AI TRONG CHÚNG TA KHÔNG PHẢI LÀ TỘI NHÂN?

AI TRONG CHÚNG TA KHÔNG PHẢI LÀ TỘI NHÂN?

 (Is 43, 16-21; Pl 3, 8-14; Ga 8, 1-11)

Lời Chúa của Chúa Nhật V Mùa Chay cho chúng ta một viễn cảnh thật tươi sáng không chỉ cho dân Do Thái trong thời lưu đày ở Babylon, hay dân Do Thái trong thời của Chúa Giêsu, mà nhất là cho chúng ta ngày hôm nay. Viễn cảnh tươi sáng này không đến từ việc chúng ta sẽ được ban cho tiền dư gạo thừa, nhưng đến từ việc chúng ta sẽ được giải phóng khỏi nô lệ của tội lỗi để sống một cuộc sống đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô.

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những câu chuyện đẹp nhất trong Kinh Thánh. Nó đẹp vì không chỉ giúp chúng ta nhận ra tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa được tỏ lộ qua Đức Giêsu Kitô, nhưng còn giúp chúng ta nhận ra nhân phẩm đáng quý của mình, nhân phẩm tuyệt đẹp đến nỗi tội lỗi chỉ làm lu mờ chứ không thể huỷ hoại. Chính nhân phẩm được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1, 26-27) này mà Chúa Giêsu đã đến để chết hầu phục hồi vẻ đẹp nguyên tuyền của nó. Thánh Luca đã trình bày sự phục hồi nhân phẩm đã bị lu mờ bởi tội lỗi này trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, và hôm nay trong câu chuyện của người phụ nữ ngoại tình. Qua hai bài Tin Mừng của tuần trước và hôm nay – tuần trước là việc phục hồi nhân phẩm của người nam và tuần này là của người nữ – Giáo Hội muốn khẳng định rằng, nhân phẩm của người nam và người nữ giống nhau vì cả hai đều được sáng tạo theo hình ảnh và giống Thiên Chúa.

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, bạn cảm thấy thế nào? Tội nghiệp cho người phụ nữ ngoại tình? Lên án các kinh sư và người Pharisêu? Ngưỡng mộ cách đối xử của Chúa Giêsu? Trong cuộc sống thường ngày, nếu biết ai đó phạm tội ngoại tình, chúng ta phản ứng thế nào? Chắc chắn ai trong chúng ta cũng bỉu môi tắc lưỡi và bàn tán xôn xao về người đó. Thật vậy, khi đọc bài Tin Mừng, có thể chúng ta dễ dàng cảm thông cho người phụ nữ ngoại tình, nhưng trong đời sống thực tế, chúng ta lại trở nên như các kinh sư và người Pharisêu, chúng ta kết án anh chị em của mình. Tuy nhiên, điều chúng ta cần biết là trong Kinh Thánh, “ngoại tình” không ám chỉ đến việc phản bội trong đời sống vợ chồng cho bằng ám chỉ việc “bất trung” với Thiên Chúa của dân Israel [và mỗi người chúng ta] trong việc bỏ Chúa để tôn thờ ngẫu tượng, và khi chúng ta phạm tội. Điều này giúp chúng ta hiểu lý do tại sao khi Chúa Giêsu nói ai không có tội thì ném đá người phụ nữ trước; và mọi người lần lượt nhận ra việc bất trung của họ khi phạm tội. Điều này nhắc nhở chúng ta phải nhìn lại mình trước khi kết án người khác.

Chúng ta cùng nhau phân tích phản ứng và thái độ của các nhân vật trong bài Tin Mừng hôm nay để rút ra những bài học hữu ích giúp chúng ta đối xử với anh chị em của chúng ta cách cảm thông và yêu thương hơn. Tuy nhiên, trước khi đi vào chi tiết từng nhân vật, chúng ta lưu ý đến chi tiết sau: Hình ảnh núi Ôliu (x. Ga 8, 1), nơi Chúa Giêsu sẽ đến sau bữa tiệc ly với các môn đệ và bị bắt ở đó, tạo nên bối cảnh cho bài Tin Mừng hôm nay. Hành động của Chúa Giêsu trên núi Ôliu gợi cho chúng ta nhớ đến hình ảnh của Chúa Giêsu được Thánh Mátthêu trình bày khi Ngài giảng về tám mối phúc: “Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ” (Ga 8, 2). Trong bối cảnh này, chúng ta có thể nói rằng: sự kiện xảy ra cho người phụ nữ ngoại tình là bài giảng của Chúa Giêsu về mối phúc trong Tin Mừng Thánh Gioan: phúc cho những ai được Thiên Chúa tha thứ và khốn cho những ai chỉ biết kết án người khác mà không ăn năn sám hối. Bây giờ, chúng ta phân tích phản ứng và thái độ của các nhân vật trong bài Tin Mừng.

Thứ nhất là Chúa Giêsu: Ngài đang giảng dạy thì bị cắt ngang bởi việc các kinh sư và người Pharisêu “dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: ‘Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?’” (Ga 8, 3-5). Đứng trước tố cáo và bản án viết sẵn bởi các kinh sư và người Pharisêu cho người phụ nữ ngoại tình, Chúa Giêsu bị đặt trong một tình huống “tiến thoái lưỡng nan”: Nếu nói không lên án người phụ nữ ngoại tình, Ngài bị xem là chống lại luật của Môsê, điều mà người Do Thái xem là cao trọng nhất trong Kinh Thánh; còn nếu Ngài lên án, thì việc giảng dạy về lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa trở nên vô hiệu và đồng thời làm cho Ngài trở thành người chống lại luật của người Rôma, vì chỉ có luật của người Rôma mới có thể kết án tử cho người phạm tội, chứ luật của người Do Thái không được phép đó. Chúng ta sẽ chia phản ứng và thái độ của Chúa Giêsu làm hai phần: với các kinh sư và người Pharisêu, và với người phụ nữ ngoại tình.

Với các kinh sư và người Pharisêu: trước câu hỏi của họ, Chúa Giêsu không cho họ câu trả lời trắng hoặc đen. Câu trả lời của Ngài được tỏ lộ cách tiệm tiến qua các bước sau: (1) thinh lặng lắng nghe và cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất; (2) thay vì trả lời thì đặt một câu hỏi; (3) thinh lặng và cúi xuống viết trên đất. Câu trả lời của Chúa Giêsu được trình bày ở giữa “hành động” thinh lặng và việc cúi xuống viết trên đất; và phần trung tâm là “lời nói”, đó là một câu hỏi. Chính “lời” của Chúa Giêsu làm cho những người kết án thay đổi thái độ và lối sống của mình. Đây chính là sứ điệp chính của Tin Mừng Thánh Gioan: Chúa Giêsu là “Lời” của Chúa Cha, là “Lời nhập thể” để mang lại ơn cứu độ cho muôn người. Chỉ những người lắng nghe Lời mới có khả năng biến đổi. Chúng ta có để Lời Chúa hôm nay biến đổi chúng ta không? Cách cụ thể hơn, chúng ta có để cho Lời Chúa Giêsu biến đổi thái độ “tìm lỗi” và “kết án” người khác không?

Với người phụ nữ ngoại tình: hành động đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi nghe lời kết án là không nhìn người phụ nữ cách trực tiếp, mà cúi nhìn xuống đất. Hành vi này, theo một số học giả Kinh Thánh, là để tránh cho người phụ nữ một “cái nhìn kết án”, để bà không cảm thấy xấu hổ hơn trước cái nhìn của một người mà dựa vào lời nói của người đó bà sẽ bị kết án và giết chết. Khi mọi người đã bỏ đi, Ngài mới ngẩng lên nhìn người phụ nữ và phá tan “bầu khí nặng nề của sự kết án” bằng một câu hỏi thật hiền dịu: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (Ga 8, 10). Và Ngài tiếp với một lời tha thứ và khuyên răn hay đúng hơn là một lời mời gọi: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11). Điều gì làm Chúa Giêsu đối xử nhân hậu với người phụ nữ ngoại tình? Đó chính là “cái nhìn.” Ngài không nhìn người phụ nữ giống như các kinh sự và người Pharisêu. Đối với họ, bà là một “người phạm tội ngoại tình,” còn đối với Chúa Giêsu, bà là “người con hoang đàng trở về”. Đó chính là lý do để mở tiệc ăn mừng.

Thứ hai là các kinh sư và người Pharisêu: chúng ta thấy Thánh Gioan trình bày thái độ bình thường của họ đối với Chúa Giêsu là luôn “thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8, 6). Trong câu chuyện hôm nay, chúng ta có thể nhận ra rằng, người mà các kinh sư và người Pharisêu nhắm đến để tố cáo và kết án không phải là người phụ nữ ngoại tình, mà là Chúa Giêsu. Người phụ nữ ngoại tình có thể được xem là “con vật thế thân.” Nói cách khác, người phụ nữ ngoại tình là “phương tiện” họ sử dụng để đạt đến mục đích, đó là tố cáo Chúa Giêsu. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đối xử với anh chị em của mình không như những nhân vị cần được tôn trọng. Chúng ta đối xử với họ như những phương tiện để thoả mãn những đam mê dục vọng của mình, để đạt đến mục đích của mình. Hãy tôn trọng người khác, nhất là những người thân của chúng ta như những nhân vị chứ không như những “đồ vật”!

Cuối cùng là người phụ nữ ngoại tình: bà không nói gì. Bà không tìm cách biện minh cho mình. Bà đón nhận mọi sự trong thinh lặng của một cõi lòng “tan nát khiêm cung.” Khi còn lại một mình với Chúa Giêsu, bà chỉ đơn sơ trả lời cách ngắn gọn những gì Chúa Giêsu hỏi bà với một cung giọng ngại ngùng. Từ hình ảnh của người phụ nữ ngoại tình, chúng ta cũng nhìn vào chính mình để có thái độ nào khi trở về với Chúa. Tuy nhiên, điều chúng ta quan tâm ở đây là: người phụ nữ ngoại tình sẽ như thế nào sau khi được Chúa Giêsu không kết án và khuyên đừng phạm tội nữa? Bà sẽ phạm tội lại hay không? Điều này chỉ mình chúng ta biết vì câu chuyện của người phụ nữ ngoại tình được tiếp tục viết trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Tóm lại, Lời Chúa trong Chúa Nhật V Mùa Chay này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc đời của mình để nhận ra những công việc vĩ đại Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Những việc vĩ đại đó không chỉ là được ban cho nhà cao cửa rộng hay an khang thịnh vượng, nhưng việc vĩ đại nhất là Ngài đã yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta là tội nhân, Ngài đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta và phục hồi lại thân phận làm con Thiên Chúa, thân phận cao quý mà chúng ta đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng. Nhìn lại những việc vĩ đại Thiên Chúa đã làm cho mình, chúng ta cùng nhau mượn lời Thánh Vịnh Đáp Ca để diễn tả tâm tình của chúng ta: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui”.

Hoa Ven Đường

Check Also

Hội dòng mừng bổn mạng chị tổng cố vấn Maria Emilia Vũ Thị Sim

Hội dòng mừng bổn mạng chị tổng cố vấn Maria Emilia Vũ Thị Sim