Thánh Tâm Chúa Giêsu – Suối Trào Thương Xót

“Lòng Thương Xót Chúa trải dài từ đời nọ đến đời kia,

Dành cho những ai kính sợ Thiên Chúa” (Magnificat).

          Trong năm Phụng vụ, Giáo Hội dành riêng tháng Sáu để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, trong tháng có ngày lễ Thánh Tâm và ngày này đã trở thành ngày thánh hóa các linh mục. Thật vậy với lòng đạo đức, sốt sắng các giáo hữu thường cầu nguyện cho các linh mục với lời nguyện: “Lạy trái tim Chúa Giêsu, xin cho các linh mục chúng con được nên thánh”. Vậy Thánh Tâm Chúa Giêsu nói với chúng ta điều gì? Tại sao có ngày lễ Thánh Tâm và qua ngày này Chúa muốn trao gửi đến nhân loại sứ điệp gì?

          Nói đến lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, người kitô hữu đều hiểu là lễ kính Trái tim Chúa, nguồn gốc và lịch sử lễ này ít nhiều cũng tường tận. Đó là một Trái tim của Đấng Cực Thánh đã yêu thương loài người vô ngần vô hạn. Người yêu thương từng con người cụ thể chứ không phải một cách chung chung. Người yêu chúng ta ngay cả khi chúng ta còn tội lỗi, yếu hèn. Như trong sách Giêrêmia có viết: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng thương xót” (Gr 31, 3). Vì thế, người viết cũng xin được nói lại đôi điều vắn tắt về ngày lễ này. Chúa Giêsu vì khát khao yêu thương con người nên đã mạc khải cho con người tình yêu của Người qua Thánh Tâm với một chị nữ tu Margarita – Maria Alacoque nhỏ bé, khiêm nhường tại tu viện Thăm Viếng ở Paray – le – Monial vào năm 1675. Trong các thị kiến, Chúa Giêsu đã chỉ cho Thánh nữ thấy Trái tim Người “một Trái tim đã yêu thương con người đến thế, mà chỉ nhận được sự đáp trả bạc bẽo, vô ơn”. Và lần hiện ra đặc biệt vào ngày 16/06/1675 trong tuần Bát Nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa (Corpus Christi), Chúa Giêsu yêu cầu Thánh nữ xin giáo quyền cử hành lễ Thánh Tâm Chúa vào thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa, để đền bù sự vô ơn bạc nghĩa của loài người đối với sự hy sinh cao cả của tình yêu Chúa Giêsu.

          Qủa vậy, Thánh Tâm Chúa Giêsu là hiện thân không chỉ về trái tim về thể lý mà còn là tình yêu thương dành cho nhân loại. Hình ảnh trái tim rực lửa đỏ hồng với vòng gai quấn quanh là dấu chỉ của một tình yêu cháy lửa nồng nàn, một tình yêu đã hy sinh chính mạng sống và mãi còn tiếp tục rỉ máu cho con người. Hình ảnh Thánh Tâm là sự than khóc của một kẻ đang yêu được tỏ ra cho Thánh nữ Margarita và nhấn mạnh đến Bí Tích Thánh Thể đang bị xúc phạm nặng nề trong đường tội lỗi, lầm lạc của con người. Để an ủi trái tim Người, Người chỉ mong con người hãy quay trở về hãy năng đến với Người hãy ẩn náu trong trái tim đang “cháy lửa yêu” của Người. Nhờ sự cổ võ của Thánh Gioan Euđê từ giữa thế kỷ XVII và nhất là qua các thị kiến mà Thánh nữ Margarita nhận được thì con người nhân loại đã biết ăn năn bỏ đường tà mà trở lại với Trái tim yêu thương của Chúa Giêsu. Qua việc làm đền tạ Thánh Tâm Chúa với nhiều hình thức và các hội đoàn Thánh Tâm được mở ra.

          Nhưng rồi dần dà, qua dòng thời gian, vũ trụ xoay vần cùng với sự phát triển của thế giới thì lòng người cũng thay đổi. Con người không còn nhớ tới lời kêu gọi khẩn thiết năm xưa của Chúa nữa, họ không còn chú ý đến Thánh Tâm nhiều nữa. Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa bỏ mặc con người, một lần nữa Người lại thương xót con người theo cách thức khác, đó là mạc khải Lòng Chúa Thương Xót cho Thánh nữ Faustina Kowalska (1905 – 1938, người Ba Lan). Chúa Giêsu cũng yêu cầu Thánh nữ xin giáo quyền lập lễ kính Lòng Thương Xót vào Chúa Nhật II Phục Sinh: “Ta muốn một tấm hình được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật sau đại lễ Phục Sinh và Ta muốn tấm hình đó được tôn kính công khai để mỗi linh hồn đều biết đến tấm hình đó” (Nhật Ký, số 341).

          Vậy, hai lễ này có liên hệ gì với nhau? Nói thế không phải là không có căn cứ, bởi từ nền tảng Thánh Kinh cho thấy hình ảnh Lòng Thương Xót Chúa cũng chính là hình ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong đoạn Tin mừng Ga 19, 31 – 37, về việc xảy ra sau khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, “một người lính đã lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra”. Hầu khơi nguồn ơn cứu độ và dưỡng nuôi chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Điều đó cho ta thấy không phải trùng hợp hay ngẫu nhiên mà đọanTin mừng này được soạn trong lễ Thánh Tâm Chúa nhưng là để Giáo Hội xác tín cách mạnh mẽ hơn vào tình yêu bao la, nhiệm mầu của Thiên Chúa. Bởi, Lòng Thương Xót là sự kéo dài của Thánh Tâm Chúa Giêsu với lời hứa mãnh liệt hơn: đó không chỉ là đền tạ nữa mà còn là đón nhận phúc lành. Theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô:“Thánh Tâm Chúa Giêsu diễn tả tột đỉnh tình yêu và lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa đối với con người. Nó là suối nguồn ơn cứu độ cho thế giới. Chúng ta hãy học biết sống khiêm nhường và thương xót đối với tha nhân”(Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 09/06/2013).

          Như vậy, phải nói sao? Vậy cứ phạm tội cứ xúc phạm đến Chúa không cần ăn năn, sám hối mà cứ chạy đến với Lòng Thương Xót thì được Người tha thứ sao? Thưa không, Thiên Chúa vẫn cần nơi con người sự trở về với lòng thống hối để đền tạ Thánh Tâm Người. Cho nên, chúng ta hãy năng đến với Thánh Tâm Chúa để kêu cầu để than van lòng thương xót của Chúa cho tội lỗi mình. Và mỗi lần nhìn lên Thánh Tâm Chúa Giêsu như là chúng ta nhìn lên Nhà Tạm nơi mà Đấng Yêu Thương đang hiện diện và đón chờ chúng ta từng giây phút. Vì vậy, khi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể chúng ta hãy trở nên ngôi Nhà Tạm của Chúa, một nơi “Đền” cho Chúa ngự trị.

          Ngoài ra, chúng ta được mời gọi sống linh đạo Thánh Tâm trong đời sống của mình theo gương Chúa Giêsu: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng” (Mt 12, 28).

          Như vậy, Thánh Tâm Chúa Giêsu không đơn thuần chỉ là tấm hình Chúa Giêsu với Trái tim đang rực lửa và vòng gai quấn quanh nhưng còn là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Vì thế, chúng ta hãy sống tình con thảo với Thiên Chúa bằng việc cảm tạ, biết ơn và tận hiến đời mình cho Nước Chúa và Trái tim Người (HC 40).                                                                         

Người viết: M. Martino Như Hoa, FMSR.

Check Also

NIỀM VUI HỘI NGỘ

 NIỀM VUI HỘI NGỘ Trong tâm tình nhớ về nguồn cội quý chị trong 4 …