Chén thánh vùng ngoại biên

Tôi! Là một chiếc chén thánh, sự thường tôi chỉ là một cái ly kim loại cỡ lớn. Sở dĩ tôi được gọi với cái tên “Chén Thánh” đó là do tôi được chạm đến Chúa và trong lòng tôi có Chúa. Tôi nghe nói cái gì chạm và đụng đến Chúa đều trở nên vật Thánh. Nhớ ngày đầu tôi được đem về, tôi thấy mình thật hạnh phúc, được ở trong một căn nhà thờ với kiến trúc đơn giản nhưng rất đẹp, phòng tôi là một ngôi nhà tạm nhỏ xinh xắn được giát vàng, ngày ngày tôi được lau chùi cẩn thận, thế nên mình tôi lúc nào cũng bóng loáng. Đặc biệt mỗi khi cử hành thánh lễ tôi được chú ý hơn cả, mọi người nhìn tôi với một ánh mắt cung kính trang nghiêm. Những ngày tháng hạnh phúc ở Giáo xứ Thánh Tâm- Hà Giang kéo dài không được bao lâu, rồi đến một ngày cha phó đưa tôi lên xe, đi đâu thì tôi cũng chưa rõ, mắt tôi nhó qua cửa kính, tôi thấy bát ngát là núi là rừng, lúc lên đèo lúc xuống dốc, cứ thi thoảng lại cho cái “bịch”, lúc thì đu qua ổ voi, ổ vịt người tôi lên xuống như điệu vũ. Tôi cũng phục các cha, nghe nói hàng tháng hay những ngày lễ trọng các cha thường lên đây dâng lễ. Sau một hồi xe cũng dừng tại một nhà giáo dân, cha phó trao tôi cho ông lão đó. Ô! Lạ thay Thánh Lễ được diễn ra ngay tại căn nhà đơn sơ này mái tôn và nền xi măng, con số giáo dân tham dự lễ liếc mắt qua là tôi đếm được, nhìn họ cũng cũ kỹ. Tôi không thích nơi đây vì nó khác xa nơi tôi ở không có gì là sang là đẹp. Nhưng đâu ngờ sau thánh lễ, số phận tôi được an bài chốn này. Ở đây được vài ba tháng tôi mới hiểu sự khao khát Chúa của những gia đình công giáo tại Giáo điểm Linh Hồ này, họ mong được rước Chúa hơn cả, tôi để ý mỗi lần họ được rước Mình Thánh dường như họ có một tâm trạng gì đó mà tôi chưa đọc ra được. Cho đến bây giờ dù tôi chỉ ở trong một chiếc hộp, không được ở trong ngôi nhà tạm như trước, nhưng tôi thấy hạnh phúc với số phận tôi. Ở với họ, trong gia đình họ, tôi mới hiểu đời sống khó khăn bươn chải của họ chiến đấu với bệnh tật, với những đổ vỡ gia đình,… và những băn khoăn thao thức của họ, cũng không hẳn là cơm áo gạo tiền, hay nhà cao cửa rộng mà là “đời sống Đức Tin”, họ mong muốn con cháu được học kinh văn giáo lý, được tham dự Thánh lễ mỗi ngày sao cho giữ được “cái gốc”. Các gia đình nơi đây cùng với các cha đã cố gắng chung tay xây dựng ngôi nhà nguyện, sao cho Chúa có nơi ở xứng đáng, ngoài ra có thêm khuân viên để giáo điểm sinh hoạt và có phòng các cha nghỉ ngơi. Nhà nguyện đã hoàn thành được 2 năm khang trang, đẹp đẽ nhưng đến giờ vẫn chưa được sự chấp thuận của xã hội, nên nguyện đường vẫn còn đóng cửa. Vì thế, các cha vẫn phải dâng lễ nhờ ở nhà giáo dân. Ước mơ lớn nhất của họ là được tham dự Thánh Lễ mỗi ngày trong ngôi nhà nguyện xinh xắn đó.

Hôm nay là ngày Đại lễ Giáng Sinh, họ đã háo hức, tất bật làm hang đá để đón chờ Chúa đến. Tôi cũng trong tâm trạng đó, rôi rất tò mò vì không biết Giáng Sinh ở vùng ngoại biên này như thế nào? Có giống chốn xưa mình ở không, nào là hang đá, nào là ánh đèn sân khấu,… Thánh lễ thì chật lất người. Đây là Giáng Sinh đầu tiên trên vùng đồi núi, tôi mong cái giây phút được bước ra ngoài bàn thánh để ngó nghiêng đó đây.

Tạ ơn Chúa! Cám ơn chú! Một đôi bàn tay đã bế tôi ra khỏi hộp.

– Ô! Noel ở đây cũng hoành tráng, có hang đá, có đầy đủ gia đình Thánh Gia, có đèn nháy, có cây thông, nhưng cây thông ở đây trông thật ngộ nó được làm từ cây quýt dại.

– A! Trên cây có cả quà nữa, những gói bim bim 1000 đồng được treo lơ lửng cùng với những chiếc kẹo, quê tôi từ lâu các cháu đã chê bim bim 1000 đồng, mà ở đây nó lại trở nên một món quà Giáng Sinh ý nghĩa, các bé đi qua đều hướng mắt nhìn. Tôi không trông thấy những cánh thiệp hay những tin nhắn chúc mừng từ điện thoai thay vào đó họ chúc nhau bằng những lời chúc chân tình, những ly rượu mộc mạc những cái bắt tay chân thành. Nhìn ra xa, tôi thấy gia đình ông bà chủ nhà ra tận ngõ để đón khách.

– Ôi xe cha đến rồi! Tôi nghe họ xì xào “cha phó mới, thầy sáu mới, còn có cả các sơ Bùi Chu lên, quý hóa quá” tay bắt mặt mừng giống như gia đình chia cắt nay hội ngộ. Có mấy anh chị đến xin cha phó giải tội, ở đây không có tòa giải tội, hai ánh mắt nhìn nhau mặt đối mặt, một ánh mắt ăn năn thống hối, một ánh mắt cảm thông tha thứ, hình ảnh đó mới đẹp làm sao, làm cho chén Thánh tôi cũng cố nghiêng mình trước gió, để gió làm sạch bụi trong lòng tôi sửa soạn đón Chúa sắp ngự lòng mình.

Thánh Lễ sắp bắt đầu thì một sự cố xảy ra, bánh Thánh hết mà hôm nay đông giáo dân, tôi thấy cha và ông trùm đang lo tìm cách, sau khi liên lạc với giáo điểm Yên Minh cách đó chừng 20km, thì ông trùm cử một chú thanh niên đi lấy bánh thánh về. Cha phó cũng đã cẩn thận gọi điện cho bên kia trước và họ nói đã có người đến lấy và cha yên tâm dâng lễ. Chưa bao giờ tôi mong Chúa như lúc này. Cha sắp giảng xong rồi mà chú thanh niên vẫn chưa về, những người biết chuyện đều lo lắng, tính giờ thì phải về đến nhà rồi, không biết dọc đường có xảy ra chuyện gì không? Vì trời cũng đã tối, tôi chỉ mong có tiếng xe máy mà không thấy động tĩnh gì. Tôi thầm thĩ: “Lạy Chúa! Chúa biết mọi sự, Chúa làm được mọi sự mà chẳng nhẽ hôm nay kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2020 của Chúa mà Chúa để cho Thánh Lễ không có Bánh Thánh sao. Xin Chúa phán một lời thì chú thanh niên sẽ về kịp”. Haleluia! Kìa chú đã về, thầy sáu liền đổ bánh lễ vào lòng tôi, tôi vui biết chừng nào, thế là Thánh lễ diễn ra tốt đẹp, mọi người tham dự Thánh lễ với lòng đơn sơ vui vẻ. Ca đoàn hát cộng đồng tuy có chút ngang, có chút lạc tông, đôi lúc các chú gà, chú lợn đệm đàn theo, nhưng tôi thấy họ vẫn hát, hát với tất cả con người của họ (khẩu hình mở to và gương mặt thần thái)

Lễ xong có phần phát quà của cha và các sơ, còn có chú già Noel nữa trông thật ngộ nghĩnh, không khí vui hơn tết, nhất là các bé, gương mặt sáng lên lon ton đến nhận quà.

Tiếp theo là phần dự tiệc. Tất cả các gia đình ở lại chung chia niềm vui qua bữa cơm “cây nhà lá vườn- gà đồi, trâu rừng, lợn núi” Cuộc vui nào cũng có lúc phải chấm dứt. Tôi cũng thế, tôi được đưa vào hộp, và cố đánh mắt nhìn ra ngoài thấy những giọt nước mắt, những nụ cười, những cái bắt tay, xa xa thấy những lời tạm biệt, những cái hẹn tái ngộ, cùng với điệp khúc của giáo điểm Linh Hồ này.

“Xin Cha và các sơ cầu nguyện nhiều cho chúng con!”

Tác giả bài viết: Mai Tuyết

Check Also

NIỀM VUI HỘI NGỘ

 NIỀM VUI HỘI NGỘ Trong tâm tình nhớ về nguồn cội quý chị trong 4 …