ĂN BÁNH TRƯỜNG SINH

Có bao giờ chúng ta chọn kẻ thù của chúng ta để làm người đại diện cho chúng ta không? Chắc chắn là không, nhất là trong lãnh vực kinh tế thị trường với nhiều cạnh tranh như ngày hôm nay. Chúng ta thường nghe nói rằng: “Chọn bạn mà chơi” chứ không ai nghe “chọn kẻ thù mà biến thành bạn”. Bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta thấy tư tưởng của Thiên Chúa khác với tư tưởng con người biết bao. Ngài chọn người “bắt đạo” để biến thành khí cụ “truyền đạo”. Câu chuyện ơn gọi của Phaolo là một ví dụ.

Sau khi đáp trả, Phaolo đi theo kế hoạch của Đấng gọi mình: “Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Cv 9, 6). Không những thế, người được gọi còn phải làm những điều mà Người gọi muốn họ làm. Chúa tỏ ra điều này cho ông Khanania: “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại…” (Cv 9, 15-16). Khi đi theo Chúa Giêsu, chúng ta không còn làm chủ cuộc đời của mình, nhưng phó thác mọi sự vào tay Ngài để trở nên lợi khí mang danh Ngài đến cho người khác. Khi cố gắng làm theo kế hoạch của mình, chúng ta chỉ kết thúc ở việc tìm kiếm chính mình và lợi danh của mình. Chúng ta thấy Thánh Phaolô khi đã bỏ đi kế hoạch của mình ngài bắt đầu “rao giảng Đức Giêsu trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa” (Cv 9, 20). Thánh nhân bắt đầu rao giảng Đấng mà trước kia Ngài không chấp nhận để cho Ngài bước vào trong cuộc đời. Thật vậy, khi không để Chúa bước vào trong cuộc đời của mình, chúng ta thường có những thái độ chống đối và loại trừ những người đi theo Ngài. Còn khi để Chúa bước vào cuộc đời của mình, chúng ta sẽ được biến đổi và cái nhìn của chúng ta về cuộc sống và những người chúng ta không thích trước đó cũng sẽ được thay đổi. Thật vậy, mọi sự sẽ trở nên đẹp hơn và mọi người sẽ trở nên dễ thương hơn khi chúng ta để cho Chúa bước vào trong cuộc đời của chúng ta.

Trong câu chuyện về ơn gọi của Thánh Phaolô hôm nay, chúng ta còn nghe một câu chuyện về “ơn gọi” khác xảy ra với ông Khanania. Điều làm chúng ta suy gẫm là thái độ của Khanania. Ông ta đổi cách xưng hô trong tương quan với Thánh Phaolô. Cụ thể là trước đó ông xem Thánh Phaolô là người làm “tất cả những điều ác” cho dân thánh Chúa tại Giêrusalem (x. Cv 9, 13). Nói đúng hơn, ông xem Thánh Phaolô là kẻ thù. Nhưng sau khi Chúa nói với ông về kế hoạch của Ngài cho Thánh Phaolô, ông đã ra đi và thực hiện điều Chúa muốn và không còn xem Thánh Phaolô là “kẻ bắt bớ đạo Chúa” nhưng là “người anh em (x. Cv 9, 17). Khi để Chúa bước vào đời sống của chúng ta qua cầu nguyện và hy sinh, không những kẻ thù của chúng ta được biến đổi, nhưng chính chúng ta sẽ thay đổi từ thái độ hận thù đến thái độ yêu thương đối với kẻ thù của chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về đề tài thịt máu Chúa Giêsu là bánh trường sinh. Như chúng ta đã trình bày hôm qua, trình thuật hôm nay có thể được thêm vào trong gian đoạn chỉnh sửa cuối cùng của Tin Mừng. Một cách cụ thể, trình thuật tiếp tục trình bày về hành động “ăn” theo cánh thức mà những ý nghĩa mang tính biểu tượng của việc “ăn và uống” được thiết lập trong phần đầu của trình thuật. Lối trình bày này bây giờ có thể áp dụng cho cho “bánh” trong ngôn ngữ của việc cử hành Thánh Thể. Điều này không có nghĩa làm giảm đi ý nghĩa của việc trình bày Chúa Giêsu như là bánh từ trời xuống để mặc khải cho con người về Chúa Cha.

Sau khi nghe Chúa Giêsu khẳng định bánh bởi trời chính là thịt và máu của Ngài, những thính giả của Ngài không khỏi sửng sốt tự hỏi và tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6, 52). Đứng trước vấn nạn của họ, Chúa Giêsu khẳng định: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình…” (Ga 6, 53-56). Những câu này mở rộng và giải thích cho điều Chúa Giêsu đã khẳng định trong câu 51 về thịt máu Ngài như là bánh mang lại sự sống muôn đời. Mỗi câu trong phần trích này đi theo một kiểu mẫu là trước tiên nói đến việc ăn thịt và sau đó là uống máu Ngài. Điều chúng ta cần lưu ý ở đây là việc khẳng định thịt và máu Chúa Giêsu là của ăn, của uống “thật.” Nói cách cụ thể hơn, việc ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta những điều sau: (1) có sự sống trong mình (câu 53); (2) có sự sống muôn đời và sẽ được cho sống lại trong ngày sau hết (câu 54); (3) ở lại trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở lại trong người đó (câu 56). Để hiểu rõ sứ điệp của trích đoạn này, chúng ta cần lưu ý đến lời cảnh cáo rất nặng mang tính cách tiêu cực của Chúa Giêsu trong câu 54 và lời mời gọi “ở lại trong Chúa Giêsu” trong câu 56. Chi tiết này giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta sẽ không có sự sống trong mình nếu chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu không ở lại trong chúng ta. Theo các học giả Kinh Thánh, đây chính là dấu hiệu báo trước vấn đề xảy ra trong cộng đoàn của Thánh Gioan, đó là nhiều thành viên tách ra khỏi cộng đoàn vì bị bách hại. Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng đối diện với những “bách hại” đến từ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa hưởng thụ làm chúng ta tách mình ra khỏi Chúa Giêsu. Dần dần, sự sống thế lý nơi chúng ta có thể nói là rất mạnh mẽ, nhưng sự sống thiêng liêng bị chết dần trong chúng ta. Hãy ở lại trong Chúa Giêsu và để Chúa Giêsu ở lại trong mính, chúng ta mới có sự sống đời đời nơi mình.

Trích đoạn Tin Mừng chuyển sang một cung giọng khác với việc Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh Ngài sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì người ăn Ngài cũng sống nhờ Ngài như thế. Chúng ta thấy lối diễn tả khác thường trong cụm từ “Chúa Cha là Đấng hằng sống” có thể được hình thành dựa trên lối suy diễn từ cụm từ “bánh hằng sống” trong câu 51. Người đọc biết rằng Chúa Cha sai Chúa con đến để mang lại sự sống (x. Ga 3, 16-17), và rằng sự sống Người Con có là chính sự sống của Chúa Cha ban cho Chúa Con (x. Ga 5, 26). Trong những lời trên, Chúa Giêsu mở rộng mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con đến những người tin, là những người chia sẻ trong Thánh Thể. Như vậy, những người đón nhận Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể sẽ nhận được chính sự sống mà Chúa Giêsu nhận từ Chúa Cha. Thật là một ân phúc tuyệt diệu mà mỗi người chúng ta được ban cho.

Hoa Ven Đường

Check Also

NIỀM VUI HỘI NGỘ

 NIỀM VUI HỘI NGỘ Trong tâm tình nhớ về nguồn cội quý chị trong 4 …