CHÚA GIÊSU CHÍNH LÀ DẤU LẠ CHÚNG TA TÌM KIẾM

CHÚA GIÊSU CHÍNH LÀ DẤU LẠ CHÚNG TA TÌM KIẾM

THỨ HAI TUẦN VI -MTN

(Mc 8, 11-13)

Bài Tin mừng hôm nay rất ngắn gọn và xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ hai. Việc những người Pharisêu đòi Chúa Giêsu một dấu lạ có thể mang hai ý nghĩa: (1) Họ muốn thử Chúa Giêsu như bài Tin Mừng trình bày, và (2) Maccô muốn nói đến dấu lạ ẩn chứa đằng sau phép lạ hoá bánh ra nhiều mà Chúa Giêsu muốn nhắm đến. Cuộc tranh luận hôm nay là cao trào của cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisêu mà đã được bắt đầu với sự kiện các môn đệ không rửa tay trước khi ăn uống (x. Mc 7, 1-23). Chúng ta cùng nhau phân tích cách chi tiết ba câu của bài Tin Mừng để rút ra thêm những bài học quý giá cho ngày sống của mình:

Thứ nhất, “khi ấy, những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giêsu, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người” (Mc 8, 11). Trong câu này, chúng ta thấy động lực đòi dấu lạ từ trời của những người Pharisêu là để “thử thách” Chúa Giêsu. Hành vi này gợi cho chúng ta nhớ lại hành vi của ma quỷ thử thách Chúa Giêsu trong hoang địa. Nhiều khi chúng ta cũng “thử thách” Thiên Chúa như vậy. Nhưng chúng ta không đòi xem “dấu lạ từ trời”. Chúng ta chỉ đòi Chúa cho chúng ta “những điều dưới đất” mà chúng ta xin. Chúng ta đến với Chúa với những động lực không tinh tuyền. Thay vì đến với Chúa với lòng yêu mến và tạ ơn, chúng ta lại đến với Chúa với thái độ “làm cho xong việc đạo đức” hoặc để cho người khác “chiêm ngưỡng và tôn vinh” sự thánh thiện của mình. Hãy đến với Chúa với lòng khiêm nhường và con tim tràn đầy yêu thương.

Thứ hai, “Người thở dài não nuột và nói: ‘Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả’” (Mc 8, 12). Chúng ta thấy trong câu này có thái độ buồn phiền của Chúa Giêsu. Ngài buồn vì nhóm Pharisêu vừa mới chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều thì đã đòi dấu lạ từ trời để chứng minh Ngài là “Đấng Messia từ trời đến”. Nhưng Chúa Giêsu từ chối không “khoa trương” quyền năng của mình theo “ý muốn” của con người. Chúng ta thấy Chúa Giêsu buồn sầu vì họ không thể vượt qua dấu chỉ bề ngoài để đến với thực tại mà dấu lạ muốn chỉ đến: Không phải Môsê ban cho các ông manna trong hoang địa, nhưng là Cha Ta, Đấng ngự trên trời ban cho các ông. Chúng ta cũng vậy! Nhiều lần trong ngày sống của mình, chúng ta “không muốn” vượt qua dấu chỉ bên ngoài được tìm thấy trong các biến cố xảy ra để đọc được ý nghĩa bên trong mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta. Vì vậy, chúng ta tiếp tục sống trong thái độ hoài nghi và không tin tưởng. Đối với chúng ta là những Kitô hữu, một người thánh hiến, dấu lạ vĩ đại nhất mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Ngài để nuôi dưỡng chúng ta. Dấu lạ hàm chứa hai ý nghĩa: Một mặt nói lên tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa cho con người và mặt khác nói lời mời gọi tha thứ cho nhau để trở nên một với nhau trong Ngài. Hãy sống dấu lạ này cách triệt để trong từng giây phút của ngày sống chúng ta.

Thứ ba, “rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia (Mc 8, 13). Câu này tạo nên bối cảnh để chuẩn bị cho một cuộc tranh luận khác mà những người chống đối không còn là những người Pharisêu, nhưng là các môn đệ, những người “ngồi chung thuyền” với Ngài để qua bờ bên kia. Chúa Giêsu luôn muốn lên con thuyền của cuộc đời của chúng ta. Ngài luôn muốn hành trình với chúng ta. Liệu chúng ta có cho phép Ngài bước vào chiếc thuyền của đời mình và đồng hành với chúng ta không? Liệu chúng ta có trở nên nghi ngờ và tự hỏi nhiều điều trong lòng như các môn đệ dù Chúa Giêsu đang “ở với chúng ta trên thuyền” và đã chứng kiến những kỳ công Ngài đã làm trong cuộc đời chúng ta?

Hoa Ven Đường

Check Also

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa        Chắp cánh yêu …