“Cuộc sống mong manh như lá rơi về cội. Nắng xuân đến rồi chợt tàn theo bước thời gian…”.
Hình ảnh chiếc lá lìa cành, trở về với cội nguồn mẹ đất nhắc nhớ ta một mai đây ta cũng sẽ giã từ tất cả, ra đi trở về với cát bụi. Lặng nhìn chiếc lá rơi, ta thấy mỗi chiếc lá có một cách “chia tay” khác nhau. Có những chiếc lá “ra đi” trong sự quằn quại khổ đau, dùng dằng, bịn rịn như thể không muốn lìa cành. Có những chiếc lá “hấp hối” buông mình cách nặng nề nghiêng ngả trên mặt đất. Lại có những chiếc lá “ra đi” một cách nhẹ nhàng buông mình theo gió, thanh thản, an nhiên rơi mình trên thảm cỏ xanh như thể một bông hoa say trong giấc ngủ yên lành.
Một đời lá thật quá mong manh, chóng tàn phai và rụng xuống. Mới đó, lá còn xanh tươi, mà nay đã úa vàng chuẩn bị lìa cành. Đời người chẳng khác chi một chiếc lá. Lá rơi về cội. Lá rơi như kiếp một con người, giờ phút cuối là về cùng cát bụi. Nhìn lá vàng rơi, ta nhận ra sự thật cay đắng nhất của đời người là sự chết. Nó chẳng từ ai, chẳng thương tiếc ai. Cũng như ai đó đã từng nói: “Thần chết chưa từng nhận hối lộ của bất kỳ ai”. Nó đến bất ngờ làm ta bàng hoàng, bỏ lại tất cả mọi thứ ta gắn bó và gom góp suốt đời để ra đi với hai bàn tay trắng.
Cái chết của mỗi người là một chuyến đi cuối cùng. Một chuyến đi quyết định và quan trọng. Một chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Chuyến đi một vài ngày về thăm quê nhà hay đi nghỉ một đôi ngày, ta đã phải sắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần. Nhưng ta đã chuẩn bị được những gì cho chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời mình? Chúng ta có nỗ lực để sắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này không?
Nhìn lá vàng rơi ta nghĩ về đời người. Đời người thật ngắn ngủi, như lời Thánh Vịnh:
“Đời con là một kiếp phù du
Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi!
Sống làm người, ai không phải chết?
Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty ?” (Tv 88,48-49)