CHUM NƯỚC LÃ – HUYỀN NHIỆM VÂNG PHỤC
Người sống ơn gọi Tu trì thì nhân đức vâng phục là nhân đức cao cả nhất, vì là nhân đức cao cả nên không dễ dàng để thực hiện. Bởi vì nhân đức này đòi hỏi người sống đời Thánh Hiến từ bỏ ý riêng, hy sinh chính mình, hy sinh ý chí như một hiến lễ dâng tiến Thiên Chúa. Vì thế, sự vâng phục của người Tu sĩ lấy đức tin làm động lực, lấy tự do làm thước đo để tuân phục Thánh Ý Chúa qua bề trên, mà Thánh Ý Chúa vượt lên trên lý lẽ và lý trí của con người. Vâng phục được đón nhận như một huyền nhiệm. Không những thế, vâng phục còn được thể hiện giữa con cái với cha mẹ, giữa cấp dưới với cấp trên, giữa đầy tớ với chủ và giữa mọi người sống với nhau. Như các gia nhân với Chúa trong bữa tiệc cưới Cana của người Do thái.
Theo tục lệ người Do thái tiệc cưới được diễn ra và kéo dài đến 7 ngày. Đức Giêsu cùng với thân mẫu và các môn đệ cũng được mời dự tiệc. Tiệc cưới mới được bắt đầu thì người quản tiệc lo lắng vì gần hết rượu, hết rượu là việc hiếm xảy ra trong tiệc cưới. Thiếu rượu nửa chừng tiệc cưới sẽ là thảm họa, danh dự của đôi tân hôn sẽ bị tổn thương. Một tiệc cưới mà hết rượu cũng giống như cuộc sống mất đi hương vị mặn nồng, đám cưới thiếu rượu thể hiện sự hời hợt, hời hợt cả trong tình yêu.
Đức Maria nhận ra lo lắng của người quản lý, Mẹ không muốn niềm vui của khách dự tiệc bị lấy đi, Mẹ không muốn đôi tân hôn mất đi hạnh phúc, mất danh dự. Nên Mẹ đến nói với Chúa “Họ hết rượu rồi”, và Mẹ tin tưởng Đức Giêsu Con của Mẹ sẽ làm điều gì đó cứu vớt tình thế bi thảm này. Mẹ xác tín điều đó nên nói với các gia nhân “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Như vậy, những người gia nhân họ không hiểu gì những vẫn làm theo lời Mẹ, họ vâng lời một người không quen biết và làm một hành động dư thừa là múc nước lã đổ vào chum rượu. Họ biết là vô ích nhưng vì vâng lời người khách lạ họ vẫn làm. Không ngờ đâu việc múc nước, hành động vâng lời biến thành rượu ngon, rượu đặc biệt cuối bữa tiệc cho khách. Niềm vui của tất cả mọi người được nên trọn vẹn, tình yêu của đôi vợ chồng thêm mặn nồng. Tinh thần phục vụ của gia nhân được trả công bội hậu, nhất là việc làm của Chúa, giờ của Chúa được tôn vinh.
Soi đời sống Thánh Hiến của mình vào Lời Chúa, khi từ bỏ dự định cá nhân, từ bỏ cái tôi, từ bỏ sở thích thì quả là đau khổ, từ đó khó chấp nhận vâng lời cho sứ vụ mới. Chính tình yêu Chúa giúp chúng ta vâng phục cách tự do, tích cực cởi mở, chân thành, vui vẻ và sáng tạo, có tình yêu các công việc dù trái ý, nhưng ta vẫn làm nó như là những chum nước lã. Sự vâng phục ban đầu chỉ như hành động đổ nước lã vào chum dư thừa và vô ích. Nhưng cứ làm theo ý Chúa, tin thác vào Chúa rồi việc đó sẽ biến thành “rượu ngon”. Trong đời sống thường ngày để vâng phục được nên trọn hảo, chúng ta cần ý thức mình đang cử hành hy lễ hiến dâng từng ngày. Phần chúng ta là vâng lời, vâng lời với thái độ vui tươi, để có tự hào, là ta tự hào trong Chúa. Vâng lời là chúng ta biểu lộ niềm tin vào sự hiện diện sống động của Đức Giêsu, mỗi ngày trở nên giống Chúa Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết.
M.Giêrônimô Nguyễn Thị Nhung, FMSR.