“Kiếp phù-sinh, tháng ngày vắn-vỏi,
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.”
(Tv. 103, 15-16)
Thời gian thường tạo cho ta một cảm xúc cùng với những cung bậc của nó. Tháng 11 thường để lại cho tôi một điều gì đó rất khác lạ. Có lẽ nó cảm giác này thường cụ thể hơn đối với những ai đã từng tiễn biệt một người thân yêu nào đó ra khỏi cõi đời này. Dù khi người ấy ra đi, ta chưa ý thức đủ về cái trống vắng lạ lùng của nó. Nhưng cho tới một lúc một khoảng vắng nào đó của con tim không tìm thấy một mảnh ghép phủ kín nổi…khi đó ta mới hiểu thấu được cái ngăn cách của sự vĩnh biệt lớn đến chừng nào.
Thời gian tôi thấy mặt bố thật ngắn so với khoảng thời gian tôi lớn lên. Tới bây giờ, khuôn mặt, hình ảnh về ông trong tôi hầu như không còn rõ nét. Tôi không thể nhớ nổi khuôn mặt của bố thế nào… Cho tới giờ tôi mới hiểu, sự ngăn cách của cõi sống và âm ty thật đáng sợ. Nó không chỉ vĩnh viễn lấy đi sự hiện hữu của người đó trong thời gian và không gian, nhưng nó còn dần xóa nhòa đi quá khứ của ta về người đó. Người ta thường nói, “sống kể ngày chết kể năm” là vậy. Tuy nhiên, Đức Tin dạy cho tôi hiểu, sự ngăn cách tưởng như vô tận ấy lại có một lối đi mới mẻ và tràn đầy hy vọng… Đó là lời cầu nguyện!
Thật vậy, sự ra đi của bố đã trở thành bài học dạy tôi bắt đầu ý thức về lời cầu nguyện!
Rất nhiều bài học tôi đã được “học” dù muốn hay không. Hầu như có những bài học tôi không muốn tiếp thu, nhưng sức nén của cuộc đời buộc tôi phải học thuộc nó! Rằng đã sống trên đời, tôi cần có một chỗ đứng phù hợp với địa vị, ơn gọi của mình. Đã sống, tôi phải đối diện với cả những hơn thua tranh chấp, những ghì chéo, gánh nặng, tương quan,… Và rất nhiều điều vẫn hàng ngày theo bám tôi, khi tôi còn hiện hữu trên hành trình lữ khách. Nhưng cái chết dạy cho tôi thấy, những nghịch lý lại chính là “cứu cánh” cho tôi!
Nhìn nấm mồ bố im lìm, với nụ cười nhẹ trên bia mộ. Khuôn mặt chút lạnh lùng nghiêm nghị, tôi thấy như ông vẫn đang dạy tôi những bài học tiếp theo trên con đường tôi đang đi. Tôi nghĩ, nếu bố còn sống, chưa chắc bố đã cho con đi tu! Nhưng giờ…con đi tu rồi còn đâu! Rồi mỉm cười với tấm hình trên bia mộ. Tôi biết ông đang nhìn tôi. Cái nhìn ánh lên tình yêu vừa xa cách vừa gần gũi… Tôi thấy ông đang nói với tôi rằng trong cuộc đời, không có gì là vĩnh cửu, trừ một mình Thiên Chúa!
Bố đã dạy cho tôi hiểu rằng, chính những điều con không nhìn thấy bằng đôi mắt của mình, thì đó lại là điều thực sự tồn tại: Tình yêu của bậc sinh thành, niềm hy vọng, nỗi nhớ, sự hiện diện, và thậm chí là…cái chết! Những gì con người nỗ lực tìm kiếm, lại là những thứ đang kéo ghì, làm con mờ nhạt đi những bài học giá trị lớn lao: hơn thua, ghen ghét, danh vọng, của cải,… Bởi khi nằm xuống, con sẽ thấy bia đá lạnh lẽo thế nào…nếu con sống thiếu tình yêu!
Cảm ơn sự ra đi của bố đã dạy cho con những bài học thật quý giá!
Những bài học mà chỉ người nằm xuống nấm mồ mới có thể nói hết về nó. Những bài học con chỉ có thể ngẫm khi tiễn biệt một người thân yêu. Khi thực sự hiểu rằng, cầu nguyện chính là sự nối kết duy nhất có thể níu giữ sự hiện diện và kí ức về người đó, ta sẽ không bao giờ buông bỏ cầu nguyện! Đó là bài học tuyệt vời mà ta không thể tìm học được nơi ghế nhà trường, hay nơi thao trường của kiếp phù sinh…
Nếu bạn cũng giống tôi, đã từng tiễn biệt một người thật thân yêu bước ra khỏi sự hiện hữu thể lý, xin đừng để họ bị cách ngăn với chúng ta bởi sự lãng quên… Và nếu như bạn chưa trải nghiệm một cái đau quặn của một sự ra đi vĩnh viễn nào đó đụng chạm tới trái tim mình, thì xin hãy trân trọng những gì hiện tại bạn còn đang có!
Và xin đừng lãng quên các linh hồn nơi luyện ngục đang chờ đợi lời cầu nguyện của chúng ta! Nếu không vì sự thân quen, thì cũng chính vì Tình yêu và Đức Tin!
Cát Trắng, FMSR.