Chúng ta thường đáp lại những hành động không tốt của người khác bằng một hành động không tốt khác. Nếu có người chửi tôi thì tôi chửi lại, hoặc tệ lắm thì tôi cũng nói lời khó nghe hoặc có một ý tưởng không tốt về họ; nếu một người nói xấu tôi thì tôi cũng sẽ nói những lời không hay về họ hoặc ít ra cũng có ý tưởng không hay về họ. Có mấy người trong chúng ta đáp lại điều không tốt bằng một việc tốt. Điều này thật hiếm, nhưng không phải là không thể và không có. Nó chỉ có thể cho những người luôn chạy đến Chúa khi người khác mang lại cho cuộc sống của họ nhiều nước mắt và đau khổ. Đây là trường hợp của Ngôn sứ Giêrêmia mà chúng ta nghe trong bài đọc 1.
Đứng trước mưu toan của kẻ thù, phản ứng của Ngôn sứ Giêrêmia là chạy đến “than thở” với Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa, xin để ý đến con và nghe những kẻ tố cáo con nói đó. Nào có ai lấy oán đền ơn? Thế mà chúng lại đào hố nhằm làm con mất mạng. Xin Ngài nhớ cho: con đã từng đứng trước nhan Ngài để nói tốt nói hay cho chúng, để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu chúng” (Gr 18, 19-20). Điều đầu tiên Ngôn sứ Giêrêmia làm khi biết người khác tìm cách hại mình là nghĩ đến Đức Chúa và chạy đến với Ngài. Ngôn sứ chỉ muốn Thiên Chúa là Đấng minh oan cho mình. Còn chúng ta thì sao? Khi biết người khác âm mưu hại chúng ta hoặc khi người khác hại chúng ta, việc đầu tiên chúng ta làm là gì? Và người đầu tiên chúng ta chạy đến là ai? Chỉ những ai chạy đến với Chúa thì mới có những phản ứng đúng đắn khi người khác hại mình hoặc làm cho mình đau khổ.
Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay dạy các môn đệ về việc thực thi quyền bính. Chúng ta có thể thấy bài Tin Mừng gồm ba ý nối kết với nhau. Ý đầu tiên nói về lời tiên báo lần thứ ba của Chúa Giêsu về cuộc thương khó của Ngài: “Khi ấy, lúc sắp lên Giêrusalem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường Người nói với các ông: ‘Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20, 17-19). Lời tiên báo xảy ra khi Chúa Giêsu ‘sắp lên Giêrusalem’ và ‘khi Ngài đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình.’ Đây chính là bối cảnh chuẩn bị cho việc ‘tranh giành chỗ nhất’ của các môn đệ. Sự kiện là Chúa Giêsu ‘sắp lên Giêrusalem’ đã tạo cho các môn đệ ấn tượng Ngài là Đấng Messi dân Do Thái đang mong chờ. Một Đấng Messia dùng quyền lực chính trị đánh đuổi quân Rôma và thiết lập vương quốc Israel bền vững cho đến muôn đời. Vì vậy, khi Ngài lên Giêrusalem lần này, Ngài có thể sẽ thiết lập vương quốc của Ngài. Nên các môn đệ mới bắt đầu tranh luận ai sẽ là người trong họ có được chỗ nhất trong vương quốc Ngài vì cả Mười Hai ông là môn đệ của Ngài. Đây cũng là vấn đề con người thường tranh đấu, được ‘ăn trên ngồi trốc.’ Ngay cả giữa chúng ta, những người môn đệ của Chúa Giêsu cũng thế, chúng ta cũng đi tìm kiến chỗ nhất cho chính mình. Nhưng Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng để được chia sẻ trong vinh quang của Ngài, họ cũng phải chia sẻ chén đắng của Ngài. Nếu Ngài bị nộp, bị kết án, bị nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá, thì người môn đệ của Ngài cũng phải trải qua những điều đó. Tại sao chúng ta lại muốn vinh quang mà không qua thập giá?
Đứng trước một sự kiện lớn, ai trong chúng ta cũng muốn có được một chỗ đứng nổi bật. Đây cũng chính là ước muốn của các môn đệ Chúa Giêsu. Họ muốn có được chỗ nhất trong vương quốc của Ngài, nên họ tìm cách để chiếm lấy: “Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: ‘Bà muốn gì?’ Bà thưa: ‘Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy’” (Mt 20, 20-21). Việc Thánh Mátthêu đặt lời yêu cầu vào miệng của một người phụ nữ, mẹ của các con ông Dêbêđê là để tránh cho các môn đệ tiếng xấu là ham quyền lợi danh. Hơn nữa, thánh sử cũng không đề cập đến tên của Giacôbê và Gioan là để bảo vệ danh tiếng anh hùng của các tín hữu người Do Thái, đó là Giacôbê. Chúa Giêsu một lần nữa khẳng định việc phải chia sẻ trong sự đau khổ của Ngài, còn vinh quanh sẽ được Chúa Cha ban cho: “Đức Giêsu bảo: ‘Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?’ Họ đáp: ‘Thưa uống nổi.’ Đức Giê-su bảo: ‘Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được’” (Mt 20, 22-23). Trong những lời này, chúng ta thấy hai môn đệ sẵn sàng chia sẻ chén đắng với Chúa Giêsu, nhưng với động lực rất con người là được ngồi bên hữu hay bên tả trong vương quốc Ngài. Đây cũng là tâm tình của nhiều người trong chúng ta vì chúng ta cũng thường muốn chia sẻ với Chúa trong chén đắng của Ngài với điều kiện là được chỗ vinh dự trước mặt người đời. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chia sẻ chén đắng của Ngài, nhưng không tìm vinh quang trước mặt người đời, mà tìm vinh quang đến từ Thiên Chúa mà thôi.
Đứng trước khát vọng quyền lực của các môn đệ, Chúa Giêsu dạy họ về quyền lực đích thật của các môn đệ của Ngài không đến từ việc người khác cúi đầu tôn vinh, mà đến từ đời sống phục vụ: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 25-28). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra hai loại lãnh đạo: Loại thứ nhất là thống trị và cai quản người khác bằng quyền lực để người khác quy phục mình; còn loại thứ hai là thống trị và cai quản người khác bằng đời sống phục vụ để người khác theo mình. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về việc trở nên một người lãnh đạo qua phục vụ. Chúng ta noi gương Ngài phục vụ anh chị em mình trong tình yêu và cảm thông.
Hoa Ven Đường