Tình yêu là như thế đấy..

Theo Thánh Kinh, đôi hôn phối đầu tiên trong lịch sử loài người là hôn phối giữa chàng rể Adong và cô dâu Evà. Thiên Chúa đã tác hợp họ nên một. Họ yêu thương nhau, kết hợp với nhau rồi sinh con cái. Và sau này, con cái cũng theo gương cha mẹ mà cưới vợ gả chồng như chúng ta thấy ngày nay.

Tình yêu là nền tảng của hôn nhân, là điều kiện thiết yếu không có không được. Vậy tình yêu là gì? Có phải chỉ là cảm xúc trào dâng? Có phải là cái rung động, cái loạn nhịp của con tim hay cái khát khao của thân xác?

Trong hôn nhân, người ta hướng đến nhau và cùng chia sẻ tình yêu và hạnh phúc cho nhau. Nét đặc thù nhất của tình yêu là sự dâng hiến. Lãnh tụ Gandhi của Ấn Độ đã nói: “Tình yêu bao giờ cũng hiến tặng, không bao giờ đòi đền đáp. Tình yêu luôn luôn giầy vò, khắc khoải nhưng không bao giờ phản kháng và trả thù”.

Vậy, phải chăng yêu và hy sinh là một? Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux đã nói: “Yêu và hy sinh là một. Không hy sinh thì chưa gọi là yêu”. Còn Mẹ Têrêxa Calcutta thì nói thế này: “Nếu muốn thử tình yêu thì hãy bỏ tình yêu vào ép, nếu ép ra chất hy sinh đó là tình yêu chân chính”. Mà hy sinh chính là đón nhận những thương tích để trở nên chứng tích của tình yêu.

Bởi vậy, “Yêu là hạnh phúc của chính mình trong hạnh phúc của kẻ khác” (Leibnitz). Và nói theo nhà văn hào Nga, ông Leon Tolstoi thì “Yêu sâu sắc – điều đó có nghĩa là quên bản thân mình”. Yêu là nhìn hạnh phúc của người mình yêu chứ không phải nhìn người yêu mà hạnh phúc.

Trong hôn nhân, sống là chết cho người mình yêu như Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Yêu là hy sinh. Hy sinh để chấp nhận sự khác biệt của nhau. Có muôn vàn những cái khác nhau giữa hai vợ chồng.

Cái đẹp của sự hoà điệu không phải là đồng điệu mà là kết hợp những tương khắc (variance) để tìm ra sự tương thích (compability) độc đáo nhất. Quá trình “hội nhập” giữa hai cá thể khác biệt nhau sẽ giúp cho hôn nhân càng ngày càng thắm thiết, sâu đậm hơn.

Các bạn đã kết hôn, tôi chắc rằng các bạn đã kinh nghiệm được phần nào đời sống hôn nhân. Các bạn có thấy sự khác biệt trước và sau khi cưới? Tôi khẳng định các bạn đã thấy điều đó. Giờ tôi mời gọi các bạn hãy thinh lặng ít phút nhớ về cái ngày ấy, ngày bạn và người ấy bắt đầu thương nhau, những kỷ niệm, những lần hẹn hò, cả những khi hờn dỗi… Giờ thì tôi nói cho các bạn điều này:  Nhiều nhà tâm lý chia hôn nhân thành ba thời kỳ: trước, liền sau và lâu sau khi kết hôn để nói về tình yêu vợ chồng,với những hình ảnh ví von bay bướm nhưng rất thực tế.

– Với những người có tinh thần ăn uống, trước khi cưới thì nhìn nhau mà no, liền sau khi cưới thì nhìn nhau mà ngáp, còn lâu sau khi cưới thì thỉnh thoảng nồi niêu xoong chảo lại bay ra ngoài sân.

– Với những người vốn mang dòng máu ga lăng, trước khi cưới thì chiếc dù lệch hẳn về phía nàng và chàng sẵn sàng chịu ướt, liền sau khi cưới thì chiếc dù nằm ở chính giữa và mỗi người chịu ướt một nửa, còn lâu sau khi cưới thì chiếc dù lệch hẳn về phía chàng và nàng đành cam chịu ướt.

Qua những câu ví von như vậy, chúng ta thấy tình yêu giảm sút đi theo từng thời kỳ. Nhưng có phải tình yêu lúc nào cũng giảm sút như thế chăng? Nếu các bạn thấy điều ví von này là thực thì chúng ta cùng tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Trong tông huấn “Niềm vui của tình yêu” ĐGH  Phanxicô viết thế này: “Hôn nhân là một qúa trình dài, trong đó mỗi người phải gạt đi những ảo tưởng để đón nhận bạn đời của mình như họ là, cùng nhau nên hoàn thiện hơn mỗi ngày. Hành trình đòi sự kiên nhẫn, hiểu biết, hy sinh và quảng đại. Hành trình đó giúp đôi bạn đào sâu và làm phong phú hơn quyết định của họ khi bước vào đời sống hôn nhân”. (số 233).

Qua các văn kiện chuẩn bị và các bản tường trình hai khóa họp của Thượng hội đồng, có thể nhận thấy thực trạng hôn nhân và gia đình trong thế giới hôm nay có những ánh sáng và bóng tối. Nhiều người vẫn cảm nhận được hạnh phúc trong tình yêu gia đình và sống ơn gọi hôn nhân kitô hữu cách sung mãn, ngay cả khi cuộc sống của họ gặp muôn vàn thử thách đau thương. Tuy nhiên, một số khá đông sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn với những thử thách rất lớn và đôi khi dày đặc: có những thách đố về lòng trung thành trong hôn nhân, thái độ dửng dưng, chủ nghĩa cá nhân, trục trặc trong các tương quan gia đình, thất bại trong cuộc kết hôn lần thứ nhất làm xuất hiện những quan hệ mới. Thật là đau buồn khi cha mẹ không có con cái hoặc con cái tật nguyền hay không được giáo dục toàn diện… Những khó khăn này đã làm cho các đôi vợ chồng “trên đường đi đã trở nên bất nhẫn” có nhiều người đã chiều theo chước cám dỗ nguy hiểm của chán trường, bất trung, yếu dại, trút bỏ…Nhưng Thiên Chúa là Cha đã cho Chúa Giêsu đến để đồng hành cùng các bạn, để cùng các bạn bước tiếp con đường. Một con đương không phải lúc nào cũng bằng phẳng, trơn tru, không xảy ra bất đồng. Nó là cuộc hành trình gay go, có những lúc khó khăn và có những khi bấn loạn, nhưng cuộc sống là như thế đó.

Trong một buổi giảng lễ cưới Đức giáo hoàng Phanxicô cũng nói: Vợ chồng cãi cọ là chuyện bình thường: nó là chuyện thường. Nó bao giờ cũng xảy ra. Nhưng tôi khuyên là đừng bao giờ để ngày sống kết thúc mà không làm hòa với nhau trước đã. Đừng bao giờ nhé. Chỉ cần một cử chỉ nho nhỏ là đủ. Nhờ đó mới có thể tiếp tục cuộc hành trình. Hôn nhân là một biểu hiện của cuộc sống thực sự chứ không phải “lý thuyết”. Nó là Bí tích yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo hội, một tình yêu được chứng tỏ và đảm bảo nơi Thánh giá. Sẽ có những Thánh giá đau khổ nhưng Chúa luôn luôn hiện diện ở đó để giúp chúng ta tiến tới.

Ngoài ra, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu đã viết: “Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Khi người này thuộc về người kia, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Kitô với Hội thánh Ngài, qua dấu chỉ bí tích” (Familiaris consortio, số 13).

Tôi có một người rất thân lần kia giận với vợ mình rồi bỏ ra ngoài ở. Đêm 30 người ấy cũng không về, mặc cho vợ và các con gọi bao nhiêu cuộc điện thoại. Thế là giao thừa năm ấy cả gia đình đều rất buồn. Điều đau lòng hơn là đến giao thừa năm sau người ấy đã được Chúa gọi về. Tôi nghĩ rằng nếu người ấy biết năm đó là năm cuối cùng mình được đón giao thừa với vợ con thì chắc người ấy sẽ về. Và nếu vợ và các con biết rằng kể từ đây mình sẽ vĩnh viễn không được đón giao thừa cùng người ấy nữa, thì bất chấp thế nào họ cũng đi đón người ấy về. Thế nhưng không ai biết được chữ ngờ để rồi giờ đây là ray rứt và hối tiếc..

Tôi lại cũng có một người em. Em tôi có người yêu và hai đứa đã chuẩn bị các thủ tục kết hôn, đã định ngày, đã chụp ảnh cưới, đã chuẩn bị hết cho ngày cưới. Một tuần trước khi cưới xảy ra một sự hiểu lầm và đám cưới bị hủy bỏ. Cả hai đau khổ…

Tôi chia sẻ với các bạn những trường hợp trên để nói với các bạn rằng: Trong đời sống, nhất là đời sống hôn nhân chúng ta cần phải hiểu và tin tưởng nhau. Nếu không thấu hiểu lòng nhau thì sao ta có thể sống với nhau được. Một khi đã hiểu lòng nhau thì hãy đón nhận nhau như “người ấy là”. Các bạn sống cùng nhau, theo thời gian các bạn sẽ hiểu nhau hơn, các bạn sẽ biết được nhiều sở trường cũng như sở đoản của nhau. Và trong hôn nhân, các bạn cần đặt mình vào vị trí của đối phương thì mới mong có được những hành động chính xác. Một điều nữa đó là nếu ta đã hiểu nhau rồi thì cũng đừng vờ như không hiểu, vì đôi khi cơ hội để ta thể hiện tình cảm chỉ có một lần.

Con người chúng ta dễ thay đổi và sa ngã vì thế trong đời sống hôn nhân chúng ta phải cậy dựa vào sức mạnh của Bí tích Hôn phối, nghĩa là niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Chính Chúa đã tác thành cho hạnh phúc của hai bạn, chính Ngài đã phán: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly”( Mt19,16). Hãy chạy lại và dâng gia đình mình lên cho Ngài. Tôi tin chắc rằng Ngài có thể uốn những đường cong gồ ghề, chênh vênh của đời sống gia đình các bạn thành những đường thẳng đáng trân quý.

Tác giả bài viết: Hoa cát

Check Also

NIỀM VUI HỘI NGỘ

 NIỀM VUI HỘI NGỘ Trong tâm tình nhớ về nguồn cội quý chị trong 4 …