Bỏ mình để theo Chúa Giêsu

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Mt (10, 37- 42)

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Đoạn văn này có thuần nhất không? Các câu 37-39 có đề cập cùng một vấn đề như cc. 40-42 không?

2. Trong 6 câu này, có mấy câu quy chiếu về Chúa Giêsu? Đâu là hậu quả cho việc khổ chế Kitô giáo?

3. Phải chăng tình yêu đối với cha mẹ là chướng ngại vật giữa Thiên Chúa với tôi? Thiên Chúa không phải là chính tình yêu sao: tình yêu có thể đối nghịch với tình yêu à?

Các câu 37-39 gợi lên một vài nhận xét tổng quát như sau:

1. Trong lúc mấy đoạn văn trước của Diễn từ này minh nhiên quy hướng về việc làm chứng tá truyền giáo “trước mặt người đời” (c. 33), thì các câu đây, cũng như mấy câu 34-35, lại chú trọng tới việc đòi hỏi mọi người phải theo Chúa Giêsu cho đến chết, mà không ám chỉ gì về ý nghĩa truyền giáo của đức vâng phục đó; nơi câu 39, sự chú ý lại hoàn toàn tập trung về ý tưởng cứu rỗi cá nhân; thành thử ta có quyền thắc mắc không biết tác giả Tin Mừng đã đặt đúng ở đây ba lời nói đó (cc. 37, 38, 39) hay không!

2. Cảm tưởng này càng tăng thêm qua sự kiện các câu 38 và 39 lại được lặp lại ở 16, 24-25; nếu như vậy thì ta đang đứng trước cùng một hiện tượng như trong các đoạn văn trước là: Mt đưa vào trong phần huấn thị cho các sứ đồ những lời Chúa Giê-su có lẽ đã nói cho môn đồ cách chung và ngay cả đám đông nữa; quả thế, câu song song vòi Mt 16, 24-25 trong Mc 8, 34-35 cho ta thấy Chúa  Giêsu ngỏ lời với đám đông cùng các môn đồ Người”.

3. Tuy nhiên sự kiện này không phải chỉ là một lắt léo có tính cách văn chương; vì cái nối kết cách sâu xa hai nhóm huấn dụ của Chúa Giêsu (10, 37-39 và 16, 24-25), là trong cả hai trường hợp, Người đều đòi hỏi một sự gắn bó công khai. Người không đếm xỉa đến mọi cuộc tận hiến riêng tư vốn chỉ là một cuộc đào sâu âm thầm, kín đáo. Về vấn đề này, thành ngữ “vác khổ giá mình”, có ở cả hai câu, thật là đầy ý nghĩa như ta sẽ thấy sau đây. Vì thế Mt có thể ghi lại các lời đó của Chúa Giêsu ở chương 10 cũng như chương 16. Chẳng có việc gắn bó nào với Chúa Kitô mà không phải là một cuộc mạo hiểm công khai đầy bất trắc; nhưng cũng chẳng có việc công khai “dấn thân” sống các mệnh lệnh của Người mà không đồng thời là hành vi thâm sâu nhất, riêng tư nhất (mất mạng sống). Thành ra, vào cuối bài huấn dụ dài dòng về việc tông đồ truyền giáo này, ta đứng trước cái chủ đề chính yếu vốn chi phối bài huấn dụ từ đầu này đến đầu kia: đó là không có gì che giấu mà có thể bị giấu che mãi, nghĩa là cuộc sống “nội tâm” nhất (của cá nhân cũng như tập thể) sẽ trở thành công khai nhất và nguy hiểm nhất vậy.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Kẻ yêu Cha mẹ hơn ta”: Ở đây Chúa Giêsu tỏ ra ghen tương theo nghĩa ghen tương của Gioan trong Cựu ước (Đnl 29, 20 ; 32,16 ; Ge 2 ; 18 ; Dcr 1, 14 . ..); Người không chấp nhận bất cứ tình yêu nào cạnh tranh với tình yêu mà người ta phải có đối với Người. Tuy nhiên hãy ghi nhận các điểm này:

1. Động từ yêu ở đây chẳng phải là động từ agapan (x 5, 43 ; 19, 19 ; 22, 37tt) thường được dùng trong các Tin Mừng để chỉ tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, song là động từ philein, họa hiếm trong Mt, và thường được hiểu theo nghĩa : gắn bó với, có cảm tình với, thích thú điều này điều nọ (6, 5 ; 23, 6 ; 26, 48 theo nghĩa cái hôn của Giuđa) ; thành thử lời ấy tố cáo nhưng gắn bó có tính cách tự nhiên và gia đình, dĩ nhiên là chính đáng, nhưng có thể trở thành chướng ngại vật việc phụng sự Chúa Kitô.

2. Nghĩa của câu này và nhất là văn mạch trực tiếp và tổng quát cho thấy nó không đặt đối nghịch hai thứ tình cảm nội tâm, nhưng hai thái độ cụ thể: kẻ nào sắp theo Chúa Giêsu mà còn ràng buộc với gia đình thì chẳng xứng đáng với Người vậy.

Về câu 37, hãy lưu ý: Chúa Giêsu là kẻ đầu tiên đem nó ra thực hành. Không phải Người ít quan tâm đến lòng yêu thương chính đáng đối với cha mẹ bà con đâu: trước sự tráo trở của Biệt phái dám tuyên bố là “của cúng” những vật đáng ra phải được cấp dưỡng cho cha mẹ già yếu, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ nhắc lại giới luật: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ ” (Mc 7, 11tt) Nhưng đối với Người, tình yêu này phải lệ thuộc thánh ý Chúa Cha trên trời. Người đã làm gương về điều đó khi ở lại Đền thờ dịp hành hương Giêrusalem lần thứ nhất: “Cha mẹ không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao?” (Lc 2, 49). Và về sau Người gọi là cha là mẹ những kẻ tụ họp quanh Người và “những ai làm theo ý Thiên Chúa” (Mc 3, 33-35).

Trong câu 37 này, thánh ý Thiên Chúa được biểu hiệu một cách cụ thể qua con người Chúa Giêsu, hiện thân hoàn toàn của thánh ý đó. Đến nỗi kẻ nào chẳng nhìn nhận sự tối thượng của Người thì không thể thành môn đồ Người được. Vì sao có sự khắt khe đó, sự khắt khe mà tự nhiên ta khó chấp nhận? Lý do duy nhất có thể đưa ra là vì Người là Thiên Chúa, là Ngôi vị thần linh. Đứng trước ngôi vị này, tất cả mọi giá trị và mọi ngôi vị khác đều phải lu mờ đi.

“Không xứng với Ta “: Tất cả các đoạn văn của Mt có dùng hạn từ “xứng đáng” đều cho thấy đây không phải là một sự xứng đáng nội tại có trước khi được Chúa Kitô kêu gọi, cũng chẳng phải là sự xứng đáng sở đắc được nhờ một khai tâm đạo lý nào đó kiểu tôn giáo Hy lạp, nhưng là sự xứng đáng mà ngày nay ta có thể gọi là hiện sinh: kẻ nào không muốn cắt đứt liên hệ thân thiết nhất (nếu cần) để theo Chúa Giêsu, thì ra bất xứng hay đúng hơn, tự làm cho mình nên bất xứng với Người.

“Kẻ không vác lấy khổ giá mình”: Trong truyền thống Nhất lãm, ít nhất đã có 5 lần Chúa Giêsu tuyên bố câu đó: Ý nghĩa nguyên thủy của thành ngữ “vác khổ giá mình” không được minh xác mấy. Tuy nhiên tư tưởng chủ yếu vẫn như sau: Theo Chúa Kitô là theo Người trên một con đường đau khổ mãnh liệt và công khai. Do đó phải tiên liệu và chấp nhận sự chống đối dữ dội và hầu như chính thức mà mình phải chịu vì là môn đồ Chúa Kitô.

“Kẻ cố tìm sự sống mình thì sẽ mất; còn kẻ đánh mất sự sống mìmh vì Ta thì sẽ gặp lại: Người môn đồ chẳng được từ bỏ sự sống vì cho rằng sự sống không có giá trị, vì thích phấn đấu hoặc vì bị cáo chết ám ảnh một cách bệnh hoạn. Không được bỏ sự sống với một thái độ khinh bỉ kiêu căng như các triết gia kiêu kỳ hay các bài ca ái quốc chủ trương. Câu Chúa Giê-su nói nghịch hoàn toàn. Phải mất sự sống đi để được nó. Và ngược lại, kẻ đã gặp” nó, đang chiếm hữu nó bây giờ, đang gắn bó vào nó và xem sự sống mình ở đời này như là sự sống đích thực, thì sẽ mất nó cho mà xem. Điều này không môn luận lý, không khoa luân lý nào của thế gian có thể giúp quán triệt cả. Vì đây là một kinh nghiệm hiện sinh đã bắt đầu trong cuộc sống bình thường mỗi ngày và có thể kết thúc cách cao cả trong hy tế tử đạo: Lời này của Chúa Giêsu không phải là một hình thức tu từ hay biện chứng pháp thuần lý, nhưng là một biện chứng pháp hiện sinh. Chân lý của nó chỉ có thể nhận thức được và sống trong niềm tin. Bảo chứng duy nhất của chân lý này là Thiên Chúa. Và thế là đã đủ.

“Kẻ tiếp đón các con là tiếp đón Ta “: Nguyên tắc “người được sai đi ngang hàng với kẻ sai đi ” rất quen thuộc với Do thái giáo. Ngày nay vẫn vậy, vai trò ngoại giao của các đại sứ sứ thần… cũng dựa trên nguyên tắc đó. Động từ “đón tiếp” phải được hiểu vừa theo nghĩa rất cụ thể là hiếu khách, nghĩa đã có từ đầu chương, vừa theo nghĩa “tùng phục ” Lời mà sứ đồ đem đến.

“Kẻ tiếp đón một ngôn sứ… tiếp đón người công chính”: Nghĩa của câu này không mấy rõ. Một vài nhà chú giải (Schniowind, Bonnard, Légasse…) hiểu các chữ “ngôn sứ” và “công chính” như là tiếng đồng cách hay đồng nghĩa với chữ “sứ đồ”. Thật vậy trong Tân ước người ta luôn nói đến các “ngôn sứ” theo nghĩa là những kẻ có ơn đoàn sủng của Giáo Hội sơ khai và một cách nào đó kế vị các ngôn sứ Cựu ước (Cv 11, 27tt ; 13, 1 ; 21, 10tt ; 1Tx 5, 20 ; 1Cr 14, 1- 5. 32. 37). Nếu thế thì nghĩa của câu này có lẽ như sau: Ai tiếp đón sứ đồ, tức là ngôn sứ người công chính, với lòng kính trọng phải dành cho một ngôn sứ và người công chính, thì… Nhưng nhiều nhà chú giải khác (Trilling, E.Meyer, O.Michel v.v…) lại nghĩ “ngôn sứ” và “công chính” là hai chức vụ hay hai loại người khác với các sứ đồ trong Giáo Hội sơ khai.

Cả hai cách giải thích trên đều gặp khó khăn. Cách giải thích đầu không ăn khớp với văn mạch. Quả thế, trong c. 40, Chúa Giêsu trực tiếp nói với các sứ đồ (“chúng con”) ; vì vậy không thấy làm sao câu sau lại tiếp tục nói về họ ở ngôi thứ ba (trong lúc họ đang có mặt) và lần này gọi họ là các “ngôn sứ” và người “công chính”. Hơn nữa, các sách Tân ước luôn phân biệt kỹ lưỡng “sứ đồ” và “ngôn sứ”; không lẽ ở đây lại lẫn lộn cả hai cách chú giải thứ nhì ăn khớp với văn mạch vì, như đã nói ở trên, các “ngôn sứ”, trong Giáo Hội sơ khai, được biết như là một nhóm người xác định khác với nhóm sứ đồ. Nhưng vẫn còn một khó khăn: nếu người “công chính” của đoạn này là một nhóm đặc biệt trong Giáo Hội sơ khai, sao lại không thấy các sách Tân ước đề cập chỗ nào nữa cả. Có lẽ chữ “công chính” không chỉ nhột chức vụ hay tác vụ như đã có trong các cộng đoàn của Phaolô, nhưng là một tình trạng, phát xuất từ lối sống gương nẫu của một số Kitô hữu, và do đó đã khiến họ được một địa vị trổi vượt trong cộng đoàn. Có lẽ đây là dấu vết lối tổ chức cổ xưa của cộng đoàn sơ khai.

“Một trong những kẻ bé mọn này”: Nhóm thứ ba đây gồm các môn đồ tầm thường của Chúa Giêsu, những kẻ không có trách vụ gì trong cộng đoàn Kitô hữu. Tư tưởng của câu này rất táo bạo và cao quý. Ai chỉ mang tư cách môn đồ thôi cũng đã đáng kính trọng vì đó và đáng được đặt ngang hàng với mọi môn đồ. Vâng, các kẻ “bé mọn”, vốn không là gì khác ngoài “môn đồ”, không làm gì khác ngoài việc “tin ” (18, 6) cũng đáng được kính nể và yêu thương đặc biệt. Vì họ dễ bị loại ra một bên, dễ bị “người lớn” đối xử một cách ngạo mạn. Lời khuyến dụ của Chúa Giêsu (như trong 18, 6-14) nhằm đề phòng các điều đó vậy.

“Phần thưởng của ngôn sứ… của người công chính”: Khó mà diễn tả cách cụ thể điều thành ngữ này muốn nói. Có lẽ phải quy chiếu về ý tưởng chủ yếu của các câu trước, tức là người được sai đi ngang hàng với kẻ sai đi. Trong trường hợp đó có thể hiểu như sau: kẻ tiếp đón một ngôn sứ sẽ nên giống hay ngang hàng với ngôn sứ và như thế sẽ lĩnh cùng phần thưởng như vị này. Đối với người công chính cũng vậy. Việc đặc biệt tôn trọng người “bé mọn” được biểu lộ qua sự kiện là hành động nhỏ nhặt nhất làm cho họ sẽ không uổng công vô ích.

KẾT LUẬN

Diễn từ về sứ vụ môn đồ chấm dứt ở điểm này: chung quy lại cũng chỉ nói về “môn đồ Chúa Giêsu”, nghĩa là Ki-tô hữu thông thường, kẻ được sai đi và liên kết với sứ mệnh của Thầy mình. Ngay cả người Kitô hữu khiêm hèn nhất, tức là kẻ “bé mọn”, cũng có thể gán cho mình những điều đã nói trước. Họ thấy phẩm giá cao quý của mình được xác nhận cách rõ ràng trong câu cuối cùng của Diễn từ Chúa Giêsu.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Theo Chúa Giêsu chẳng phải là bỏ yêu thương cha mẹ con cái mình. Ngược lại thì có. Vì kẻ thật sự theo Người sẽ được một sự tự do mới, sự tự do chân chính để yêu thương cha mẹ và tất cả mọi người một cách đích thực. Nhưng thứ tình yêu này là một tình yêu mới, siêu nhiên (chứ không phải là phản tự nhiên), có khả năng yêu kẻ khác vì Thiên Chúa, trong Thiên Chúa với chính tình yêu của Ngài. Nhưng trước đó, môn đồ phải dứt khoát quyết định theo Chúa Kitô.

2. Trong đời sống mỗi người, có một ngưỡng cửa giúp kiểm chứng cách rõ ràng việc họ phó thác cho Thiên Chúa và từ bỏ chính mình có thật sự và thực tâm hay không. Đó là cái chết. Kẻ nào dám liều mất sự sống đời này một cách ý thức, thì có thể nói: quyết định của họ là triệt để và đích thực. “Vác khổ giá của mình” là cho thấy mình sẵn sàng chết đi. Môn đồ chỉ xứng đáng theo Thầy khi sẵn sàng đánh mất sự sống, khi chấp nhận điều đó một cách sâu xa và với tất cả con người.

3. Lúc một người anh em trong Chúa Giêsu Kitô hay một linh mục vào nhà ta, ta không chỉ đón tiếp họ theo phép lịch sự tự nhiên, thường tình, nhưng trong đức tin, như tiếp đón chính Chúa Giêsu vậy.

4. Ta phải lưu lâm đến hết mọi người và phục vụ họ ngay cả trong những chuyện tầm thường nhất, như mời một ly nước lã. Vì bất cứ một sự lưu tâm nào đối với kẻ “bé mọn” nhất cũng là một sự lưu tâm đối với Chúa. Khi mở rộng lòng mình cho tha nhân như thế, ta sẽ “được sự sống” là điều duy nhất có thể làm ta thỏa mãn.

Học viện Giáo hoàng Piô X Đà Lạt

Check Also

WEDNESDAY OF THE 25TH WEEK IN ORDINARY TIME

GOSPEL Lk 9:1-6 Jesus summoned the Twelve and gave them power and authority over all …