CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN A

   Trong cuộc sống hay những mối tương quan khác nhau, chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm của việc nhận biết, quen biết một ai đó. Hay ta có thể nghe biết về một người, nhưng nó hoàn toàn khác với việc chúng ta biết cá nhân của người đó. Chỉ khi nào đi vào trong mối tương quan cụ thể, trong sự giao tiếp diện đối diện, trong việc sống chung, chia sẻ, cùng ăn uống, làm việc hay học tập cùng nhau… chúng ta mới có thể biết được phần nào cá nhân của họ, với những gì liên quan, những gì là thực nơi họ mà thôi. Còn chúng ta, là những người kitô hữu, chúng ta biết gì về Thầy của mình? Và Ngài là ai đối với chúng ta?

   Bài Tin Mừng Chúa Nhật XXI TN A, Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”. Trước câu hỏi của Thầy, các ông tranh nhau trả lời: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.”. Đó là sự nhận định của dân chúng, bởi câu hỏi này thật không khó, các ông thừa biết người ta nói gì về Thầy của mình. Dường như sau khi chứng kiến các phép lạ Thầy làm và những lời Thầy rao giảng, họ có những phỏng đoán về căn tính của Ngài.

   Thế nhưng, Đức Giê su đi tới câu hỏi quan trọng xác tín đời sống tinh thần của những người đi theo Chúa. Ngài yêu cầu các môn đệ phải xác tín, nghĩa là với chính các ông, Ngài là ai với họ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”. Ông Phêrô, một con người nhanh nhẹn thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Khi những người khác không nhận ra Chúa Giêsu là ai? thì Phêrô đã có một cái nhìn hoàn toàn khác, sâu hơn. Phêrô nhận ra Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn, Đấng được xức dầu – là Đức Kitô, là Thiên Chúa.

   Nói cách khác, Đức Giêsu chính là Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta đang sống cách thời của Chúa Giêsu hơn 2000 năm. Thật khó để chúng ta trả lời về Người, và khó hơn nữa là trả lời về sự hiện hữu của Thiên Chúa! Nếu Phêrô không có một tâm hồn khát khao sự thánh thiện, cùng một lòng yêu mến Thầy thì ông không thể nói ra được điều ấy, vì ông vẫn là một con người yếu đuối. Có lúc, ông tuyên xưng hay nói những lời đầy yêu mến Thầy, cũng có khi ông có những lời ngăn cản Thầy.

    Thật thế, các môn đệ đã có thời gian để đi theo Đức Giêsu, để nghe Người giảng dạy, đã nhìn thấy quyền năng của Người trong lời nói và việc làm, đã có thời gian ở với Người. Các ông cũng đã từng được nghe người khác nói về Thầy của mình. Họ khen ngợi, thán phục, và bàn tán về thân thế của Thầy. Tuy nhiên, điều này sẽ cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu người môn đệ vẫn chỉ tương giao với Thầy mình chỉ ở bình diện bên ngoài, mà chưa đi sâu vào nội tâm, vào bên trong đời sống cá nhân, chưa để Ngài ở trung tâm đời mình.

    Chúng ta cần được Thiên Chúa mặc khải về Người qua những lần gặp gỡ thân mật với Người, đó là những lần chúng ta được cảm nghiệm một cách thâm sâu về tình yêu của Người. Hãy thinh lặng và sống chậm lại để cảm nhận, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện bên chúng ta, nhưng chúng ta có nhận ra sự hiện diện ấy và dám tuyên xưng như Thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” hay không? Người là Đấng hằng sống, là Đấng luôn hiện hữu cùng chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc, trong mọi biến cố, mọi thử thách và cả trong những thành công hay thất bại. Ngài là Đấng đem lại cho chúng ta nguồn hy vọng trong những lúc gian nguy, là bình an khi chúng ta rơi vào tình cảnh khốn khó, bất ổn, là tất cả của đời chúng ta…?

   Mỗi ngày, từng người trong chúng ta vẫn đang tuyên xưng và xác tín niềm tin vào Thiên Chúa bằng việc tham dự Thánh lễ, chu toàn công việc hằng ngày trong tình bác ái, cùng yêu thương giúp đỡ mọi người. Nhưng đôi khi, chúng ta vẫn có những giây phút khước từ Thiên Chúa, vì chúng ta là con người thật và đầy yếu đuối trước mọi cám dỗ. Dầu vậy, Đức Giêsu vẫn yêu thương và mời gọi chúng ta hãy sống lời tuyên xưng của mình qua việc ăn năn sám hối mỗi khi lỡ lầm. Chính khi chúng ta nhận ra lỗi lầm của bản thân, biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa và bắt đầu lại từ đầu, đó là sức mạnh cho chúng ta vững tin và nói được Thiên Chúa là ai đối với mình.

   Vì sao, chúng ta muốn đi theo Chúa với con đường của chúng ta muốn, con đường đừng có nước mắt và khổ đau. Chúng ta luôn có cám dỗ chạy trốn, rút lui, hay thất vọng trong sứ vụ khi mà chúng ta phải đối diện với những gièm pha, dè bỉu, chống đối, hiểu lầm…mặc dù chúng ta có thể tuyên xưng “Ngài là Đức Kitô” mỗi ngày. Và dường như, chúng ta chưa xác tín vào sự thật ấy khi chúng ta chưa nghĩ đến Người, chưa thực sự để Người chiếm hữu cuộc đời chúng ta. Do vậy, những chọn lựa trong cuộc sống còn quy hướng về chính mình, chưa hướng về Thiên Chúa và tha nhân. Hay chúng ta đang hướng về thành tích nhiều hơn là những bài học quý giá, những việc ý nghĩa mà chúng ta cần phải nhận ra…

   Chúng ta xem ra biết Chúa Giêsu, nhưng cái biết, hay những lời chúng ta tuyên xưng vẫn chỉ là ở bình diện kiến thức, của những khái niệm đã được học, nên chúng ta sẽ dễ dàng bỏ cuộc, dễ dàng mệt mỏi và thất vọng khi đi qua những khó khăn, thử thách, đôi khi bầm dập, té lên té xuống vì thập giá vác mang. Chỉ khi nào chúng ta đi vào cái biết của tương quan sống với, chạm vào con người của Chúa Giêsu, trong Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể  nhận biết được Ngài là ai đối với chúng ta.

   Lạy Chúa, đứng trước bối cảnh thời đại hôm nay giữa bóng tối và ánh sáng, chúng con thật khó để tuyên xưng Ngài là ai. Chúng con vẫn còn sống trong sự ích kỷ của bản thân. Xin Chúa giúp chúng con đi ra khỏi mình, ra khỏi vỏ bọc an toàn của bản thân để cất bước lên đường, đến chia sẻ tình yêu của Chúa với những ai đang gặp đau khổ. Khi đó, niềm xác tín vào Chúa nơi chúng con không chỉ được diễn tả bằng lời nói nhưng hơn hết bằng hành động yêu thương trong cuộc sống.

Nt: Lặng Thầm. Fmsr

Check Also

Hội dòng mừng bổn mạng chị tổng cố vấn Maria Emilia Vũ Thị Sim

Hội dòng mừng bổn mạng chị tổng cố vấn Maria Emilia Vũ Thị Sim