Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đừng ai nghĩ mình không cần sám hối, tất cả chúng ta đều là tội nhân, cần phải sám hối và trở về với Chúa. Sám hối trở về không phải là chuyện dễ dàng vì chẳng ai muốn nhận là mình đã đi lầm đường, sai lối. Thánh Gio-an Kim Khẩu đã từng nói: “Sự hối cải là lời cầu nguyện, những người ăn năn sám hối sẽ thấy lòng thương xót của Thiên Chúa biểu lộ những thực tại tuyệt vời”.
Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: chúng ta vẫn luôn mãi là con của Thiên Chúa, là con của một người Cha yêu thương và luôn chờ đợi chúng ta biết quay trở về mỗi khi lầm lỗi. Ngay cả trong tình trạng tồi tệ nhất của cuộc sống, Thiên Chúa vẫn mãi mãi chờ đợi chúng ta. Còn phần chúng ta, hãy biết khiêm tốn sám hối để nhận được tình yêu thương của Ngài.
Như vậy, khi trở về với Cha trong Mùa Chay là ta thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của ta để ta luôn có cái nhìn và suy nghĩ như Chúa. Con người chỉ có thể thực sự hòa giải được với Thiên Chúa, làm hòa được với nhau khi ta nhận ra tình trạng sai lỗi của mình, biết hối hận, bỏ đường tội lỗi, nhất quyết trở về cùng Cha và không còn tái phạm, tin vào sự tha thứ và quyết tâm làm lại cuộc đời.
Tin Mừng Chúa Chúa Nhật tuần IV mùa chay năm C, mời gọi chúng ta tin vào sự tha thứ của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, để chúng ta trở về với Ngài làm hòa cùng Thiên Chúa và anh chị em, làm lại cuộc đời mới. Như vậy, mỗi gia đình, từng cộng đoàn đừng ngại ngần, hãy bước đến với Thiên Chúa trong kinh nguyện và Thánh lễ, nơi Bí tích Hòa giải, để mỗi người chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa là Cha, được an ủi và được chữa lành.
Người con thứ trong bài Tin Mừng đòi cha chia gia tài. Với tiền bạc trong tay, anh bỏ đi vô tình và ăn chơi trác táng. Hết tiền, anh đi chăn heo và muốn ăn thức ăn của heo. Khi trở về, anh chẳng còn gì cả. Tiền bạc, sức khoẻ, danh dự, lòng tự trọng… mọi thứ đã bị anh tiêu xài hoang phí.
Một người cha thương nhớ con, hằng ngày không có tin tức, không biết con đau ốm hay khỏe, vui buồn thế nào, mặc dù anh đã đòi chia gia tài và bỏ nhà ra đi. Chiều chiều tựa cửa trông con. Vừa thấy đằng xa, ông đã vội vàng, niềm nở, ân cần, thân mật ôm con vào lòng. Không cho con nhắc lại chuyện cũ, đừng nói gì đến tội lỗi. Con trở về với cha là đủ, là tốt, là hay lắm rồi, cha chỉ biết mở tiệc vui mừng.
Đó là mối tình sâu xa cha thương con. Còn lý, thì cha vẫn biết con yếu đuối, ham theo chúng bạn, bị môi trường lôi cuốn, xã hội đầy những cạm bẫy, con còn trẻ người non dạ. Dù hoàn cảnh thúc giục, nhưng con có lòng hối hận, trở về cùng cha là đủ rồi. Một người cha dưới đất còn biết nhân từ thương yêu như thế, phương chi là Cha chí trên trời.
Khi nhìn lại ta thấy người cha: Ông thật là người cha phung phí. Ông đã phung phí sức lực trong cuộc gặp gỡ với đứa con trở về. Ông đã phung phí tiền bạc khi chia gia tài một cách dễ dãi. Ông đã phung phí khi đem áo mới, giày mới, nhẫn vàng, lại còn tổ chức một bữa tiệc mừng có bê béo, có cả đàn hát múa nhảy để đón đứa con đi hoang trở về, ông đã phung phí tình yêu thương. Yêu thương quá độ. Yêu thương đến vô lý. Mà có lý lẽ nào giải nghĩa được yêu thương? Chỉ có tình yêu thương mới giải nghĩa được những điều vô lý đó.
Trong cuộc sống, có cơ hội nhìn lại mình: rất nhiều lần chúng ta đã lợi dụng lòng tốt của Thiên Chúa, chúng ta đã dùng cách sai lạc tự do của mình, muốn thoát khỏi tình yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa là Cha, muốn tìm cho mình một nơi nương tựa khác, muốn chọn cho mình một ngẫu tượng khác, nên nghe theo cơn cám dỗ của thế gian và xác thịt, hoặc có khi tích góp tiền bạc tiêu xài không cần thiết, ăn chơi hoang phí, phóng đãng, không biết chia sẻ, làm việc bác ái
Hơn nữa, cũng rất nhiều lần chúng ta đóng vai người con cả, tưởng mình đạo đức hơn người, chúng ta tìm cách loại trừ nhau bằng những lời nói không tốt về nhau, bằng những cử chỉ thiếu thân thiện, những hành động khó ưa, làm cho nhau đau khổ, thiếu tế nhị… Chúng ta chỉ nhìn thấy được những sai phạm của người khác, còn chính chúng ta, thì tự cho mình là tốt đẹp, là ngay chính.
Người cha nhân hậu của chúng ta, đã nhiều lần đến cạnh bên, nài nỉ chúng ta vào nhà, nài nỉ chúng ta vui mừng với Ngài vì những người anh chị em bên cạnh. Nhưng chúng ta vẫn bực tức khó chịu, vẫn có những lời nói hành động thiếu tế nhị, vẫn có ý muốn loại trừ nhau, ganh tỵ, ghen ghét, nói hành nói xấu nhau, để chiếm phần lợi về mình.
Vậy, qua dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay, mỗi người chúng ta hãy cầu xin cho nhau, biết nhìn vào thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, không phải để buồn nản hay thất vọng, mà là để cảm nhận được lòng thương xót vô bờ bến của Chúa. Và khi đã cảm nhận được lòng thương xót tha thứ của Chúa đối với chúng ta, chúng ta cũng sẽ biết cảm thông và tha thứ cho người anh chị em của chúng ta. Nhờ đó, từng gia đình, cá nhân và cộng đoàn của chúng ta cũng sẽ được đoàn tụ với nhau trong bữa tiệc vui của Cha chúng ta ở trên Trời.
Nt: Lặng Thầm, Fmsr