ĐẾN VỚI CHÚA VỚI TÂM HỒN KHIÊM NHƯỜNG

ĐẾN VỚI CHÚA VỚI TÂM HỒN KHIÊM NHƯỜNG

THỨ BẢY TUẦN III  – MC

(Hs 6, 1-6; Lc 18, 9-14)

Ai trong chúng ta cũng đã một lần trải qua kinh nghiệm mang trong mình một vết thương trên thân xác hoặc trong tâm hồn. Khi mang vết thương, chúng ta cảm thấy đau đớn, nhưng khi vết thương được chữa lành, chúng ta được hưởng một niềm vui khôn tả. Niềm vui được chữa lành làm chúng ta quên đi những đau đớn mà chúng ta đã phải chịu đựng. Đây chính là kinh nghiệm của dân Israel được Ngôn sứ Hôsê nói đến trong bài đọc 1 hôm nay. Chính niềm vui được Thiên Chúa chữa lành là động lực để cho họ trở về với Chúa. Chúng ta có thể nhận ra trong bài đọc 1 hôm nay hai thái độ sau: thái độ kiên định của dân Israel khi quyết định trở về với Thiên Chúa và thái độ “đòi hỏi” tình yêu nơi dân Israel khi họ trở về. Đây chính là hai thái độ chúng ta cần suy gẫm trong tương quan mỗi ngày của chúng ta với Thiên Chúa.

Hôsê trình bày quyết tâm trở về của dân Israel trong những lời thật cảm động: “Con cái Israel bảo nhau rằng: ‘Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa. Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương’” (Hs 6, 1). Dân Israel trở về vì họ biết chắc một điều là Đức Chúa sẽ đoái thương đến họ sau khi sửa phạt những lỗi lầm của họ. Hôsê trình bày kinh nghiệm trở về này của dân Israel như là kinh nghiệm phục sinh của Chúa Giêsu: “Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người” (Hs 6, 2). Nói cách khác, khi trở về với Chúa, dân Israel sẽ được biến đổi và sống một đời sống mới mà Thiên Chúa ban cho họ. Để đạt được điều đó, họ phải ra sức nhận biết Thiên Chúa khi Ngài đến như hừng đông mỗi ngày xuất hiện và như mưa rào, như mưa xuân tưới gội đất đai (x. Hs 6, 3). Chỉ khi nhận ra Thiên Chúa xuất hiện trong từng giây phút sống, chúng ta mới có thể đáp lại và sống trọn vẹn theo sự hướng dẫn của Ngài. Vậy, hãy tỉnh thức để nhận ra Chúa đến với chúng ta trong những sự kiện nhỏ bé của đời sống thường ngày.

Trong dụ ngôn người Pharisêu và thu thuế hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ về tầm quan trọng của việc lệ thuộc vào Thiên Chúa hơn là dựa vào chính mình. Đây là dụ ngôn cuối cùng của Thánh Luca. Mục đích của dụ ngôn được trình bày ngay trong câu giới thiệu của chính Thánh Luca: “Khi ấy, Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18, 9). Trong những lời này, Thánh Luca không chỉ nhắm đến những người Pharisêu, là những người ‘công chính’ trước lề luật vì họ giữ luật rất chặt chẽ. Vì lý do đó, họ rất tự tin vào chính mình. Đối với họ, tiêu chuẩn để cho một người nên công chính là khả năng giữ luật. Điều này hoàn toàn dựa trên sức của mình. Nói cách khác, chính việc giữ luật của họ làm cho họ nên công chính chứ không phải lòng thương xót của Thiên Chúa làm cho họ nên công chính. Đây chính là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Chúng ta thường có thái độ khinh chê người khác khi họ sống không đạo đức, thánh thiện như chúng ta. Từ đó, chúng ta đặt mình làm tiêu chuẩn của sự thánh thiện. Những ai không đạt đến tiêu chuẩn của mình, chúng ta loại trừ và khinh chê. Chúng ta có đang ở trong tình trạng khinh chê anh chị em thiếu đạo đức hơn mình không? Nếu có, chúng ta hãy để Chúa Giêsu biến đổi chúng ta qua dụ ngôn.

Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế” (Lc 18, 10). Hai người làm chung một công việc, đó là lên đền thờ cầu nguyện. Thời gian cầu nguyện trong đền thờ của người Do Thái là từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Khách quan mà nói, họ không có gì khác nhau trong công việc. Điều làm cho họ khác nhau chính là thái độ cầu nguyện: “Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’” (Lc 18, 11-13). Chúng ta thấy người Pharisêu đứng thẳng ở ‘chỗ nhất,’ trong khi đó người thu thuế đứng đằng xa ở ‘chỗ rốt hết,’ mặt cúi xuống; người Pharisêu kể cho Thiên Chúa nghe công trạng của mình và nhìn xuống cách khinh chê những người khác, còn người thu thuế chỉ đấm ngực sám hối xin Thiên Chúa thương xót mình. Trong cầu nguyện, thái độ trước Thiên Chúa mới quan trọng. Cầu nguyện là tương quan cá vị của mình với Thiên Chúa. Trong cầu nguyện, chúng ta đáp lại sứ điệp Tin Mừng của Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài là: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Người thu thuế đã thực hiện điều này, đã không dựa vào sức mình để được nên công chính, nhưng đáp lại sứ điệp của Chúa Giêsu để chỉ dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa để được nên công chính. Thái độ khiêm nhường sám hối của người thu thuế đã được Chúa Giêsu khen ngợi: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18, 14). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định cho các môn đệ rằng sự công chính của một người không hệ tại những việc tốt người đó thực hiện, nhưng là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho những người sám hối trở về với Ngài. Cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu mỗi người chúng ta không khinh chê anh chị em mình, nhưng biết khiêm nhường sám hối trước mặt Chúa mỗi phút giây vì sự yếu đuối mỏng dòn của mình.

Hoa Ven Đường

Check Also

Hội dòng mừng bổn mạng quý chị 18.09

Hội dòng mừng bổn mạng quý chị 18.09