Hiến Lễ Âm Thầm

Hai chữ đại dịch đã làm đảo lộn mọi sinh hoạt, mọi dự tính và mọi ước vọng của cá nhân, gia đình, cộng đoàn, giáo hội và xã hội. Chắc chắn những người trong cuộc của các chương trình đã được dự tính ít nhiều cũng có những hụt hẫng, cũng có những xúc cảm lâng lâng. Không còn cách nào khác, chúng ta bắt buộc phải thích nghi với nỗi sầu chung này của nhân loại.

Lâu lắm rồi năm nay Hội dòng mới có quý Dì mừng Ngọc khánh, lâu lắm rồi mới có quý Chị mừng Ngân khánh với con số 12 và cũng không ít thời gian đào tạo để có những tân Vĩnh khấn và Tiên khấn như vậy.

Thế nhưng, năm nay cổng nhà dòng im ắng lắm!

Những ngày hồi tâm đã khép lại để nhường chỗ cho một hiến lễ âm thầm. Một thánh lễ với những cánh thiệp được gửi qua trang mạng, không linh đình với những khung rạp lộng lẫy, không rộn ràng của những đoàn xe gia đình và thân nhân chị em nơi xa, chỉ một số ít chị em trong Cộng đoàn Nhà Mẹ sẽ hiện diện trong thánh lễ.

Chuẩn bị cho ngày lễ

Đơn giản, trầm lắng! Thế nhưng phía sau của sự đơn giản có vẻ như trống vắng đó, tất cả đều được bao trùm trong bầu khí thiêng liêng của tình chị tình em. Ai cũng cố gắng làm những gì tốt đẹp nhất có thể để cùng các chị em mừng lễ thật sốt sắng. Tất cả đều hiệp một ý một lòng kết nên hiến lễ tuyệt vời nhất dâng lên Chúa.

Sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra trong thinh lặng trước Thánh Thể Chúa trong nhà nguyện cùng với những giọt nước mắt: Hình như Chúa không thương lớp con như các chị lớp khác? Sao Chúa không cho con về thăm gia đình trước khi con vào Nhà Tập? Sao Chúa không để cho thánh lễ khấn dòng của con được diễn ra trước khi có thông báo giãn cách nghiêm ngặt để bố mẹ và những người thân của con cùng được tham dự thánh lễ? Sao Chúa không để cho người chị của con được sống đến ngày mừng Ngọc khánh? Sao Chúa không tìm cách cho người chị của con ở nơi phương xa được trở về cùng với chị em trong lớp mừng Ngân khánh? Sao Chúa…? Sao Chúa…?

Đừng! Đừng vội hỏi Chúa những câu hỏi dồn dập như thế. Cứ bình tâm và suy nghĩ thử xem, phải chăng vì đôi mắt chúng ta đang bận khóc nên không nhìn thấy Chúa đứng sau mình giống như Mađalêna năm xưa khi đứng trước mồ Chúa? Phải chăng chúng ta quá lo lắng khi thấy thuyền sắp chìm giống như các Tông đồ xưa kia trên biển cả mà quên rằng Chúa vẫn đang hiện diện trên thuyền của mình? Và phải chăng là do chúng ta không chịu đưa tay mình ra cho Ngài nắm lấy?

Thiên Chúa luôn hoạch định một kế hoạch tốt nhất cho từng người mà dưới nhãn quan của con người trần tục chúng ta thấy nó là đau khổ, là thách đố, là một điều gì đó thiếu công bằng của Thiên Chúa.

Có những lúc chúng ta nghĩ rằng mình đang cô đơn một mình trên con đường vắng và cảm thấy Thiên Chúa không hiện diện, không đồng hành để giúp mình. Nhưng thực tế là Ngài vẫn đang ở bên chúng ta và nói rằng “việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu nhưng sau con sẽ hiểu” (Ga. 13,7).

BTT.

Check Also

Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật I Mùa Vọng

Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật I Mùa Vọng Tỉnh thức và sẵn sàng …