ĐÓN NHẬN CHÚA GIÊSU VỚI TRỌN TÂM TÌNH

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về Chúa Giêsu là vị ngôn sứ như Êlia và Êlisa. Theo Thánh Luca, khác với các ngôn sứ khác, Chúa Giêsu được sai đến không chỉ cho dân Do Thái, nhưng cho muôn dân. Phản ứng đầu tiên của dân chúng trước những lời giảng dạy của Ngài là: “Ai cũng tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra” (Lc 4, 22). Tuy nhiên, ngay sau đó, thái độ của họ thay đổi và họ vấp phạm về Ngài khi nhận ra nguồn gốc tầm thường của Ngài: “Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ?” (Lc 4, 22). Qua điều này, Chúa Giêsu muốn  dạy chúng ta một chân lý mà ít người biết đến: Nhìn thấy sự vĩ đại trong cái vĩ đại là bình thường, còn nhìn thấy cái vĩ đại trong những gì tầm thường là phi thường. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra sự vĩ đại trong những khám phá nổi tiếng của khoa học. Nhưng rất ít người nhận ra sự vĩ đại của tình yêu mà một người cha hay một người mẹ dành cho con cái trong những công việc thật bình thường mỗi ngày. Khi chúng ta không nhận ra được sự vĩ đại trong những gì là bình thường, chúng ta dễ dàng rơi vào thái độ loại trừ. Đây là điều mà người Do Thái rơi vào khi họ nhận thấy nguồn gốc tầm thường của Chúa Giêsu. Như là một ngôn sứ, Chúa Giêsu cũng phải chấp nhận định mệnh bị loại trừ và bị giết như các ngôn sứ khác. Thật vậy, có câu nói trong đời rằng: “Quen thuộc sinh ra coi thường”: Những người và những vật quá quen thuộc sẽ dễ dàng làm chúng ta “coi thường”. Hay nói cách khác, chúng ta khó khám phá ra cái mới mẻ trong những người hoặc những vật quá quen thuộc và như thế chúng ta dễ dàng để định kiến chi phối cách nhìn và lối cư xử của mình.

Để vượt qua thái độ định kiến, Thánh Luca trong Tin Mừng mời gọi chúng ta có cái nhìn cởi mở và không loại trừ. Điều này được Thánh Luca trình bày qua việc chỉ ra lối nhìn thiển cận của người Do Thái, đó là họ cho rằng ơn cứu độ chỉ dành riêng cho “một dân tộc được tuyển chọn.” Nhưng theo Thánh Luca, ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến là cho mọi người, cả nam lẫn nữ. Điều này được phản chiếu trong hình ảnh của hai ngôn sứ Êlia và Êlisa: “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri thôi” (Lc 4, 25-27). Chúng ta thấy hai ngôn sứ Êlia và Êlisa được sai đến với những người ngoài “dân được tuyển chọn.” Đây là điều sẽ tìm thấy trong sứ vụ của Chúa Giêsu như một vị ngôn sứ trong Tin Mừng của Thánh Luca.

Hai câu cuối cùng của Tin Mừng hôm nay chỉ ra phản ứng tiêu cực của những người nghe sự thật về chính họ: “Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4, 28-30). Thái độ này hoàn toàn trái ngược với thái độ ngưỡng mộ và là hệ quả của thái độ coi thường trước đó mà họ có về Chúa Giêsu. Họ phẫn nộ vì Chúa Giêsu nói rằng: Ơn cứu độ dành cho họ cũng được chia sẻ cho những dân tộc khác. Họ phẫn nộ vì sự quảng đại và tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Đúng hơn, họ phẫn nộ vì họ ghen tỵ vì Thiên Chúa “đối xử tốt với những người khác như Ngài đã từng đối xử độ lượng với họ.” Tuy nhiên, sự phẫn nộ vì ghen ghét của họ không ngăn bước chân của Chúa Giêsu tiếp tục thực hiện kế hoạch cứu độ muôn người của Chúa Cha: Không có hành trình nào cao đẹp bằng hành trình của người ngôn sứ đi theo con đường Thiên Chúa vạch ra dù bị chống đối và loại trừ.

Hoa Ven Đường

Check Also

TẶNG PHẨM TÌNH YÊU

   Tình yêu luôn là một đề tài muôn thuở. Có biết bao tác phẩm …