Sốt và biến chứng sốt cao co giật ở trẻ em

 

Sốt được coi là một phản ứng bảo vệ của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Cơ thể được gọi là sốt khi nhiệt độ cặp nách là >37,2 độ C. Như vậy, sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể, nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy lo lắng khi bị sốt, nhất là với trẻ em. Bởi vì sốt là báo hiệu cơ thể đang bị nhiễm bệnh, đây chính là lý do mà hầu hết cha mẹ trẻ đều rất lo lắng khi trẻ bị sốt.

Sốt được chia làm 3 độ: sốt nhẹ là khi nhiệt độ < 38 độ C, sốt vừa là từ 38 độ C đến < 39 độ C, còn sốt cao là khi nhiệt độ ≥ 39 độ C. Với trẻ em nhiệt độ tăng cao rất nhanh có khi lên ≥ 40 độ C.

Sốt không được coi là một bệnh mà chỉ là một triệu chứng gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau. Sốt được gọi là kéo dài khi thời gian sốt trên 15 ngày. Các bệnh lý đó có thể chỉ khư trú ở một cơ quan như viêm họng cấp, viêm tai giữa…nhưng cũng có khi là bệnh lý của toàn thân như bệnh bệnh hệ thống (bệnh lupus ban đỏ hệ thống…), bệnh lý suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV)…Nguyên nhân gây ra sốt có thể là virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng…Trên một bệnh nhân thường hiếm khi chỉ có triệu chứng sốt đơn độc mà thường kết hợp các triệu chứng khác, đồng thời nếu có thể với các kết quả xét nghiệm để định hướng căn nguyên gây ra bệnh.

Trẻ thường phản ứng nhanh với các tác nhân gây bệnh do vậy sốt ở trẻ em thường là sốt cao nhưng khả năng hồi phục của trẻ cũng rất nhanh. Trẻ sốt thường kèm mệt mỏi, chán ăn, thở nhanh, quấy khóc, ít vận động nên càng giữ nhiệt. Các phản ứng này nhanh chóng mất đi khi trẻ được dùng thuốc hạ sốt và chườm mát. Có nhiều loại thuốc hạ sốt nhưng được dùng phổ biến ngày nay như efferalgan (acetaminophen), ibuprofen. Thuốc có thể được dùng theo đường uống hoặc đặt hậu môn với liều lượng theo chỉ định của thầy thuốc.

Việc sử dụng thuốc hạ sốt là một việc làm cần thiết vì nó góp phần tránh được nguy cơ co giật do sốt cao gây ra. Co giật do sốt cao là một biến chứng hay gặp, khi trẻ bị co giật sẽ gây mất ý thức, bị thiếu oxy não, nếu cơn giật kéo dài có thể gây biến chứng lâu dài đặc biệt với trẻ có bệnh động kinh tiềm ẩn. Tuy vậy, sốt cao co giật ở trẻ em thường lành tính ít để lại di chứng. Do vậy sau khi cho trẻ dùng thuốc hạ sốt bố mẹ trẻ cần theo dõi các đáp ứng của cơ thể với thuốc, nếu cháu không thể hạ nhiệt thì cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế cấp cứu, khám bệnh, tìm ra căn nguyên để điều trị bệnh kịp thời.

Bác sỹ Bùi Thu Phương

Check Also

DẪN VÀO BUỔI DÂNG HOA ĐỒNG TIẾN

DẪN VÀO BUỔI DÂNG HOA ĐỒNG TIẾN Tháng Năm thường được biết đến là thời …