CẦU NGUYỆN VỚI TÌNH CON THẢO

CẦU NGUYỆN VỚI TÌNH CON THẢO

THỨ BA TUẦN I – MC

(Is 55, 10-11; Mt 6, 7-15)

Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường sử dụng lời nói để truyền tải nội dung của một sứ điệp mà chúng ta muốn người khác biết và hiểu. Đồng thời, chúng ta mong cho sứ điệp chúng ta truyền tải ở lại trong đời sống của người nghe. Đây chính là nội dung của bài đọc 1 hôm nay. Ngôn sứ Isaia ví lời Chúa như “mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất” (Is 55, 10), và mục đích của mưa với tuyết sa xuống từ trời là “làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn” (Is 55, 10). Hình ảnh bánh ăn sẽ được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Cùng cách thức ấy, lời phát xuất ra từ miệng của Đức Chúa “sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55, 11). Nhưng chúng ta tự hỏi: kết quả, ý muốn và sứ mạng của lời Đức Chúa là gì khi xuất phát từ miệng Ngài? Điều này chúng ta sẽ được giải đáp trong bài Tin Mừng, đó là đời sống thân mật với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện.

Một trong ba việc đạo đức được khuyến khích trong mùa chay thánh là cầu nguyện. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện. Lời Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong Tin Mừng Thánh Luca là lời đáp trả của Chúa Giêsu trước lời yêu cầu của các môn đệ xin Người dạy cho họ biết cầu nguyện. Còn trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, lời kinh này được đặt tương phản với việc cầu nguyện của dân ngoại, chứ không phải với việc cầu nguyện của người Do Thái: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6, 7-8). Chi tiết đáng lưu ý ở đây là việc Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ yếu tố quan trọng nhất trong cầu nguyện là cõi lòng [con tim] chứ không phải là những ngôn từ trên môi miệng. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ trong cầu nguyện của mình. Nhiều khi chúng ta đến với Chúa với vẻ bề ngoài và lời hoa mỹ, nhưng con tim và cõi lòng của chúng ta lại xa Ngài. Vì vậy, sau khi cầu nguyện, cuộc sống chúng ta không đổi mới, canh tân. Hãy đến với Chúa trong giờ cầu nguyện với cả con người của mình.

Trong lời Kinh Lạy Cha, chúng ta thấy ba lời cầu dường như đồng nghĩa với nhau: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6, 9-10). Ba lời cầu này diễn tả mong ước cho triều đại Thiên Chúa được hiện thực hoá. Triều đại này được hiện thực hoá qua việc thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện dưới đất cũng như trên trời, hay nói đúng hơn được thực hiện bởi mọi tạo vật của Thiên Chúa, hữu hình cũng như vô hình. Vài học giả Kinh Thánh cho rằng ba lời cầu này là ước nguyện của các tín hữu đang đối diện với bách hại, cầu xin cho triều đại của Thiên Chúa được hiển trị, để họ được giải thoát khỏi những đau khổ, nhưng đồng thời có đủ can đảm để đối diện nghịch cảnh trong khi mong chờ triều đại Thiên Chúa đến. Dù lời giải thích thế nào, nhưng điều chúng ta đáng suy gẫm trong ba lời cầu xin trên là việc thánh ý Thiên Chúa được thực hiện trong mọi hoàn cảnh. Ước mong chúng ta luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa để danh Ngài vinh hiển và triều đại Ngài mau đến.

Phần thứ hai của lời Kinh Lạy Cha liên quan đến những con người đang cố gắng thi hành thánh ý Thiên Chúa ở dưới đất. Để được như vậy, họ cần phải xin bánh ăn hằng ngày, ơn tha tội và đừng xa chước cám dỗ: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6, 11-13). Trung tâm của những lời cầu xin này là ơn tha tội. Đây chính là điều được Chúa Giêsu nhấn mạnh trong phần kết lời dạy của Ngài: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6, 14-15). Tại sao Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến việc tha thứ như là việc quan trọng nhất để thi hành thánh ý của Thiên Chúa dưới đất? Như chúng ta biết, Chúa Giêsu đến để mang sự tha thứ của Thiên Chúa, để giao hoà chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói đây là thánh ý của Chúa Cha. Nhưng điều kiện cho việc tha thứ là chúng ta phải tha thứ cho người khác. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy tha thứ cho người khác là điều khó nhất.

Hoa Ven Đường

Check Also

CÙNG CHÚA TIẾN VÀO THÀNH GIÊRUSALEM

CÙNG CHÚA TIẾN VÀO THÀNH GIÊRUSALEM Hành trình những ngày chay thánh vừa qua được …