CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C.
(Lc 9,28b-36)
Được ơn biến đổi là một hồng ân cao cả mà Chúa dành cho con những ai biết khiêm tốn đón nhận. Trong cuộc biến hình trên núi, Chúa Giê-su cũng chỉ gọi ba môn đệ thân tín nhất. Đi lên núi chiêm ngắm dung mạo rạng ngời của Chúa trong Chúa nhật hôm nay là lúc ta được bổ sức và biến đổi hầu có thể theo Chúa trong cả gian khó lẫn vinh quang.
Vì vậy, được biến hình, được biến đổi với Chúa là cả một huyền nhiệm cao vời. “Biến đổi đời con, Chúa ơi xin Ngài biến đổi, cho lòng con ngày thêm sáng trong. Biến đổi đời con, trở nên đuốc sáng soi giữa cuộc đời, làm men muối ướp mặn trần gian”. Đó là lời của bài hát: “Tình Yêu Chúa Biến Đổi Đời Con”, của nhạc sỹ Đinh Công Huỳnh. Chúng ta, người sống đời tận hiến hay là người tín hữu, ai ai cũng muốn được“biến đổi”, bởi biến đổi là rất cần thiết để ta thay đổi cách sống của mình, từ điều chưa tốt đạt tới điều tốt đẹp hơn. Từ con người cũ, con người tội lỗi trở nên sáng trong, đẹp lòng Chúa hơn.
Khi nhìn vào thế giới mà ta đang sống, một thế giới có quá nhiều biến động, hiện nay biến động của thời cuộc ở đất nước Ukraina và Nga đang tranh chấp chiến tranh loạn lạc, người dân đang phải trải qua những bất an, nguy hiểm, bị tấn công bởi chiến tranh hạt nhân, bom nguyên tử đã và đang đe dọa thế giới và con người. Người dân vô tội lo chạy giặc, chạy bom đạn, lo sợ… Cùng chung chia nỗi lòng đó với người dân vô tội, chúng ta cùng cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo, cho Tổng Thống Vladmir Putin người đang có ý định chiến tranh, được ơn biến đổi, biết dừng lại trong hòa bình và đối thoại.
Chúng ta cùng bước vào Chúa Nhật tuần thứ II của Mùa Chay Năm C, Lời Chúa trong Mùa Chay vẫn luôn mời gọi chúng ta sám hối canh tân, là thời điểm thuận lợi để lãnh nhận ơn Chúa và để được Chúa biến đổi con người ta nên trong sáng, tinh tuyền hơn. Tinh thần của Mùa Chay là đi vào sa mạc của lòng mình để ở với Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện. Đối diện với Chúa, ta thấy rõ mình hơn và hiểu biết Chúa hơn.
Sau khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ nhất về cuộc tử nạn và phục sinh, Người đưa ba Tông đồ thân tín: Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi “Đức Giêsu lên núi cầu nguyện. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.” (Lc 9, 28-29). Người biến hình trước mặt các Tông đồ để củng cố niềm tin cho các ông, để cho các ông xác tín rằng theo Chúa Giêsu không chỉ có Thập Giá, mà còn có cả vinh quang nữa.
Đó là ý nghĩa chính của cuộc biến hình này. Chúa cho các Môn đệ thấy trước một thoáng Phục Sinh, Chúa cho cảm nếm một chút Thiên đàng. Các ông đã tưởng là Thiên Đàng nên Phêrô xin làm ba lều để cư ngụ trên núi cao, ngủ yên trong hào quang, quên đi các bạn và các cuộc truyền giáo dưới chân núi. Các ông không biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốt lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá bước vào cuộc thương khó.
Vì vậy, Lời Chúa muốn nhắn nhủ cho chúng ta rằng:Thiên Đàng hay hạnh phúc không thể có được nếu chúng ta cứ sống một cuộc sống dửng dưng, không thay đổi cách sống, sống trong lầm lạc… Hạnh phúc Nước Trời chỉ có được sau những đêm ngày chiến đấu với bản năng, với ý riêng của bản thân, để chỉ sống cho Thiên Chúa và những giá trị Nước Trời.
Trong Thánh kinh, chúng ta học được biết bao gương được biến đổi của các vị Tiền nhân: Môsê đã biến hình khi ông từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa. Êlia cũng vậy. Đức Giêsu thì đến chỉ để làm theo ý Chúa Cha. Phêrô và các Tông đồ, trong đó phải kể đến Phaolô, tất cả đều đã biến đổi từ con người nhát đảm, ham lợi, lại trở thành một con người can đảm, trung thành sống chết với đức tin, để chỉ còn giữ lại một mối lợi tuyết đối, đó là được biết Đức Giêsu và được ở trong Ngài.
Trong lịch sử Giáo Hội, đã có biết bao gương sáng về những cuộc đổi đời ngoạn mục trác táng ăn chơi, trở thành người say mê Giêsu đến độ vì Ngài mà bỏ hết mọi sự, có người dùng cả một hệ tư tưởng để chống đối đạo, đi theo bè rối, khi được biến đổi, họ đã trở thành người bảo vệ các chân lý đức tin đến chết trong anh dũng, kiên trung, có người từ đầu đường xó chợ lại trở thành đấng lập Dòng.
Còn chúng ta, chúng ta được ơn Biến đổi nào? Chúng ta có muốn được biến đổi không?
Trước tiên, sống sự biến hình là một đòi hỏi hằng ngày của người Kitô hữu. Nói cách khác, từng ngày sống, chúng ta không ngừng lột xác, không ngừng đổi mới để được trở nên giống Đức Kitô hơn. Đây cũng là ý tưởng của Thánh Phaolô, ngài nói: “Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác khốn hèn của chúng ta cho nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Ngài”. Ta hãy góp phần vào sự biến hình của chính thân xác mình bằng cách: tránh xa tội lỗi, uốn nắn sửa đổi lại những tật xấu, sống khiêm tốn, bác ái, lấy lòng nhân từ đối xử tốt với nhau, để trong ngày sau hết chúng ta sẽ được mặc lấy ánh vinh quang của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, gặp gỡ Thiên Chúa thực sự luôn đi kèm một thay đổi tích cực nào đó cho cả tâm hồn lẫn thể xác. Khuôn mặt phản ánh nội tâm. Nếu muốn thay đổi dung mạo của mình, cách hữu hiệu nhất là thay đổi tâm hồn. Tâm sáng, lòng ngay đó là con người có Chúa. Trong Mùa Chay, chúng ta có cơ hội tốt để đến gặp gỡ Thiên Chúa ngang qua nhiều hoạt động thiêng liêng với những người chúng ta gặp gỡ tiếp xúc.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần đi lên núi ở riêng với Chúa cách thân mật, để gặp gỡ Ngài diện đối diện. Đi lên núi là điều không dễ bởi nơi đó chỉ có một mình ta. Cuộc sống tấp nập, vất vả hằng ngày, khiến ta dường như không đủ tĩnh lặng để có thể một mình đi gặp Chúa. Nhiều khi chúng ta ngại phải đối diện với bản thân mình, ngại phải duyệt xét những vấp ngã của chính mình. Khi đó, ta thường hay thoái thác và miễn trừ cho mình những chuyến đi vào sa mạc của cõi lòng.
“Lạy Chúa, Xin biến đổi con nên con người mới nhờ năng suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày. Xin biến đổi cái nhìn của con nên nhân từ bao dung sau mỗi lần con chiêm ngắm Chúa. Xin thanh tẩy môi miệng con tránh nói những lời xấu xa lỗi bác ái sau mỗi lần rước Chúa. Xin biến đổi đôi tai con sau mỗi lần con lắng nghe Lời Chúa dạy. Xin làm cho khuôn mặt của con rạng ngời ánh sáng tin yêu mỗi lần con được gặp Chúa. Ước gì mọi người chung quanh nhìn thấy niềm vui của Chúa qua nụ cười rạng rỡ của con. Thấy sự ân cần cảm thông của Chúa qua lời ăn tiếng nói và cách ứng xử của con”.
Nt: Lặng Thầm, Fmsr