực hiện là những điều Chúa Giêsu đã thực hiện trong cuộc đời sứ vụ của Ngài, đó là trừ quỷ và chữa bệnh. Chính đời sống chứng tá và rao giảng bằng lời và hành động này làm cho “trong thành, người ta rất vui mừng” (Cv 7, 8). Về phần chúng ta, những lời nói và hành động trong ngày sống của chúng ta có mang lại niềm vui cho người khác không?

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục chỉ ra thực tại đứng sau dấu lạ hoá bánh ra nhiều cho đám đông dân chúng. Ngài tiếp tục khẳng định cho họ biết Ngài là bánh trường sinh: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin” (Ga 6, 35-36). Nhưng thính giả của Ngài đã không tin Ngài. Như chúng ta biết, lối diễn tả “bánh hằng sống” không xuất hiện trong những bản văn của người Do Thái về manna. Theo các học giả Kinh Thánh, trong lời diễn tả ‘bánh hằng sống,’ lối diễn tả được sử dụng thông thường cho bánh đã từ từ đi khỏi lối diễn tả quen thuộc của Cựu Ước, đó là ‘bánh từ trời.” Trước tiên là chuyển thành ‘bánh của Thiên Chúa,’ và bây giờ, trong mối liên quan với việc khẳng định rằng ‘bánh Thiên Chúa mang lại sự sống cho thế gian (câu 33), chuyển thành ‘bánh hằng sống.’ Dù lối diễn tả có thay đổi, nhưng điều quan trọng ở đây chính là đức tin, điều kiện để đón nhận bánh hằng sống. Mỗi khi đến nhận bánh hằng sống, đức tin chúng ta phải được chiếu sáng. Vì qua đức tin, chúng ta sẽ nhận ra Đấng ban cho chúng ta bánh hằng sống.

Chi tiết thứ hai là việc Chúa Giêsu cho thính giả của mình biết rằng, việc Ngài trở nên bánh trường sinh cho thế gian được sống là thánh ý của Cha Ngài. Ngài đến để thực hiện điều Cha Ngài muốn, đó là ban cho con người chính Con Một của mình (x. Ga 3, 16). Điều đáng lưu ý là việc Chúa Giêsu chỉ ra rằng điều con người cần thực hiện để được sống muôn đời là “thấy Người Con” và “tin vào Người Con”. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, hai điều này rất quan trọng. Chúng ta sẽ thấy điều này được lặp lại trong hình ảnh người môn đệ được Chúa Giêsu yêu khi chạy đến mộ: ông đi vào mộ, ông thấy và đã tin. Điều này cũng được khẳng định trong sự kiện xảy ra cho Tôma, khi Chúa Giêsu cho ông xem tay và cạnh sườn Ngài, ông đã ‘thấy và đã tin.’ Nhưng Chúa Giêsu đi một bước khác là chúc phúc cho những người “không thấy mà tin.” Họ là những con người có khả năng thấy được thực tại vô hình trongnhững dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện. Những người đó là chúng ta. Điều này có thật sự như vậy không? Thành thật mà nói, chúng ta cũng đã nhiều lần thấy những việc Chúa làm cho mình và cho người khác, nhưng chúng ta không tin. Rồi nhiều lần xin mà không thấy, thay vì tin chúng ta lại đánh mất niềm tin của mình. Trong cuộc sống thường ngày, đừng chỉ nhìn với con mắt thể lý, nhưng hãy nhìn với con mắt đức tin và con mắt của con tim thì chúng ta sẽ nhận ra Chúa đang hiện diện với chúng ta và tin vào Ngài.

Hoa Ven Đường

Check Also

Cáo Phó Ông Cố Đaminh Trần Hồng Phương(Cố Sr M.Giuse Viên Trần Thị Huệ)

Cáo Phó Ông Cố Đaminh Trần Hồng Phương(Cố Sr M.Giuse Viên Trần Thị Huệ)