Một người biết mình sắp “đi xa”, “lìa xa trần thế”, “về với Chúa” họ thường nói những lời yêu thương cũng như ước muốn của mình, hay để lại một vật gì đó mà ta thường gọi là kỷ vật bản di chúc cuối cùng và quan trọng cho người thân. Chúa Giêsu cũng vậy, trước khi về trời, Ngài đã để lại cho các môn đệ những “di ngôn” và “ điểm hẹn” lại cho các môn đệ, Ngài chỉ định cho các môn đệ đến Galilê để chờ đợi Ngài thông qua một số người phụ nữ: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galile. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”, Chúa Giêsu đã nhờ các phụ nữ, đi loan báo cho các môn đệ điểm hẹn mà Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ gặp các ông.
Tại nơi hẹn, Ngài không để lại một tài khoản nào, cũng không để lại vật dụng gì giá trị trực tiếp… mà Ngài để lại một mệnh lệnh dẫn tới cuộc sống đích thực. Ngài mong muốn các Tông đồ sẽ tiếp nối sứ mạng cứu độ nhân loại của Ngài là loan tin bình an và đem mọi người về với Chúa.
Bốn mươi ngày sau Lễ Phục Sinh, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Phục Sinh Thăng Thiên. Đó là ngày mà Ngài không còn ở bên cạnh các Tông đồ của mình một cách hữu hình. Các ông cũng không còn được nhìn thấy Thầy mình nữa. Nhưng Ngài đã để lại lệnh truyền và lời hứa hẹn: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Khi về trời cao, Chúa Giêsu có hẹn gì với con người chúng ta không? Ngài hiện diện với con người chúng ta bằng cách nào? Thật vậy, Chúa luôn hẹn gặp con người chúng ta, Ngài không bao giờ lỗi hẹn cả, bởi Ngài luôn mong muốn chúng ta sống và giữ đúng Lời Ngài hẹn ước. Chúa đã ở với loài người bằng Lời Chúa trong Thánh kinh. Lời Chúa sẽ dẫn chúng ta đi đúng đường để đến với Chúa Cha, đến với tha nhân và tìm thấy chính mình. Lời sẽ cho ta thấy sự thật về chính mình.
Chúa Nhật Thăng Thiên, các môn đệ được tận mắt chứng kiến Chúa về trời, Ngài đã về Nhà Cha trước, Ngài sẽ chờ và hẹn gặp chúng ta ở trên quê trời. Ngài không về để tìm về chốn an nhàn cho riêng mình, nhưng như chính lời Ngài nói: Ngài đi là để dọn chỗ cho mỗi người chúng ta để mai ngày, chúng ta cũng có một chỗ đứng bên cạnh Ngài. Con đường của hy sinh phục vụ. Con đường dấn thân cứu đời. Con đường sống vì lợi ích của tha nhân.
Hơn nữa, trước khi về trời, Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể để làm của ăn uống thiêng liêng cho loài người, để Ngài hiện diện với ta trong phép Thánh thể cho tới ngày tận thế. Chúa còn thiết lập thiên chức Linh mục để truyền phép Mình Thánh. Chúa lại thiết lập Giáo Hội là thân thể Ðức Kitô, là sự viên mãn của Người, để làm máng chuyển ơn cho loài người chúng ta.
“Qua mỗi ngày nếu con không gặp Chúa thì đời con bơ vơ lạc loài, như thấy mình lẻ loi giữa trần ai. Qua mỗi ngày con không gặp Chúa nghĩa gì đâu tương lai tươi đẹp màu, ích gì đâu vinh hoa với sang giàu. Qua mỗi ngày đời con không gặp Chúa thì ước mơ ươm thơ để làm chi”? Đó là lời của bài hát: Qua Mỗi Ngày, của Lm Thái Nguyên. Thật vậy, Chúa Giê-su luôn hiện diện với chúng ta ở khắp mọi nơi nên ta có thể kêu cầu Chúa bất cứ ở đâu và khi nào: ngày cũng như đêm. Ta không cần lo lắng lỗi hẹn gặp Ngài hay chờ xem Ngài có nhà hay không ? Ngài có tiếp đón chúng ta không? Mà Chúa luôn ở đó trong các ngôi Nhà thờ, nguyện đường, trong Tấm bánh nơi Nhà tạm… để chờ đợi ta, hẹn hò, nói chuyện, tâm sự với ta. Ta cũng không cần gõ cửa để xin gặp Người, mà Ngài vẫn luôn ở đó chờ ta. Trước mặt Chúa, mọi người đều bình đẳng. Ta không cần nhường chỗ cho ai quan trọng hơn để họ gặp Chúa trước rồi mới đến lượt ta. Bởi Chúa không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, màu da, hay phân biệt người giàu kẻ nghèo…
Khi chúng ta được Chúa hẹn gặp rồi, thì chúng ta hãy luôn giữ mình thanh sạch, sống trong ơn nghĩa Chúa qua từng hành động, suy tư, tương quan, từ những bổn phận mỗi ngày, đến các công việc, đặc biệt trong Thánh Lễ, các giờ kinh nguyện và mọi việc đạo đức khác. Còn cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa hay không là do mỗi người chúng ta. Khi cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa rồi, ta có thể tránh xa những cám dỗ, những tội lỗi hay điều xấu luôn mời gọi chúng ta.
Mỗi người đều có một cách cảm nghiệm riêng biệt theo lối sống của mình. Có người cảm nhận được Chúa trong môi trường mình đang sống, trong công việc bổn phận hàng ngày, trong học tập hay trong Tu viện, nơi cô tịch, có người cảm nhận được Chúa trong gia đình hay ngoài chợ lúc buôn bán. Chúng ta có thể làm chứng tá cho Ngài ngay nơi mình đang sống, trong cộng đoàn, trong gia đình, giáo xứ của mình.
Từng người chúng ta, dù là: Giáo sĩ, Tu sĩ, hay Giáo dân thì đều có bổn phận trong việc rao truyền Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô. Ai thuộc bậc sống nào và trong lãnh vực nào… thì làm nhân chứng cho Chúa theo hoàn cảnh đó. Nếu chúng ta không có điều kiện làm những việc lớn lao đi truyền giáo hay đi làm từ thiện bác ái, thì chúng ta làm chứng bằng những hy sinh, bằng những lời cầu nguyện, bằng những cảm thông chia sẻ tinh thần cũng như vật chất, bằng những khi từ bỏ ý riêng, sống chu toàn bổn phận của mình…
“Chúa hẹn gặp con, Chúa chờ đợi con qua bao biến cố buồn vui, qua những lo toan đời thương qua ngàn sầu thương vấn vương, uớc gì con trông thấy Chúa hiện diện ỡ khắp mọi nơi uớc gì con không bỏ rơi cơ hội đến trong tình ngày đễ đuợc gặp Chúa trên muôn nẽo đời”! (Lời bài hát: Cho Con Nhìn Thấy. Lm Thái Nguyên). Lạy Chúa Giêsu! Từng phút giây trong cuộc đời Chúa luôn muốn hẹn gặp và chờ đợi chúng con trở về bên Ngài. Xin cho chúng con biết lắng nghe Lời Chúa, học hỏi, suy niệm Kinh Thánh, để lòng chúng con được sưởi ấm, mắt đức tin chúng con mở ra để nhận ra Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Xin cho chúng con luôn vui vẻ, hân hoan đến hẹn gặp Chúa, biết vững tin vào Chúa, cả lúc những lúc chúng con thất vọng chán nản, để khi chúng con đến với Lời Chúa, đến với Bí tích Thánh Thể, chúng con được Chúa nâng đỡ và bổ sức thiêng nuôi sống .
Nt: Lặng Thầm. Fmsr