Không ít người ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi thấy những “âm thanh lạ” xuất hiện trong ngôi nhà thân thương mà người ta vẫn quen gọi là nhà của các Dì. Người ta thấy lạ là vì những âm thanh của tiếng violon, tiếng guitar, tiếng kèn, tiếng trống hình như lâu lắm rồi mới thấy xuất hiện trở lại nơi đây. Tuy rằng những âm thanh này mới chỉ đang trên đường đi tới đỉnh cao của nghệ thuật nhưng hiện giờ nó cũng đủ để cho mọi người cảm nghiệm được sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của các nhạc công thân thương này.
Người ta vẫn thường thấy dáng Dì với tấm áo dòng màu đen trong các thánh lễ, các cuộc rước kiệu tháng hoa hay những giờ chầu Thánh Thể, giờ cầu nguyện chung với giáo xứ.
Người ta vẫn thường thấy dáng Dì với chiếc áo blouse trắng ngần nơi bệnh viện hay ở các điểm khám và phát thuốc từ thiện.
Người ta vẫn thường thấy dáng Dì với vai trò là một người mẹ nơi các trường mầm non để chăm sóc những thiên thần bé nhỏ của Chúa, những vị thánh tương lai của Giáo hội, những nhân tài đất Việt mai này của nước nhà.
Người ta vẫn thường thấy dáng Dì thân thiện và gần gũi pha chút hương vị của người nữ thôn quê chất phác.
Người ta vẫn thường thấy dáng Dì trong những trang phục “hàng độc” khi ra ruộng cuốc đất làm bờ hay cấy lúa trồng rau. Những chiếc khăn to đùng bịt kín chiếc nón lá ngả màu vừa để cho khỏi nắng nóng, vừa để chiếc nón kia không bị bay theo chiều gió. “Hàng độc” đến độ chỉ cần nhìn thấy thế là biết ngay các Rì Ròng.
Người ta thường thấy dáng Dì trong vai trò của người ca trưởng trên bục chỉ huy hay người chơi đàn với những ngón tay lướt nhẹ như tơ hồng và nghĩ rằng chuyện đó là đương nhiên, là “ngon ơ”. Nhưng ít ai thấy được những cố gắng, những khổ công tập luyện trong mồ hôi và nước mắt để có được thành quả như vậy. Đành rằng lãnh vực nghệ thuật thường được “đính kèm” với năng lực bẩm sinh nhưng không phải chỉ dựa vào năng lực bẩm sinh để ngồi chờ hái thành quả. Nỗ lực để đi đến thành công không chỉ ngày một ngày hai nhưng là cả một quá trình “cò cưa” với cây đàn violon, những lẫn mỏi rã rời chân tay với nhạc cụ trống Jazz, những lần ngón tay bật máu với chiếc Guitar và cả những lần suýt “sái quai hàm” vì phải phùng má lên thổi cây kèn Saxophone. Có lẽ những nhạc công bán chuyên này cũng không tránh khỏi đôi lần chán nản, muốn ngã lòng rút lui và chắc cũng có lần “nhận được khen ở đâu có ca sĩ ở đó có ầm ĩ”. Cũng vất vả lắm đấy! Cũng khổ công tập tành lắm đấy! Nhưng mỗi lần như thế chị em lại động viên nhau cùng cố gắng. Cố gắng không phải chỉ để chơi được những bài hay, không phải để được khen ngợi lại càng không phải để mong kiếm được những vinh hoa lợi nhuận. Mà đơn giản là vì cần phải giữ lại nét truyền thống và muốn làm một điều gì đó cho tương lai.
Nếu bản chất của người tu sĩ là yêu thì tiếng yêu đó đang được những nữ tu trẻ này thể hiện cách xứng hợp không chỉ trong các luật buộc mà còn cả trong những khả năng và những sáng tạo ở mọi lãnh vực khác nữa. Tất cả đều đang cố gắng để đi đến sự hoàn thiện chân dung người nữ tu Mân Côi với ước mong mang Chúa đến với mọi người bằng một tình yêu chân thành cùng với khả năng Chúa ban cũng như những thành quả ngày đêm chị em tập luyện được.
Tác giả bài viết: Trần Trần, FMSR.