BIẾT ƠN LÀ CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

BIẾT ƠN LÀ CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Mồng Hai Tết: Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ

(Hc 44, 1.10-15; Ep 6, 1-4.18-23; Mt 15, 1-6)

Chúng ta bắt đầu chia sẻ của chúng ta trong ngày mồng hai tết hôm nay với mẩu chuyện đơn sơ sau: Một buổi chiều mùa xuân thật đẹp, người mẹ đi làm về chưa kịp nghỉ ngơi thì cô con gái 15 tuổi đến bên và đặt trước mặt một tờ “hoá đơn” cần thanh toán, trong đó ghi: “Lau nhà – 50 ngàn; giặt đồ – 50 ngàn; đưa đón em đi học – 50 ngàn; nấu cơm rửa chén – 50 ngàn. Tổng cộng: 200 ngàn”. Nhìn tờ “hoá đơn” cần thanh toán của cô con gái, người mẹ mỉm cười cách dịu dàng. Bà lấy viết, trở ngược mặt giấy và viết: “Cưu mang con 9 tháng 10 ngày trong bụng – không lấy tiền; nuôi con ăn học cho đến hôm nay – không lấy tiền; bao đêm thức khuya để chăm sóc con khi đau ốm – không lấy tiền; tiếp tục làm việc để nuôi dạy con thành người – không lấy tiền. Tổng cộng: Chỉ có tình yêu và tha thứ”. Người mẹ trao lại “hoá đơn” cho cô con gái yêu của mình. Đọc những lời này, cô gái ngã vào lòng mẹ và chảy những giọt nước mắt hạnh phúc vì hồng phúc có cha có mẹ, là những người luôn âm thầm yêu thương và chăm sóc mình.

Ai trong chúng ta cũng biết nằm lòng câu: “Chim có tổ, nước có nguồn, con người có tổ có tiên”. Tự bản chất, con người luôn hướng về cội nguồn của mình vì “lá rơi về cội.” Điều buồn nhất cho một con người là không biết cội nguồn của mình. Nếu chúng ta có dịp thăm các em trong trại mồ côi, chúng ta sẽ nhận ra điều này. Theo bản tính tự nhiên của con người, các em cũng mong có cha có mẹ để gọi, mong một mái ấm gia đình để được chăm sóc và lớn lên, và mong có những người thân để tương quan. Tự bản chất, con người là một hữu thể xã hội. Con người không thể lớn lên và phát triển những tiềm năng của mình nếu không có tương quan với người khác, nhất là với “cội rễ” của mình.

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta tìm thấy lời ca ngợi các bậc vĩ nhân, là những tổ tiên ông bà của chúng ta. Khi phân tích những lời của Sách Huấn Ca, chúng ta nhận ra mối tương quan chặt chẽ giữa các thế hệ: Đức hạnh của thế hệ trước sẽ mang lại hoa trái cho thế hệ con cháu. Sách Huấn Ca còn nhắn nhủ con cháu đừng quên những gì mà tổ tiên ông bà cha mẹ đã làm cho họ: “Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại; vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen” (Hc 44,10-15). Những lời này nhắc nhở phận làm con cháu về những gì mình có là nhờ công đức của các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ. Món quà lớn nhất và là món quà nền tảng nhất mà không có nó con người không thể có được những món quà khác đó là món quà sự sống mà mỗi người lãnh nhận từ cha mẹ mình. Những người làm con làm cháu phải luôn nhớ rằng: Dù cha mẹ không cho chúng ta sự giàu sang về của cải vật chất hay danh tiếng trong đời; nhưng họ cho chúng ta món quà đẹp nhất mà họ có thể ban tặng, đó là sự sống. Người ta thường nói: Hiện hữu thì tốt hơn là không hiện hữu. Hay nói cách đơn giản là: Có một đồng trong túi vẫn tốt hơn không có đồng nào. Cho nên, hãy sống cho xứng đáng với sự sống mình đã nhận được.

Trong thư gởi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về các tương quan trong gia đình. Về phần con cái, “phải biết vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” Còn những bậc làm cha mẹ, “đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Eph 6, 1-4). Trong những lời này, Thánh Phaolô nhắc nhở con cái về điều mà họ khó thực hiện nhất, đó là “vâng phục.” Con cái thường không muốn vâng phục và lệ thuộc vì nghĩ cha mẹ không hiểu mình, hoặc nghĩ cha mẹ là những người cổ hủ lạc hậu, không bắt kịp với thời đại. Nhưng nếu con cái suy nghĩ cẩn thận sẽ nhận ra rằng: Khi cha mẹ còn nhắc nhở là còn yêu thương vì muốn mình nên tốt và không muốn mình ân hận sau này về sự bồng bột của mình. Là những người đã trải nghiệm cuộc sống, cha mẹ biết có những nguy hiểm chờ đợi con cái trước mắt. Một người đã vượt qua núi cao sẽ biết những mệt nhọc và khó khăn mà những người muốn vượt qua nơi đó phải đối diện. Hãy “vâng phục cha mẹ theo tinh thần của Chúa” để đạt được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”. Tuy nhiên, để con cái vâng phục, cha mẹ phải sống đời sống đức hạnh, “đừng làm con cái tức giận.” Cha mẹ phải giáo dục con cái với sự kiên nhẫn, hiền lành và khiêm nhường. Đôi khi cha mẹ cũng phải biết khiêm nhường nhận lỗi với con cái về những sai sót của mình. Các bậc cha mẹ hãy luôn nhớ rằng: Con cái là ân ban của Chúa, chúng thuộc về Chúa. Nên phải thay mặt Chúa để giáo dục con cái trưởng thành trong đường lối của Chúa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy chúa Giêsu phân biệt giữa truyền thống của tiền nhân hay còn gọi là truyền thống của con người và điều răn của Thiên Chúa: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? (Mt 15, 3). Chúa Giêsu áp dụng điều này vào trong việc hiếu thảo với cha mẹ. Có một sự khác biệt rất lớn giữa điều Thiên Chúa muốn chúng ta trong việc đối xử với cha mẹ và điều chúng ta nghĩ chúng ta có thể làm để “tỏ lòng” hiếu thảo với cha mẹ: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15, 4-6). Đây là điều chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ cách thành thật trong điểm cuối cùng.

Thông thường, vào ngày mồng hai tết, chúng ta đi ra nghĩa trang để viếng mộ hoặc tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, và cha mẹ đã qua đời. Đây là điều mà chúng ta có thể làm cho những người thân của mình mà Thánh Phaolô nói đến trong bài đọc 2: “Dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi” (Eph 6,18). Tuy nhiên, một thực tế đau lòng mà chúng ta phải xét lại chính thái độ sống của chúng ta với ông bà cha mẹ khi chúng ta ra viếng mộ các ngài. Thực tế đau lòng đó là: Nhiều người trong chúng ta chờ đến lúc quá muộn để yêu thương và chăm sóc ông bà cha mẹ, tức là chúng ta chờ đến khi các ngài đã khuất rồi mới tiếc nuối là đã không yêu thương, không chăm sóc các ngài cho đủ. Chúng ta tốn thật nhiều tiền để xây những nấm mồ thật đẹp và thật to. Nhưng khi các ngài còn sống, chúng ta lại tiếc từng đồng khi biếu cho các ngài. Người ta thường nói: “Nước mắt chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược” hoặc “Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày.” Quả là đúng như thế! Hãy chăm sóc và yêu thương ông bà cha mẹ ngay hôm nay. Hãy thảo hiếu và vâng phục các ngài, đừng để những ngày còn lại của cuộc sống các ngài phải sống trong buồn phiền và nước mắt.

Hoa Ven Đường

Check Also

CÙNG CHÚA TIẾN VÀO THÀNH GIÊRUSALEM

CÙNG CHÚA TIẾN VÀO THÀNH GIÊRUSALEM Hành trình những ngày chay thánh vừa qua được …