Cùng Thánh Phaolô gặp gỡ Đức Kitô

Nói đến tâm hồn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng thì chúng ta không thể quên nhắc đến người thánh Phaolô hay còn được gọi là người Tông Đồ dân ngoại. Có thể nói rằng, trong số các Tông đồ, thánh Phao-lô là người đi xa nhất và nhiều nơi nhất, một con người luôn ra đi không biết mệt mỏi. Để có một cuộc đời sống chết cho sứ mạng, sống chết cho Đức Kitô, điều ta cần đi tìm về cội nguồn đâu là động lực thúc đẩy thánh Phaolô làm những việc đó, đâu là khởi điểm của sự nhiệt huyết chảy lửa??? Chiếu vào cuộc đời ngài thì ta có thể nói rằng đó là lòng say mê Đức Kitô, chính xác hơn là bởi cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Kitô phục sinh trên con đường Đamát.

Đối với Phaolô, con đường Đamát là con đường thiên mệnh, con đường của Chúa, lời ngỏ của Chúa, cách gặp người của Chúa, cách tuyển chọn người của Đức Kitô Phục sinh. Con đường ấy đã thay đổi con người và cuộc đời của Phaolô 180 độ.    
Trong ánh sáng huy hoàng, Đức Kitô phục sinh đã ngỏ lời và đối thoại với Saolô. Thần Khí của Đấng Phục Sinh đã tác động và thay đổi hoàn toàn con người của ông. Ánh sáng ấy làm cho Saolô mù mắt, diễn tả sự mù quáng của ông trước việc bắt bớ các người Kitô hữu. Sự mù lòa còn tượng trưng cho sự “vô tri”, Saolô không thấy Thiên Chúa, không biết Thiên Chúa, mà cứ tưởng như mình biết.               
        Chúa Kitô Phục Sinh muốn nhờ Giáo hội, qua Phép rửa, để giải thoát Saolô khỏi sự “u mê lầm lạc”. Phaolô đã được thấy lại nhờ ánh sáng của Chúa qua Phép rửa bởi người của Giáo hội, bấy giờ mới ngài nhận biết Đức Kitô và khám phá ra Thiên Chúa, chính là Cha của Đức Giêsu Kitô. Ánh sáng từ trời đã đánh gục người Pharisêu nhiệt thành bắt bớ các tín hữu Kitô. Một người mà Phaolô ra sức tiêu diệt đã trở nên lẽ sống cho ngài, trở nên nguồn sống mãnh liệt cho ngài. Từ đó, Phaolô trở nên “chứng nhân” được sai đi loan báo Tin mừng Phục Sinh cho các dân ngoại.

Có thể nói cuộc gặp gỡ này không phải là “tiếng xét ái tình”, hay một thứ đam mê tình cảm nhưng là tình yêu phát xuất bởi đức tin nơi Đức Kitô Phục sinh. Ngài say mê một Đấng không cho ngài tiền tài, chức sắc, danh vọng, vinh quang, trước kia Phaolô được biết đến là một người Pharisêu, một tiến sỹ luật, một nhà tri thức thì này với Đức Kitô ngài tự giới thiệu dưới tước hiệu “Phaolô, tù nhân của Đức Kitô” hay  “Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô” và Đấng ấy đưa đến cho ngài gian nguy, bắt bớ, tù đày… ngài sẵn sàng chấp nhận mọi nguy hiểm và mọi khổ đau. Ngài không quản nhọc nhằn, đau khổ, thiếu thốn, hiểm nguy, miễn sao chu toàn sứ mệnh mà Đấng Phục Sinh đã ủy thác. Thật vậy “Không gì có thể tách ngài ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô” ( Rm 8,35-39); “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi”(1 Cr 5,14). Với ngài, mọi khổ đau đều là quý giá, vì nó giúp ngài được thông phần vào cuộc thương khó của Đức Kitô (2 Cr 4,10). Có lẽ không ai có thể diễn tả cách trọn vẹn tình yêu của mình đối với Đức Kitô và tình yêu của Ngài đối với mình như Phaolô. Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “Trái tim của Phaolô chính là trái tim của Đức Kitô”.

Tâm hồn đa cảm của Phaolô luôn dạt dào đối với Đức Kitô và các tín hữu. Với Đức Kitô, ngài luôn tỏ ra sự say mến, danh hiệu “Giêsu Kitô” không ngớt trên môi miệng và dưới ngòi bút của ngài. Những lời xác quyết: “Nhờ Đức Kitô”, “với Đức Kitô”, và “trong Đức Kitô” luôn xuất phát từ đáy lòng và kinh nghiệm sống của Phaolô. Nơi con người Phaolô, chúng ta dễ dàng nhận ra khuôn mặt và trái tim của Đức Ki-tô Mục Tử. Cả cuộc đời của Phaolô là một nỗ lực liên tục để đồng hoá mình với Đức Kitô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 21).

Đôi nét về con người thánh Phaolô giúp người viết ý thức về cuộc gặp gỡ của mình với Đức Kitô, liệu say mê Ngài được bao nhiêu? Liệu con người chúng ta ngày nay có thể gặp gỡ Chúa và chỉ sống cho mình Ngài như thánh Phaolô không? Bởi trong ngày sống, biết bao hoàn cảnh, hành động, bao vấn đề chi phối đến tâm tư, tư tưởng, ý nghĩ và làm chúng ta xa lìa Chúa. Như những mối tương quan, những thú vui, những lo âu, thu hút tâm trí thời gian và trái tim của chúng ta. Tuy nhiên, chính nhờ những sự ấy mà ta có thể thánh hóa ngày sống bận rộn của mình. Khi kết hợp với Đức Kitô trong mỗi giây phút cả những mệt mỏi hay lúc nghỉ ngơi, giúp ta làm việc và vui chơi trong Chúa không cong thấy mệt mỏi và chán nản. Bởi thế, người gặp gỡ thân mật với Đức Kitô thì sẽ say mê Ngài và phản chiếu hình ảnh trong suốt của Ngài bất cứ hoàn cảnh nào và bất cứ nơi nào. Người được tràn đầy Chúa, lấy Chúa là nguồn sống đến độ tình yêu của Chúa ví tựa hơi thở, khi đó ta được tham dự vào đời sống Thần Linh của Thiên Chúa trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Vì vậy, cùng thánh Phaolô chúng ta hãy đi gặp gỡ Đức Kitô.

Giêrônimô Nguyễn

 

 

Check Also

WEDNESDAY OF THE 25TH WEEK IN ORDINARY TIME

GOSPEL Lk 9:1-6 Jesus summoned the Twelve and gave them power and authority over all …