ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU

ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU!

THỨ BẢY TUẦN II – TN

(2 Sm 1,1-4.11-12.19.23-27; Mc 3, 20-21)

Biết nhìn vượt qua những tổn thương người khác làm cho mình là điều rất khó. Nhưng còn khó hơn khi tôn vinh những người đã làm mình tổn thương như là anh hùng thì dường như không thể. Trong bài đọc 1 hôm nay, Đavít dường như đi ngược lại với khuynh hướng tự nhiên của con người, đó là thấy vui khi “kẻ thù” của mình thất bại hay gặp điều bất hạnh. Đavít đã xé áo mình ra trong đau buồn khi nghe vua Saun và bạn mình là Giônathan tử trận. Đavít khóc thương Giônathan là điều dễ hiểu vì Giônathan là người bạn thân đã từng cứu mạng Đavít, nhưng còn Vua Saun, người đã âm mưu lấy mạng của Đavít, cũng được Đavít khóc thương và tôn vinh là điều dường như vượt trên khuynh hướng tự nhiên của con người. Thật vậy, Đavít đã ca tụng Saun (và Giônathan) với những lời hoa mỹ sau:  “Hỡi Israel, trên các đồi của ngươi, những người con ưu tú đã bỏ mình. Than ôi! Anh hùng nay ngã gục! Saun và Giônathan, ôi những con người dễ thương, dễ mến, sống chẳng xa nhau, chết cũng chẳng rời, nhanh hơn chim bằng, mạnh hơn sư tử! Thiếu nữ Israel hỡi, hãy khóc Saun, người đã mặc cho các cô vải điều lộng lẫy, đính trên áo các cô đồ trang sức bằng vàng” (2 Sam 1, 19.23-24). Đavít xem Saun là “con người dễ thương, dễ mến.” Không những thế, Đavít còn công nhận những gì Saun đã làm cho Israel, đó là mặc cho Israel “vải điều lộng lẫy” và “đồ trang sức bằng vàng.” Hành động này của Đavít làm chúng ta nhìn lại chính mình khi đối diện với những người đã từng làm chúng đau khổ. Liệu chúng ta có như Đavít, biết nhìn vượt lên trên những lỗi lầm của họ, để chân nhận những điều tốt họ đã làm cho mình và người khác không!

Chúng ta chỉ hiểu bài Tin Mừng hôm nay khi chúng ta liên kết nó với bài Tin Mừng hôm qua. Tin Mừng hôm qua thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai như là nền tảng của “gia đình mới” của Ngài. Tiêu chuẩn của gia đình mới này không dựa trên huyết nhục, nhưng dựa trên ý muốn của Thiên Chúa. Đứng trước tiêu chuẩn mới này, nhiều người đã có phản ứng tiêu cực, bắt đầu với những người thân của Chúa Giêsu mà Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta. Bài Tin Mừng chỉ có hai câu. Câu 20 nêu lên bối cảnh hay lý do dẫn đến việc “hiểu lầm” của người thân Chúa Giêsu: “Khi ấy, Đức Giêsu cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được”. Sau khi gọi những kẻ Ngài muốn đến với Ngài để ở với Ngài, Chúa Giêsu và các môn đệ “trở về nhà”. Theo các học giả Kinh Thánh, đây là nhà ở Nadarét nơi người thân của Chúa Giêsu đang ở. Nhưng đây chưa phải là lý do để người thân của Ngài có phản ứng tiêu cực. Lý do nằm ở chỗ là Ngài để cho đám đông kéo đến nhà và “bận rộn” tiếp họ đến nỗi không còn thời gian cho chính mình, không có thời gian để ăn uống. Đây chính là điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ, những người Ngài muốn nhận ra: Một khi đã ở với Ngài, họ sẽ chịu chung số phận với Ngài, đó là không còn giờ cho chính mình, sẵn sàng tận hiến chính mình cho những người đến với họ hoặc họ được sai đến. Là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng chịu chung số phận với Chúa Giêsu không?

Chi tiết thứ hai làm chúng ta suy gẫm là thái độ tiêu cực của người thân của Chúa Giêsu trong câu 21: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” Những lời này chỉ cho thấy người thân của Chúa Giêsu muốn “kiểm soát” hay đúng hơn “giam” Ngài trong lối suy nghĩ hạn hẹp của họ. Họ không muốn Chúa Giêsu phải làm cho gia đình, người thân phải xấu hổ. Như chúng ta biết, trong thời đại của Chúa Giêsu, cảm thức dân tộc hoặc gia đình rất mạnh mẽ trong tâm thức mỗi người: Một người làm quan, cả họ được nhờ. Nhưng ngược lại, thất bại của một người sẽ liên luỵ cả dòng tộc. Chính trong lối suy nghĩ này mà người thân của Chúa Giêsu không muốn “lối sống mới” của Chúa Giêsu mang sự chống đối của các nhà lãnh đạo tôn giáo lên trên họ. Vì vậy, họ muốn “kiểm soát” Chúa Giêsu. Đây cũng là thái độ của chúng ta. Nhiều lần, chúng ta cũng muốn kiểm soát Chúa Giêsu, cũng muốn giam hãm Ngài trong khối óc và con tim chật hẹp của mình để rồi Ngài không còn là Chúa, là Thầy, là Người hướng dẫn chúng ta mà trở thành Người làm theo điều chúng ta muốn. Hãy để Chúa Giêsu là Chúa! Hãy để Ngài đưa chúng ta vào trong quỹ đạo yêu thương của Ngài hơn là đưa Ngài vào trong quỹ đạo nhỏ bé giới hạn của chúng ta.

Hoa Ven Đường

Check Also

WEDNESDAY OF THE 25TH WEEK IN ORDINARY TIME

GOSPEL Lk 9:1-6 Jesus summoned the Twelve and gave them power and authority over all …