Hương Vị Thánh Giá

Cái khổ của cuộc đời với đủ thứ ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh không ngừng phủ vây con người. Đau khổ, mất mát trong cơn đại dịch không hẹn mà đến đã làm cho nhân loại phát điên lên và gào thét với câu hỏi trách móc: Thiên Chúa ở đâu lúc này? Khi chúng ta đứng ở chữ “ghét” để chỉ trích Thiên Chúa thì Ngài vẫn đứng chờ chúng ta trong chữ “yêu” để âm thầm bảo vệ chúng ta. Con Thiên Chúa đã đi bước trước với chúng ta qua chữ yêu. Yêu tột cùng, yêu mãi mãi, yêu không cần lý do, không cần đối tượng. Chữ yêu đó được thể hiện đỉnh cao nơi cái chết của Ngài trên thánh giá.

Trong thời gian dịch bệnh, chúng ta lại càng hiểu hơn bao giờ hết lời mời gọi của Chúa Giê-su: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Mọi người dân Việt Nam và cả những anh chị em hải ngoại đều đang hướng ý cầu nguyện cho từng vùng miền, từng thành phố, nhất là những thành phố đang bị bệnh nặng sớm được phục hồi. Giờ này ai cũng “ngại” và gần như không còn muốn liếc nhìn những bản tin với các con số ca nhiễm, ca tử vong. Hình như tất cả đều đã dần kiệt sức mất rồi. Những bài hát, những vần thơ, những vũ điệu cổ vũ tinh thần đầy sôi động đang dần lắng xuống. Không phải vì họ không còn hào hứng, cũng không phải vì họ không muốn nhưng là vì một trong số họ đã ra đi, một trong số họ đã nhiễm bệnh và một trong số họ đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, mất phương hướng. Quả thực, đón nhận thánh giá lúc này không phải là chuyện đơn giản dẫu biết rằng phía sau con đường thập giá sẽ có phục sinh. Thiên Chúa trao thánh giá cho từng người, còn chất liệu của thánh giá đó làm bằng gì thì do mỗi người chúng ta tự chọn cho mình. Khi đón nhận trong an vui, cây thánh giá đó sẽ tự khắc toả ra hương thơm nhẹ nhàng khiến chúng ta vui thích ôm vào lòng. Nhưng khi đón nhận trong uất hận hay khi thất vọng, đau thương thì cây thánh giá sẽ nên như trái đắng.

Tuy nhiên, không phải ai và không phải lúc nào chúng ta cũng cảm nếm thánh giá ngọt ngào, cũng không phải khi gặp thánh giá “bùn” chúng ta nghĩ rằng mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Một minh chứng rất cụ thể cho điều nói trên đó là hình ảnh của những người đang ngày đêm vất vả nơi tuyến đầu cho dù đó là chuyên môn hay là nghề tay trái của họ. Họ là những y bác sĩ, những tu sĩ thiện nguyện hay những bạn trẻ dám hy sinh tất cả để lao mình vào cuộc chiến tử thần. Họ đang cùng nhau “phơi khô thánh giá bùn” cho các bệnh nhân hầu làm bớt gánh nặng cho họ và ước mong cho đất nước mau khoẻ lại.

Và rồi đâu đó người ta cũng nhìn thấy sự lạc quan của những bông hồng đang rộ sắc hương vẫn vui vẻ đón nhận thánh giá Chúa trao với sự lạc quan, tin tưởng và phó thác. Cho dù những bông hồng này không đến trực tiếp nơi các bệnh viện dã chiến để chăm sóc các bệnh nhân nhưng họ lại được trực tiếp cảm nhận với người bệnh qua cơn sốt, qua tiếng ho, qua tiếng thở sụt sịt và qua cả những vô cảm của vị giác. Họ vẫn an nhiên, vẫn hát bài ca cảm tạ và vẫn vui sống như chưa từng có việc gì xảy đến. Họ hạnh phúc vì mình đang được đi trên chặng đường thánh giá với Chúa. Họ hạnh phúc hơn nữa vì họ biết lúc này chính Đức Giêsu Kitô đang cùng họ vác thánh giá ở chặng thứ năm của cuộc đời mình. Và họ an vui vì trong mối dây hiệp thông, những bông hồng này biết chắc vẫn có một người Mẹ luôn bên cạnh mình. Và còn biết bao trái tim đang cùng hướng tới họ trong các thánh lễ, các giờ cầu nguyện.  

Đau khổ, bệnh tật hay những tai hoạ xảy đến với nhân loại không phải là một hình phạt mà nhiều người vẫn nghĩ nhưng nó là một sự chuyển hoá cần phải có để dẫn tới cái đẹp ẩn sau đó. Vì biết con người sẽ sợ, sẽ dễ bỏ cuộc nên Thiên Chúa đã lặng lẽ đi bước trước để dẫn chúng ta vượt qua những tăm tối mà tự sức chúng ta không thể đi được. Thiên Chúa không bao giờ muốn làm khổ con người nhưng vì không còn con đường nào khác ngoài con đường khổ giá để đến với vinh quang. Con đường phía trước dù có tăm tối hay đầy những sợ hãi đợi chờ thì sẽ không có gì làm khó được những người vững tin vào quyền năng và luôn cậy trông vào ơn Chúa. Giả như giờ này chúng ta có hơi “mắc kẹt” một chút thì cũng chỉ là dừng lại cho đỡ mỏi chân thôi mà.

Vị đắng của thánh giá vẫn luôn đắng đót nhưng sau vị đắng đó sẽ là vị ngọt ngào và êm dịu. Hiện tại nhân loại đang cùng chung nếm vị đắng của đại dịch khủng khiếp này nhưng không lâu nữa đâu chúng ta sẽ lấy lại được vị thanh mát trong tình yêu Thiên Chúa.

Tác giả bài viết: Trần Trần, FMSR.

Check Also

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA                    …