Hôm nay chúng ta tiếp tục nghe bài ca thứ hai về người tôi tớ của Thiên Chúa trong sách Ngôn sứ Isaia. Trong bài ca thứ hai hôm nay chúng ta nghe về ơn gọi của người tôi tớ của Thiên Chúa. Trong bài ca thứ hai này, Ngôn sứ Isaia cũng cho chúng ta biết người tôi trung của Thiên Chúa chính là Israel (x. Is 49, 3). Người tôi trung Israel là người sẽ được Thiên Chúa sử dụng để biểu lộ vinh quang của Ngài. Đọc những lời này, chúng ta không khỏi không tự vấn lòng mình bởi vì chúng ta cũng xưng mình là những người tôi trung của Thiên Chúa, nhưng liệu đời sống của chúng ta biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa cho mọi người không?
Điểm thứ hai chúng ta có thể rút ra từ bài đọc 1 là thái độ hoàn toàn tín thác vào Chúa và trân trọng chính nhân phẩm của mình, là người tôi tớ của Thiên Chúa. Isaia cho chúng ta hay rằng, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cố gắng và vất vả làm nhiều việc, nhưng kết quả lại không được như lòng mong muốn và hệ quả là chúng ta nản lòng và thất vọng. Nhưng khi chúng ta biết có Thiên Chúa là Đấng minh xét và dành sẵn cho chúng ta phần thưởng, chúng ta sẽ không thất vọng, nhưng hy vọng và tín thác hơn (x. Is 49, 4). Từ đây, chúng ta có thể nói rằng, người không tin tưởng vào Chúa luôn dễ nản lòng trước khó khăn và thất vọng khi thất bại. Điều này đưa chúng ta đến thái độ cần phải có, đó là trân trọng chính nhân phẩm và ơn gọi của mình, vì chúng ta được chính Thiên Chúa “nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Giacóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi” (Is 49, 5). Thật tuyệt vời khi chính Thiên Chúa trân trọng chúng ta. Tại sao chúng ta lại không trân trọng chính mình và người khác? Vì chúng ta được tạo dựng quá tuyệt vời, nên chúng ta không chỉ là tôi trung của Thiên Chúa để “tái lập” lại những gì đã rạn nứt, nhưng còn được đặt làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ của [Thiên Chúa] đến tận cùng cõi đất” (Is 49, 6).
Không có cảm giác nào đau buồn cho bằng cảm giác bị người thân phản bội và từ chối. Đau đớn hơn là biết trước người đó sẽ phản bội và từ chối mình. Chúng ta có thể nói đây là bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay. Càng đến gần Tam Nhật Thánh, lời Chúa càng đưa chúng ta đi sâu vào trong bối cảnh gần cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm này trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu tiên báo về người sẽ nộp Ngài. Điều đáng lưu ý là Chúa Giêsu tiên báo về người nộp mình trong Bữa Tiệc Ly: “Khi ấy, đang dùng bữa với các môn đệ, Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: ‘Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.’ Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai” (Ga 13, 21-22). Lời tiên báo về người phản bội rất giống với những gì được trình thuật trong Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mc 14, 18; Mt 26, 21). Đây là lần thứ ba chúng ta thấy Chúa Giêsu xao xuyến khi mà những sự kiện về cuộc thương khó của Ngài dần dần vén mở (x. Ga 11, 33; 12, 27). Nếu chúng ta lưu ý, sự hiện diện của Giuđa trong hai bữa tiệc, trong nhà Ladarô và trong Bữa Tiệc Ly, mang lại sự ‘u buồn’ cho bữa tiệc, trái với ý nghĩa của bữa tiệc là niềm vui, sự chia sẻ và hiệp nhất. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại sự hiện diện của mình trong gia đình, cộng đoàn, hội đoàn hay bất kỳ nơi đâu. Chúng ta mang đến anh sáng và niềm vui hay chúng ta mang đến bóng tối và nỗi u buồn cho những nơi chúng ta hiện diện?
Hình ảnh của Giuđa Ítcariốt nhanh chóng được thay thế bằng hình ảnh của người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến, người là nguồn của truyền thống của cộng đoàn: “Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simôn Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: ‘Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?’ Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: ‘Thưa Thầy, ai vậy?’” (Ga 13, 23-25). Người môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương là người gần Chúa Giêsu nhất và câu hỏi của người môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương mang lại sự mặc khải về người nộp Chúa Giêsu: “‘Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.’ Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y. Đức Giêsu bảo y: ‘Anh làm gì thì làm mau đi!’” (Ga 13, 26-27). Hai hình ảnh này đặt trước chúng ta một sự chọn lựa về loại môn đệ chúng ta muốn trở thành. Chúng ta cần phải ý thức rằng chỉ có những người môn đệ được Chúa yêu hoặc ở gần cung lòng của Ngài mới nghe được nhịp đập của con tim tràn đầy tình yêu của Ngài và biết được lối sống đẹp lòng Ngài. Còn những người sống xa Ngài, sẽ luôn lầm lũi bước đi trong bóng tối. Điều này chúng ta thấy trong việc Giuđa ra đi để nộp Chúa Giêsu xảy ra trong đêm tối: “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13, 30).
Sau khi Giuđa ra đi, Chúa Giêsu nói về “giờ” của Ngài: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13, 31-32). Trong những lời này, chúng ta tìm thấy nội dung của ‘giờ’ của Chúa Giêsu, đó là thời khắc Ngài được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Ngài. Giờ mà Ngài được nâng lên khỏi đất để về với Chúa Cha. Chính sự ra đi này sẽ mang lại cho các môn đệ sự đau buồn. Nhưng Chúa Giêsu dùng những lời thật nhẹ nhàng để an ủi các môn đệ: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do Thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được,’ bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy” (Ga 13, 33). Những lời này mang lại cho chúng ta sự ấm áp trong những giây phút chúng ta không cảm thấy Chúa ở gần bên. Chính trong những giây phút đó, Chúa Giêsu gọi nói với chúng ta với những lời thật ngọt ngào và an ủi. Liệu chúng ta có đủ lắng đọng để nghe Ngài hay không hay chúng ta để cho tiếng ồn của những đau buồn lấn át đi tiếng thì thầm đầy yêu thương của Ngài.
Bài Tin Mừng bắt đầu với việc tiên báo về Giuđa là kẻ sẽ nộp Chúa Giêsu và kết với việc tiên báo Phêrô là người chối Chúa Giêsu: “Ông Simôn Phêrô nói với Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?’ Đức Giêsu trả lời: ‘Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.’ Ông Phêrô thưa: ‘Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!’ Đức Giêsu đáp: ‘Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần’” (Ga 13, 36-38). Trong cấu trúc này, chúng ta nhận ra cấu trúc ‘bánh mì kẹp’ quen thuộc. Hình ảnh của hai môn đệ nộp và chối Chúa Giêsu phản ánh cách trung thực thân phận mỗi người chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu vẫn gọi chúng ta cách ngọt ngào: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy…” Chính tình yêu này là ‘chiếc phao’ cứu chúng ta khỏi chìm xuống biển sâu của tội lỗi và thất vọng. Hãy bắt đầu lại với Chúa Giêsu!
Hoa Ven Đường