TÔNG ĐỒ HÒA BÌNH
“Dạ, con đây, xin hãy sai” (Is 6, 8) là chủ đề sứ điệp Đức thánh Cha Phanxicô gửi đến toàn thể thế giới trong ngày khánh nhật truyền giáo 2020. Lời mời gọi tha thiết của Chúa “Ta sẽ sai ai đây?”, lời mời gọi xuất phát từ con tim của Thiên Chúa, lời mời gọi chất vấn Giáo hội, chất vấn mỗi người. Tiên tri Isaia lắng nghe tâm tư cùng những thao thức của Chúa và mau mắn đáp lại tiếng gọi yêu thương với một tâm thức sẵn sàng. “Dạ, con đây, xin hãy sai con đi”. Đó là lời mời gọi ráo riết của Chúa và lời đáp trả của mỗi người chúng ta trong thế giới của thế kỷ 21. Giữa một thế giới đang báo động, báo động về bạo động tràn lan khắp nơi gây ra nhiều xung đột và căng thẳng. Một thế giới đang chết dần chết mòn bởi bàn tay con người, thiên tai, bão lụt và dịch bệnh tràn lan khắp nơi. Một thế giới đang báo động, cần có những tâm hồn của người tông đồ mang bình an và sức sống mới.
Bài tin Mừng hôm nay chúng ta nhận thấy có sự khác biệt tâm thức con người. “Những người pharisêu và thông luật đi bàn bạc với nhau để tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (c.15). Chính họ đã báo động cho chúng ta nhận biết cả một thế hệ đầu não mang thái độ nghi kỵ, xung đột, bất đồng và chia rẽ. Trong mọi dịp, những người Pharisêu và thông luật thay nhau tìm cách gài bẫy Đức Giêsu. Tại sao họ làm thế? Vì họ sống mà luôn thoi thóp sợ mất chức mất quyền.
Theo luật, những người Do thái từ 14 tuổi trở lên và đến 64 tuổi đều phải nộp thuế thân, một thứ thuế người Do thái coi là dấu hiệu của sự thần phục bỉ ổi mà dân tộc họ phải bầy tỏ với chính quyền Rôma. Họ rất ghét phải làm việc này nên họ xin ý kiến Người “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”, một câu hỏi sắc như dao. Đức Giêsu thấu hiểu ác ý của họ. Chúa đã mở cho họ một cái nhìn mới. Đến phút cuối chính họ phải “ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi”(c.22). Họ ngạc nhiên về ác ý của mình bị Đức Giêsu biết, họ ngạc nhiên khi chính họ đã sai và tự rút lui. Vì thế, có thể nói họ luôn là những chuyên viên đem bất hòa cho thế giới.
Thánh sử Mathêu viết: “Những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau”, lời này cho ta nhận thấy, tâm hồn của họ luôn bất an, suy nghĩ chỉ làm sao để loại trừ và giết hại người khác, tâm không bình an thì không có được bầu khí vui tươi. Nếu trong tâm hồn không vui tươi thì sống trong lo âu, dễ sinh ra chỉ trích, phá rối và chia rẽ. Vì vậy, nội tâm chúng ta phải tràn đầy tâm tình hòa giải và bình an. Chỉ như thế mới có thể là nhà truyền giáo đem hòa bình đến cho thế giới. Nếu như một nhà truyền giáo mà mang trong mình tâm thức “dìm hàng” người khác để mình được tuyên dương như những Pharisêu thì Giáo hội sẽ đi đến đâu?
Hơn thế nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng nói: “Chúng ta cần những nhà truyền giáo đích thực, chứ không cần những người thợ”. Nhà truyền giáo chứ không phải là người làm công ăn lương, một người quảng đại cho đi chứ không phải là người đi thu góp về cho mình. Nhìn nơi Đức Giêsu, Người không chỉ trích hay trả thù những kinh sư và thông luật, Người cho họ con đường sống mới, mang tâm thức mới. Đó là hình ảnh nhà truyền giáo đích thực, là người mang tình yêu trong sáng, tinh ròng và phục vụ vô vị lợi.
Giêrônimô Nguyễn, Fmsr.
Cha Gioan Lee Tae Suk và các trẻ em tại Sudan