Khi một người làm chúng ta tổn thương và đến để xin lỗi, chúng ta sẽ tỏ thái độ như thế nào? Chắc chắn, một số ít đã tha thứ trước khi họ đến xin lỗi; một số ít tha thứ ngay lúc đó mà không cần nói gì hơn; đa số thì tha thứ sau khi “giảng” cho người đó một bài; và một số ít sẽ không tha thứ. Chúng ta thuộc loại nào trong những loại trên?
Thực tế trong đời dạy chúng ta rằng: Con người thường dựa vào “một chuỗi” sự kiện tốt để đánh giá một con người là tốt; nhưng chỉ dựa vào “một” sự kiện xấu để đánh giá một con người là xấu. Thật khó để “được tiếng tốt”, nhưng thật dễ để “mang tiếng xấu”. Khi đã mang tiếng xấu thì chúng ta mang nó đến muôn đời dù chúng ta đã thay đổi, đã sám hối. Nói cách cụ thể, chúng ta thường có khuynh hướng “đóng khung” người khác trong những cái thùng mà chúng ta đã có sẵn. Dù người đó có thay đổi thế nào, thì cũng chỉ nằm trong cái khung chúng ta đưa ra để đánh giá họ. Thái độ này hoàn toàn khác biệt với thái độ của Thiên Chúa khi đối xử với chúng ta.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ tiêu chuẩn để được vào Nước Trời, đó là họ phải ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5, 20). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời này là của riêng Thánh Mátthêu. Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ của Ngài rằng Luật mà các môn đệ phải “thực hành và dạy” là toàn bộ luật của người Do Thái. Việc giữ Luật và truyền thống đảm bảo sự công chính của các kinh sư và người Pharisêu. Tuy nhiên, sự công chính này không phải là một đảm bảo để vào Nước Trời. Sự công chính của người môn đệ phải vượt qua sự công chính của các kinh sư và người Pharisêu, đó là việc hoàn toàn tuân theo thánh ý Thiên Chúa, vượt bên trên việc giữ luật. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ sống của mình. Nhiều lần chúng ta dựa trên việc tuân giữ luật lệ để đánh giá mình thánh thiện hơn người khác. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận ra rằng, tiêu chuẩn để đánh giá sự thánh thiện của một người là thái độ sẵn sàng thi hành thánh ý Thiên Chúa.
Phần 2 của bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta ví dụ cụ thể về việc sự công chính của người môn đệ Chúa Giêsu phải trổi vượt sự công chính của các kinh sư và người Pharisêu. Ngài lấy ví dụ về việc giết người: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5, 21-22). Điều răn này được trích từ sách Xuất Hành (20, 15) và Đệ Nhị Luật (5, 18). Trong những lời này, chúng ta thấy Chúa Giêsu không phân biệt việc giết người cách cố ý hoặc giết người vì vô ý. Tuy nhiên, đây không phải là điều Ngài nhắm đến khi dạy các môn đệ. Điều Ngài nhắm đến là đưa các môn đệ về lại với ý của Thiên Chúa khi ban luật này. Chúa Giêsu không chỉ cấm không cho giết người, nhưng còn cấm không cho giận anh chị em mình. Ngay cả cảm xúc giận anh chị em mình cũng phải chịu trách nhiệm trước toà. Trong lời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra phép ẩn dụ. Cụ thể là, giận anh chị em mình không phải là đối tượng của một hành vi mang tính pháp lý. Chúa Giêsu ngụ ý rằng, nóng giận – một cảm xúc dẫn đến giết người – thì cũng mang tội như chính hành động giết người. Như vậy, luật được tái khẳng định cách rõ ràng hơn bằng cách chỉ ra nguyên nhân của việc giết người.
Vì con người không thể nào hoàn toàn giữ mình khỏi giận anh chị em mình, vì vậy, việc làm hoà với anh chị em mình là “bổn phận thánh”: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ cho thấy sự khẩn thiết của bổn phận hoà giải. Để hiểu rõ ý nghĩa của câu này, chúng ta cần phải lưu ý rằng, đối với người Do Thái, tôn thờ Thiên Chúa là hành động thánh thiện mà một người phải thực hiện. Nhưng việc tôn thờ phải bị ngừng lại nhường chỗ cho việc hoà giải. Điều này khẳng định vị trí cao quý của tương quan huynh đệ trên các bổn phận tôn thờ. Lại một lần nữa, Luật được tái khẳng định. Chi tiết này mời gọi chúng ta đặt tầm quan trọng của việc hoà giải với anh chị em mình là bổn phận hàng đầu, trước tất cả những bổn phận thánh thiện khác.
Bài Tin Mừng kết thúc với những lời mang tính cánh chung: “Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5, 25-26). Qua những lời này, Thánh Mátthêu liên kết bổn phận hoà giải với đời sống mai sau trong Nước Trời. Khi làm như thế, Thánh Mátthêu nâng bổn phận hoà giải thành một giới răn. Hơn nữa, chính mối hoạ của ngày cánh chung làm cho mệnh lệnh hoà giải trở nên khẩn thiết. Đứng trước lời mời gọi này, chúng ta vẫn tiếp tục sống trong sự hận thù, giận dữ và không hoà giải với anh chị em chúng ta sao?
Hoa Ven Đường