Tu Viện Mân Côi Kiên Lao

Thành lập: Năm 1946

Bổn mạng: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (08/12)

Địa chỉ: Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định, Việt Nam

Phụ trách: Nữ tu M. Gioan Thánh Giá Nguyễn Thị Phương 

Kiên Lao là một giáo xứ đông dân nhất Giáo phận Bùi Chu, với 9.426 tín hữu với tỷ lệ người Công giáo chiếm khoảng 70%. Mật độ dân cư đông đúc, nhà ở, xưởng cơ khí mọc lên san sát. Khi tới Kiên Lao, chúng ta có cảm tưởng như đến một thành phố công nghiệp với trên 100 nghề khác nhau: cơ khí, làm miến, bánh đa nem, bún, quạt giấy, bao bì nilon, đúc chuông, đúc đồng, mạ đồng, mạ vàng, kèn đồng, inox… Đúng như tục ngữ Việt Nam có câu “đất lành, chim đậu” vì ngay từ những năm đầu đón nhận Tin Mừng thì mảnh đất này đã có sự hiện diện của những người sống đời tu trì. Nơi đây như là một vùng đất tốt mà Thiên Chúa đã chọn cho những người con riêng của Ngài để họ sống ơn gọi thánh hiến cách tốt nhất trong sự quan phòng đầy nhiệm mầu và yêu thương của Ngài từ ngàn xưa.

Năm 1946, Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn lập Dòng Chị Em Con Mân Côi Bùi Chu với mục đích cải tổ các Nhà Phước trong Giáo phận. Tất cả chị em thuộc Nhà Phước Đa Minh tại Kiên Lao xin gia nhập Dòng này, do đó, cơ sở vật chất Nhà Phước Kiên Lao (1) thuộc về Dòng Mân Côi với tên gọi “Tu viện Mân Côi Kiên Lao”

Hình chụp năm 1990

Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của thời cuộc cũng như sự phát triển của xã hội, Tu viện Mân Côi Kiên Lao vẫn hiên ngang đứng vững, duy trì và phát triển thành một cộng đoàn lớn mạnh về mọi mặt như ngày nay. Chị em hợp nhất trong đời sống cầu nguyện, xây dựng Tu viện và phục vụ Giáo Hội địa phương trong các lãnh vực giáo dục, từ thiện, xã hội và mục vụ giáo xứ.

Với người dân nơi đây, do công việc ổn định, đa số không phải đi làm xa tại các thành phố lớn nên đặc trưng văn hóa, tập quán của họ ít bị ảnh hưởng bởi những nền văn hóa khác. Dẫu vậy, vấn đề giáo dục cho thế hệ trẻ tại địa phương rất cần được lưu tâm cách đặc biệt để họ có thể hòa mình vào sự biến chuyển không ngừng của xã hội. Ý thức được điều này, một trong những ưu tiên của chị em nơi đây là đẩy mạnh phát triển chương trình giáo dục mầm non. Chị em mong ước được thành lập tại “vùng đất tốt” này một ngôi trường mầm non tư thục, do chính các chị em quản lý. Đây chắc chắn sẽ là cơ hội thuận lợi giúp các chị em thi hành cách hữu hiệu công cuộc “đào tạo con người”, sứ mạng “dạy chữ để dạy người” như Đức Cha Tổ Phụ đã nói: “Nhờ tay thày đào luyện mà trẻ con sẽ nên một người giáo hữu nhiệt tâm, nên một đứa con trung hiếu, nên một học trò thành thân, nên một người dân thuần hậu, nên một người thợ giỏi giang” (2).

Hàng ngày, chị em luôn ý thức thể hiện tư cách của người thày như lời khuyên của Đức Cha: “Tư cách người làm thày phải có lòng đạo đức nên gương sáng cho học trò, lại còn phải có đức nết na, hiền lành, vui vẻ, hay chịu khó, hay nhịn nhục và siêng năng ân cần” (3). Hiện tại, nhà trẻ Tu viện gồm có 100 bé với 5 chị em đang trực tiếp chăm sóc và giảng dạy. Tuy nhiên, cộng đoàn vẫn còn hạn chế về cơ sở vật chất, nhất là sự thiếu thốn về mặt nhân sự cho công cuộc đào tạo những mầm non tương lai của Giáo Hội và xã hội.

Bên cạnh đó, chị em Mân Côi còn dấn thân cách nhiệt thành trong công việc bác ái, từ thiện qua việc khám chữa bệnh, tại phòng thuốc nhỏ trong khuôn viên của Tu viện, với các loại thuốc Đông và Tây y thông thường, dù việc mở phòng thuốc và khám chữa bệnh vẫn còn nhiều giới hạn về khả năng chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoài ra, chị em còn nhiệt thành gắn bó với giáo xứ sở tại trong công việc tông đồ truyền giáo và trong mọi sinh hoạt đức tin: đưa Mình Thánh Chúa cho người bệnh nặng, thăm viếng người đau yếu bệnh tật, cầu nguyện và tiễn người đã qua đời, dạy hát, đánh đàn, cắm hoa, văn nghệ, dạy giáo lý hôn nhân, đồng hành với lớp tìm hiểu ơn gọi… Điều kiện kinh tế và trình độ dân trí phát triển đã mở ra cho chị em những cơ hội và môi trường phục vụ thuận lợi rộng lớn khi thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình, nhưng bên cạnh đó cũng đem lại cho chị em những thách đố mới: Làm sao truyền đạt những giá trị cốt yếu của Tin Mừng cho những con người nơi mình đang hiện diện và phục vụ? Chị em phải làm gì để trở thành men, thành muối và ánh sáng cho đời? Trước những thánh đố này, chị em luôn ý thức được đời sống gương sáng, nếp sống tu trì thánh thiện, thanh thoát là một mục đích cao cả mà chị em cần vươn tới, nhất là trong vai trò trở nên chứng nhân sống động của Đức Kitô giữa lòng xã hội.

Khi điểm lại những cột mốc lịch sử đáng ghi nhớ của Tu viện, chị em nhận thấy chặng đường đã qua là một hành trình của ân sủng và tình thương. Chị em khắc ghi và sống tâm tình biết ơn đối với Đấng sinh thành và các bậc tiền bối, các bà, các dì, các chị em đã để lại bao tấm gương nhân đức và một gia sản phong phú giúp cho hậu sinh tự tin tiến bước. Nhờ đó, mỗi chị em biết mình phải tiếp bước như thế nào trong tương lai để xứng đáng phận con cháu – người Nữ tu Mân Côi. Vẫn biết rằng, mọi thành công đều do bởi quyền năng của Chúa chứ không do con người, nhưng Chúa vẫn dùng con người, dù cho con người có yếu đuối và bất lực để tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài.

Đôi dòng phác họa về Tu viện Mân Côi Kiên Lao bé nhỏ, ước mong đây sẽ là cơ hội quý giá giúp mỗi thành viên trong cộng đoàn, cách riêng các chị em trong Hội Dòng thấy rõ hơn sức sống, sức lan tỏa của Vườn Hồng Mân Côi. Tất cả gia sản tinh thần và vật chất của Tu viện hôm nay là do công khó của các chị cựu phụ trách, các bà, các chị em đã hết mình vun xới cho Tu viện mỗi ngày thêm thăng tiến. Khi dừng lại để soi mình vào quá khứ, chị em có dịp nhìn lại chính mình để can đảm xóa đi những vết nhăn, tìm ra và định hướng bước đường phục vụ của Tu viện trong tương lai, đồng thời cũng biết tích cực đóng góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc loan báo Tin Mừng tại “vùng đất tốt” này.

Kỷ yếu 

Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu

70 Năm Thành Lập (1946-2016)

* Nguyên văn bài viết trong Kỷ yếu dùng từ “Cộng đoàn”.

Ban biên tập xin đổi từ “Cộng đoàn” thành “Tu viện” vì đây là tên gọi chính thức hiện nay.

…………………………….

(1) – Đức Cha Lambert de la Motte đã lập nhà mụ trước tiên ở Kiên Lao, tỉnh Nam Định, cùng đặt tên là nhà “Chị Em Mến Câu Rút” (x. Sử Ký Địa Phận Trung, 1916, trang 15). Và cũng chính Đức Cha Lambert de la Motte đã ban sắc lập Dòng Mến Thánh Giá, trao cho một hiến pháp do ngài soạn thảo và chủ sự lễ khấn của hai Nữ tu Việt Nam đầu tiên. “Ít ngày sau, nhằm Lễ Tro (19- 02-1970) Đức cha Lambert de la Motte ban sắc thiết lập Dòng Mến Thánh Giá, trao cho một hiến pháp do chính tay người soạn ở Juthia và chủ sự lễ khấn của hai Nữ tu Việt Nam đầu tiên, chị Anê và chị Paula, tại họ Bắc Câu, xứ Kiên Lao” (Dòng Đa Minh Trên Đất Việt, tập I, trang 35). Theo Sử Ký Địa Phận Trung, 1916, trang 167 thì trong họ nhà xứ Kiên Lao có một Nhà Phước Đa Minh, số chị em trong nhà ấy được 24 người. Năm 1946, Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn lập Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu nhằm mục đích cải tổ các Nhà Phước trong Giáo phận thì tất cả chị em thuộc Nhà Phước Đa Minh Kiên Lao xin gia nhập Dòng Mân Côi. Do đó, cơ sở vật chất Nhà Phước Kiên Lao thuộc về Dòng Mân Côi Bùi Chu với tên gọi Cộng đoàn Mân Côi Kiên Lao (x. Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn – Giám mục Bùi Chu, trang 41–44).

(2) –  DÒNG CHỊ EM CON ĐỨC MẸ MÂN CÔI CHÍ HÒA, Gia sản II, Lưu hành nội bộ, 2008, tr. 121.

(3)  – Idem, Gia sản I, Lưu hành nội bộ, 2003, tr. 532.

Check Also

Hosanna! Hosanna! Hosanna!…

Hosanna! Hosanna! Hosanna!… Trong tiếng đám đông hô vang từng đợt từng đợt tung hô …