ĐẾN VỚI ĐỨC KITÔ ĐỂ ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI

Bài giảng về Bánh Hằng Sống bước sang một ngã rẽ mới trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu không còn dùng ngôn ngữ hình ảnh để nói cho đám đông về thực tại hữu hình đứngsau dấu lạ hoá bánh ra nhiều, mà Ngài nói rõ ràng cho họ biết thực tại hữu hình đó chính là Ngài, Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Để đi đến khẳng định đó, Chúa Giêsu tiếp tục dùng Kinh Thánh để nói về mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha và việc Ngài trở nên Bánh Trường Sinh cho thế gian chính là thánh ý của Chúa Cha.

Mệnh lệnh của Chúa Giêsu đượcdùngtrongnhữnglời phàn nàn đi theo với một chuỗi những lời nói phản ánh thần học của Thánh Gioan về niềm tin. Theo Thánh Gioan, đức tin là một món quà của Chúa Cha (x. Ga 6, 44-45). Những lời này lặp lại khẳng định rằng chỉ có những ai “được Thiên Chúa lôi kéo” mới tin vào Chúa Giêsu, Đấng sẽ mang lại sự sống trong ngày sau hết hay còn gọi là sự sống đời đời. Theo các học giả Kinh Thánh, Thánh Gioan đã mở rộng lời trích từ sách ngôn sứ Isaia (54, 13) và Giêrêmia (31, 34) để minh hoạ rằng Thiên Chúa là Đấng ban niềm tin cho những ai tin vào Chúa Giêsu. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta được nhắc nhở rằng đức tin không phải là một nỗ lực thuần tuý của con người, nhưng là một ân ban của Thiên Chúa. Không phải chúng ta đọc nhiều sách, học nhiều trường lớp về thần học, đức tin của chúng ta sẽ lớn mạnh. Nhưng chỉ trong đời sống cầu nguyện, trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa đức tin của chúng ta mới được nuôi dưỡng và trưởng thành. Đức tin và đời sống cầu nguyện chân thật luôn đi đôi với nhau: đức tin thúc đẩy chúng ta cầu nguyện và cầu nguyện là diễn tả của đức tin và làm cho đức tin vững mạnh.

Trong cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến để mang sự sống đời đời cho con người (x. Ga 6, 46-47). Những lời này khẳng định rằng chúng ta sẽ không có sự hiểu biết về Thiên Chúa nếu chúng ta không đến với Chúa Giêsu vì chỉ có mình Ngài đã thấy Thiên Chúa và đến từ Thiên Chúa. Nên chỉ nơi Ngài chúng ta mới tìm được kiến thức về mầu nhiệm Thiên Chúa là tình yêu. Nhưng trong thực tế, chúng ta không ‘tha thiết’ để đến với Chúa Giêsu. Mỗi tuần [mỗi ngày] đi lễ hoặc dành cho Chúa tí thời gian của mình, chúng ta cũng thấy tiếc. Nhiều khi chúng ta chỉ đến với Chúa “khi chúng ta rảnh.” Rồi nếu có đến với Chúa thì chúng ta cũng không để ý đến việc lắng nghe lời Chúa; mà có để ý lắng nghe thì cũng không đem ra thực hành. Cuối cùng, chúng ta vẫn ở lại trong sự vô tri của mình về Thiên Chúa, về tình yêu của Ngài vì chúng ta không để Ngài hoạt động trong chúng ta, không để cho tình yêu của Ngài phản chiếu trong cuộc đời mình.

Vì đến từ Thiên Chúa và đem lại sự sống đời đời cho con người, nên Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài là bánh trường sinh: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng  đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 48-51). Điều đáng để chúng ta suy gẫm trong những lời trên là việc Chúa Giêsu đưa ra sự tương phản giữa manna trong sa mạc mà tổ tiên của thính giả Ngài ăn và họ đã chết với bánh mà Ngài ban, ai ăn sẽ sống muôn đời. Chúng ta có thể xem mình là những người may mắn vì chúng ta được ăn bánh Chúa Giêsu ban và được hưởng sự sống muôn đời. Câu hỏi ở đây là: Chúng ta có cảm thấy đây là một đặc ân không? Chúng ta có thật sự hãnh diện và hạnh phúc khi đến đón nhận “Bánh Trường Sinh” không?

Hoa Ven Đường

Check Also

TẶNG PHẨM TÌNH YÊU

   Tình yêu luôn là một đề tài muôn thuở. Có biết bao tác phẩm …