Sự Tưởng Nhớ

 Sự tưởng nhớ gợi lên trong mỗi chúng ta nhớ tới những người đã qua đời là: Ông bà, cha mẹ, thân nhân, ân nhân… hay anh chị em sống cùng niềm tin đã ra đi trước chúng ta. Sự tưởng nhớ như là nền tảng siêu hình gợi lên, nhắc nhớ cho mỗi chúng ta bày tỏ ra “lòng biết ơn”và “lòng hiếu thảo” đối với các ngài.

Có lẽ, lâu nay chúng ta thường nghĩ rằng: “lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời” là lễ của người chết và chỉ dành cho người chết mà thôi. Thế nhưng, đó không chỉ là lễ của người chết, chỉ tưởng nhớ những người đã qua đời, mà còn là lễ của người sống, những người đang bước vào ánh sáng của Chúa. Vì khi chúng ta dâng những việc lành phúc đức cầu nguyện cho những người đã khuất, cũng là dịp để mỗi người chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình, dịp bày tỏ lòng mình và ý thức hơn về thân phận chóng qua của con người.

Chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình:

Niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời: Nếu không tin vào sự sống mai sau thì chẳng ai cầu nguyện cho các linh hồn làm gì và cũng chẳng có lễ cầu hồn. Nếu không tin thì hoá ra mọi lời cầu nguyện và nghĩa cử ta làm cho người chết đều trở nên vô nghĩa. Chúng ta xem nghĩa cử rất tốt đẹp và cao quý của ông Giu-đa, ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây quả là một ý nghĩa đạo đức và thánh thiện. Đó là lý do, ông xin dâng hy lễ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi( 2Mcb 12, 45).

Niềm tin vào mầu nhiệm các thánh thông công: “các thánh thông công” có 2 nghĩa: “hiệp thông trong các thực tại thánh (santa)” và “hiệp thông giữa những người thánh (santi)”. Đức Kitô đã nối kết chúng ta bằng mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Qua đó, chúng ta được trở thành những chi thể trong cùng một duy nhất, mà Chúa Kitô là Đầu. “Tất cả chúng ta là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28b). Thập giá và sự Phục sinh của Chúa Kitô đã nối kết người còn sống và người đã chết một cách nhiệm mầu. Giáo Hội lữ hành nơi trần thế và Giáo Hội đang thanh luyện nơi luyện ngục, cũng như Giáo Hội vinh thắng trên thiên quốc có thể chuyển thông các công phúc cho nhau.

Tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót: Có thể nói luyện ngục là nơi mà lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện rõ nét nhất. Thiên Chúa đã ban cho con người đặc ân được cộng tác vào công nghiệp của Đức Kitô để cứu độ mình và cứu độ anh chị em mình, dẫu mình tội lỗi bất xứng.

Chúng ta trực tiếp bày tỏ lòng mình về:

Lòng hiếu thảo: Người Kitô hữu chúng ta không phải là người bất hiếu vong ân như một thời đã bị người ta hiểu lầm. Mà trái lại, chúng ta luôn là những người sống hiếu thảo theo điều  Chúa dạy: “hãy thờ kính Cha mẹ” ( Mt 15,4). Chúng ta không chỉ sống hiếu thảo đối với những người đang sống, mà điều này còn được biểu lộ ngay cả đối với những người đã qua đời. Đặc biệt, Giáo hội dành trọn một tháng để tỏ lòng hiếu thảo đối với những người thân thương đã qua đời. Bên cạnh đó chúng ta còn tưởng nhớ đến họ trong các ngày lễ giỗ, ngày cầu hồn, ngày Mồng hai Tết…

Lòng biết ơn: Biết ơn các ngài vì nhờ có các ngài mà ta được hiện hữu trên đời, được thừa hưởng gia tài cao quý là niềm tin vào Thiên Chúa. Biết ơn các ngài vì nhờ các ngài mà chúng ta có được giáo xứ thân yêu này. Và lòng biết ơn đó cũng là lẽ thường của đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Lòng bác ái: Bác ái Kitô giáo không chỉ được thể hiện đối với những người còn sống mà cả đối với những người đã qua đời. Đức bác ái thúc đẩy ta cầu nguyện và dâng những việc lành phúc đức cho tất cả các linh hồn bên kia thế giới. Lời cầu nguyện có thể rút bớt thời gian thanh luyện của các ngài nơi luyện ngục. Hãy dùng lời cầu nguyện và sự hy sinh để bày tỏ tình bác ái yêu thương đối với các ngài; bởi chúng ta là anh em, là con cùng một Cha trên trời.

Lòng thương nhớ: Chúng ta trực tiếp tỏ lòng thương nhớ người quá cố, nhất là đối với cha mẹ, anh chị em thân thương…; đồng thời, ao ước cho họ được yên nghỉ muôn đời trong ơn nghĩa Chúa.

Chúng ta ý thức hơn về thân phận chóng qua của kiếp người ở đời này.  Quả thực, đời người chóng qua “tựa đoá hoa mới nở đã tàn, con người qua mau, khác nào bóng câu qua cửa sổ” (G 14,2). Nhờ đó, giúp chúng ta biết tìm sống cho những thực tại thiêng liêng mà Chúa đã và đang mời gọi mỗi người. Đừng chỉ chạy theo những danh lợi của đời này mà quên đi việc chăm lo cho sự sống của linh hồn mình thật đáng quý và đáng thương biết bao.

Như vậy, khi dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho những người đã khuất,  chúng ta đang sống theo Lời Chúa, đó là cách thế để chúng ta tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời, vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công và vào lòng từ bi thương xót của Thiên aChúa. Đồng thời, sự tưởng nhớ giúp chúng ta trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn, lòng thảo hiếu và lòng bác ái đối với các ngài. Ngoài ra, sự tưởng nhớ còn giúp ta sống ý thức hơn về thân phận chóng qua của kiếp người để biết ra công tìm kiếm chân lý của Chúa. Qua đó, chúng ta có thể thấy được rằng, lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời không chỉ là lễ của người chết, chỉ tưởng nhớ người đã khuất, mà còn là lễ của người sống, những người đang trên đường bước vào ánh sáng vinh quang của Chúa.

                                                                                                Tác giả: Thầm Lặng, FMSR

Check Also

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa        Chắp cánh yêu …