(Kn 2,1a.12-22; Ga 7, 1-2.10.25-30)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta tìm thấy hình ảnh người công chính bị kết án do những người “nghĩ” mình biết Thiên Chúa, nơi hình ảnh Chúa Giêsu. Sau khi “bị nộp” bởi người bị bệnh được chữa lành ở hồ Bếtdatha, Chúa Giêsu không còn đi lại cách công khai trong miền Giuđê vì “người Do Thái tìm giết Người”, nên Ngài phải đi lại cách bí mật (Ga 7, 1-2). Tuy nhiên, chúng ta thấy Chúa Giêsu can đảm đối diện với sự chống đối qua những lời lẽ thật hùng biện của Ngài. Đề tài về ban sự sống và xét xử, đề tài về phạm luật ngày Sabát và việc đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa đã nhường chỗ cho đề tài về nguồn gốc của Chúa Giêsu. Chính đề tài về nguồn gốc này giúp chúng ta phân biệt được hai loại biết: “biết về “Thiên Chúa của người Do Thái và “biết Thiên Chúa” của Chúa Giêsu.
Cái biết của người Do Thái về Chúa Giêsu được tìm thấy trong câu: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7, 27). Đây là một cái biết dựa trên sự “quan sát thể lý”. Điều này thường xảy ra cho chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta thường dựa vào cái biết mang tính thể lý mà chúng ta đạt được qua giác quan để đánh giá một con người hoặc sự kiện. Tuy nhiên, cái biết này chỉ giới hạn ở những gì bên ngoài, còn những gì kín ẩn bên trong chúng ta không thể biết. Để biết một sự vật hoặc một con người, chúng ta cần cả cái nhìn bên ngoài và bên trong. Chỉ khi có được cái nhìn như thế, chúng ta mới có thể nói rằng, chúng ta đã biết. Cũng vậy, chúng ta chỉ biết Thiên Chúa khi chúng ta không chỉ “nghe lời Ngài”, nhưng còn “đem ra thực hành”.
Chúa Giêsu phê bình cái biết của người Do Thái về Thiên Chúa và trình bày cái “biết Thiên Chúa” của Ngài: “Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi” (Ga 7, 28-29). Chúa Giêsu chỉ ra cái sai trong cái biết của những người Do Thái, đó là, họ chỉ dừng lại ở “nguồn gốc con người” của Chúa Giêsu: nguồn gốc mà họ có thể quan sát bằng con mắt thể lý. Họ không biết “nguồn gốc Thiên Chúa” của Ngài, vì nguồn gốc thần linh này chỉ có thể quan sát bằng “con mắt đức tin”. Cái biết của Chúa Giêsu khác với các biết của người Do Thái ở chỗ là: Ngài và Chúa Cha là một. Điều này được diễn tả qua tương quan của Ngài như “Người được sai” và Chúa Cha như “Người sai.” Tương quan giữa người sai và người được sai là tương quan không thể tách rời. Nói cách khác, sẽ không có người được sai nếu không có người sai và ngược lại, sẽ không có người sai nếu không có người để được sai. Như vậy, chính tương quan không thể tách rời này làm cho cái biết của Chúa Giêsu về Thiên Chúa khác với cái biết của người Do Thái. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: Chúng ta chỉ có thể “biết Thiên Chúa cách cá vị” khi chúng ta có mối tương quan không thể tách rời với Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc với câu quen thuộc của Thánh Gioan: “Bấy giờ họ tìm cách bắt Người; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến” (Ga 7, 30). Giờ của Chúa Giêsu chưa đến! Điều này có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giêsu không thể được định đoạt bằng bất kỳ con người hay bất kỳ yếu tố con người nào, nhưng chính Chúa Cha là Người định đoạt mọi sự. Giờ của Ngài được tôn vinh trên thập giá cũng được Chúa Cha quyết định. Không có gì xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu mà không có bàn tay đầy yêu thương của Chúa Cha. Cuộc đời của chúng ta thế nào? Chúng ta có để cho Chúa định đoạt và hướng dẫn cuộc đời của chúng ta không? Cám dỗ lớn nhất trong cuộc đời của chúng ta là việc chúng ta tự định đoạt về “giờ” của mình, tức là, làm theo điều chúng ta muốn hơn là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Hãy để Thiên Chúa thực hiện “giờ” của Ngài trên cuộc đời chúng ta và mang giờ đó đến sự hoàn thành trong vinh quang của Ngài hơn là tự mình thực hiện “giờ” của chúng ta và chiếm lấy vinh quang cho chính mình.
Hoa Ven Đường