(Cv 5, 34-42; Ga 6, 1-15)
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu bài giảng của Chúa Giêsu về bánh hằng sống (Ga 6, 1-71). Đối với thánh sử, toàn bộ câu chuyện về bánh hằng sống trở thành một cuộc đối diện khác giữa đám đông không tin và Đấng đến từ trời với lời ban sự sống. Cấu trúc của bài Tin Mừng hôm nay như sau: (1) bối cảnh xa (Ga 6, 1-4); (2) bối cảnh gần: Chúa Giêsu đối thoại với các môn đệ (Ga 6, 5-10); (3) Chúa Giêsu thực hiện phép lạ (Ga 6, 11-13); (4) phản ứng của dân chúng và hành động của Chúa Giêsu sau phép lạ (Ga 6, 14-15). Chúng ta cùng nhau suy gẫm trên những điểm mà cấu trúc Tin Mừng đã gợi ý cho chúng ta.
Trước tiên, chúng ta cần lưu ý rằng Thánh Gioan đã nới rộng phần giới thiệu bằng việc thêm vào đó những chi tiết sau: (1) một cột móc không rõ ràng về thời gian; (2) một nơi chốn cụ thể; (3) động lực của đám đông tìm đến Chúa Giêsu; (4) thời điểm quy chiếu. Trong phần này, điều đáng để chúng ta suy gẫm là động lực của đám đông đến với Chúa Giêsu. Thánh Gioan trình bày rõ ràng cho chúng ta là đám đông đến với Chúa Giêsu vì họ thấy ‘những dấu lạ người làm cho những kẻ đau ốm’, nói cách khác là họ nhìn thấy Chúa Giêsu chữa lành những kẻ đau ốm. Như chúng ta biết, một trong những hành động quan trọng trong Tin Mừng Thánh Gioan là ‘thấy’. Tuy nhiên, ‘thấy’ chỉ mới là bước đầu của tin. Đám đông đến với Chúa Giêsu chỉ vì ‘thấy’ Ngài thực hiện những dấu lạ chứ chưa biết và tin Ngài. Điều này được chỉ rõ trong phần kết của bài Tin Mừng, đó là họ chỉ nhận ra Ngài như một vị ‘ngôn sứ’ giống như Môsê, người đã cho dân Israel bánh ăn trong sa mạc. Chúng ta cũng đến với Chúa mỗi ngày, nhưng động lực của chúng ta là gì? Nhiều người trong chúng ta đã ‘thấy’ nhiều dấu lạ Chúa thực hiện mỗi ngày trong cuộc đời của mình, nhưng chúng ta đã đóng cửa lòng mình lại, chúng ta không nhận ra Ngài và đặt trọn niềm tin yêu phó thác vào tay Ngài. Chúng ta chỉ đến với Chúa chỉ vì chúng ta cần những nhu cầu của mình được đáp ứng, chứ chúng ta không đến với Ngài vì tin yêu Ngài.
Điều đáng để chúng ta lưu ý trong câu chuyện này là sự tương phản và tiếp nối giữa hành động của Chúa Giêsu và các môn đệ. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, chính Chúa Giêsu là người phân phát cho dân chúng bánh và cá sau khi đã dâng lời tạ ơn. Các môn đệ chỉ là những người đi thu lại những gì Chúa Giêsu đã phân phát. Điều này khác với Tin Mừng Nhất lãm là Chúa Giêsu dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ đi phân phát cho dân chúng và cũng chính các môn đệ đi thu lại những gì Chúa Giêsu đã bẻ ra và các ông phân phát. Chúng ta rút ra từ những chi tiết này điều để suy gẫm là: Chúa Giêsu luôn là Người trao ban chính mình và mọi sự cho chúng ta. Về phần chúng ta, chúng ta chỉ cộng tác với Ngài trong việc phân phát những gì của Chúa Giêsu đã trao vào tay chúng ta cho anh chị em của mình. Sứ vụ của chúng ta là sự tiếp nối của sứ vụ Chúa Giêsu. Những gì chúng ta trao ban đều thuộc về Chúa Giêsu. Chỉ khi hiểu được điều này, sứ vụ của chúng ta mới sinh được nhiều hoa trái để mọi người được ăn no nê mà vẫn còn dư thừa.
Bài Tin Mừng kết thúc với phản ứng của đám đông sau khi nhìn thấy dấu lạ là: “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: ‘Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!’” (Ga 6, 14). Đứng trước sự hiểu lầm về chân tính của mình, Chúa Giêsu liền tránh mặt: “Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,15). Đứng trước dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện, dân chúng chỉ dừng lại ở những gì “thuộc về thân xác, thuộc về đất.” Vì vậy, họ không hiểu được thực tại trên trời mà qua dấu lạ Chúa Giêsu ám chỉ đến. Qua dấu lạ, họ chỉ dừng lại ở việc tuyên xưng Chúa Giêsu là một vị ngôn sứ như Môsê, người đã cho họ bánh ăn trong sa mạc. Họ không thể đạt đến việc tuyên nhận rằng, Ngài là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, là Con Thiên Chúa. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài của sự kiện để rồi không thể đọc và hiểu được điều Thiên Chúa nói với chúng ta. Hãy vượt qua những gì mà con mắt thể lý có thể nhìn, và nhìn với con mắt đức tin, chúng ta mới hiểu được những thực tại của Thiên Chúa.
Hoa Ven Đường