TÌM NƠI THANH VẮNG ĐỂ Ở VỚI CHÚA

TÌM NƠI THANH VẮNG ĐỂ Ở VỚI CHÚA

THỨ BẢY TUẦN  VI – TN

(1 V 3, 4-13; Mc 6, 30-34)

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thấy mình có rất nhiều nhu cầu cần thoả mãn: vật chất cũng như tinh thần. Nhiều người trong chúng ta đến với Chúa với một danh sách thật dài của những điều cần xin. Khi Chúa ban cho điều này, chúng ta lại xin điều khác, và cứ như thế chúng ta xin từ điều này đến điều khác. Nhiều khi chúng ta không biết điều gì quan trọng trong cuộc sống để xin. Nếu Chúa ban cho chúng ta một điều, chúng ta sẽ xin gì? Điều đầu tiên khi đến với Chúa để xin Ngài điều gì, chúng ta cần tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta điều chúng ta xin: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho” (1 V 3, 5). Cầu nguyện, nhất là lời cầu nguyện cầu xin, cần sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Trong bài đọc 1 hôm nay, tin tưởng vào Thiên Chúa, Salômôn đã cầu xin Chúa điều mình mong ước: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” (1 V 3, 7-9). Trong lời cầu xin của mình, Salômôn nói đến tình yêu của Thiên Chúa trong việc chọn dân Israel làm dân riêng và đặt mình lên để cai trị dân. Salômôn biết việc cai trị dân không được theo ý mình, vì dân không phải là dân của ông mà là dân riêng của Đức Chúa, nên đã xin được “một tâm hồn lắng nghe,” điều mà Đức Chúa đòi hỏi ở mỗi người Do Thái: “Nghe dây hỡi Israel!” Lắng nghe là một nghệ thuật quan trọng nhất trong mọi mối tương quan: Lắng nghe Chúa và lắng nghe anh chị em mình là chìa khoá giúp chúng ta tìm thấy kho tàng của sự khôn ngoan. Trước khi nói hoặc hành động, hãy luôn lắng nghe Chúa và lắng nghe anh chị em mình, nhất là những người khôn ngoan.

Thiên Chúa hài lòng với điều Salômôn xin nên Ngài không chỉ ban cho Salômôn điều ông xin mà còn ban cho ông nhiều hơn nữa: “…Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3, 11-12). Những lời này cho chúng ta lời bảo đảm rằng Thiên Chúa không chỉ ban điều đẹp lòng Ngài mà chúng ta xin, Ngài còn ban cho chúng ta hơn thế nữa. Điều đáng để cúng ta suy gẫm chính là điều chúng ta xin là gì? Salômôn đã xin “một tâm hồn lắng nghe,” để cai trị dân theo đường lối của Đức Chúa. Nói cách khác, Salômôn xin là cho cuộc sống và lối hành xử của ông phản chiếu tình yêu bao la của Đức Chúa. Về phần mình, chúng ta xin điều gì?

Bài Tin Mừng hôm nay có liên kết rất chặt chẽ với bài Tin Mừng ngày hôm qua. Chính vì vậy, ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay chỉ được hiểu khi chúng ta đặt nó vào trong cấu trúc: Sai đi – làm chứng – trở về kể lại với Chúa Giêsu những gì họ đã làm và dạy. Có bốn điểm chúng ta cần tập trung suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay vì đây là điều chúng ta dễ dàng quên trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Thứ nhất là “các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy” (Mc 6, 31). Sau một ngày làm việc vất vả, chúng ta thường làm gì? Các môn đệ tụ họp chung quanh Chúa Giêsu để kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm và đã dạy. Điều này không có gì sai. Tuy nhiên, khi làm như vậy, các môn đệ quên mất một khía cạnh quan trọng của người môn đệ, đó là, khía cạnh “ở với Chúa Giêsu”: “Ở với Chúa Giêsu là khía cạnh nền tảng và quyết định căn tính và sứ mạng của người môn đệ của Chúa Giêsu. Những môn đệ không ở với Chúa Giêsu sẽ không biết mình được sai đi làm gì. Họ chỉ làm những việc họ thích hơn là làm những việc họ được sai đi để làm. Thật vậy, chúng ta thường đánh giá người môn đệ dựa trên việc làm hơn là trên việc ở lại với Chúa. Thánh Máccô nói cho chúng ta điều này khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3, 14-15). Hãy “là môn đệ” của Chúa Giêsu” trước khi “làm tông đồ” của Ngài!

Thứ hai là việc Chúa Giêsu bảo các ông “hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng” (Mc 6, 32). Trong điểm thứ nhất chúng ta thấy rằng, các môn đệ trở về và kể với Chúa Giêsu những “chiến tích của mình.” Nhưng họ quên một điều là khi họ được sai đi, Chúa Giêsu “ban cho họ quyền trên các thần ô uế” (Mc 6, 7). Như vậy, những gì họ đã làm và dạy không phải do quyền lực hay khả năng của các ông, mà là của Chúa Giêsu. Chính vì vậy, “chiến tích” không thuộc về họ, mà thuộc về Chúa Giêsu. Khi mời gọi các ông tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, Chúa Giêsu muốn các ông trở về lại với con người thật của mình để khám phá ra sự thật là: “Không có Thầy, anh em sẽ không làm được gì” (Ga 15, 5).

Thứ ba là thái độ của Chúa Giêsu như vị Mục Tử cao cả. Tình yêu của vị mục tử không bao giờ yên nghỉ khi còn có “tội nhân” cuối cùng chưa ăn năn trở lại. Dù bận rộn với công việc; dù cho “kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa” (Mc 6, 31). Dù muốn nghỉ ngơi, nhưng khi “ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6, 34). Chúng ta thường phàn nàn rằng chúng ta làm quá nhiều việc đến độ không còn giờ cho chính mình, thì làm sao có giờ dành cho người khác. Nhiều khi chúng ta nỗi giận hoặc không muốn làm gì khi mệt mỏi. Khi nhìn vào gương Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải tự vấn chính mình. Chúng ta thấy Chúa Giêsu không bao giờ mệt mỏi khi làm điều tốt cho người khác, ngay cả khi “chẳng có giờ để ăn uống.” Khi làm việc với niềm vui và con tim của Chúa, chúng ta sẽ không còn để ý đến gánh nặng của công việc mà chỉ còn để ý đến niềm vui và hạnh phúc của những người khác. Đây chính là điều giúp chúng ta không thấy mệt mỏi khi làm việc tốt cho người khác.

Điểm cuối cùng làm chúng ta lưu ý là câu mở đầu và câu kết của Tin Mừng hôm nay. Câu mở đầu nói về việc các môn đệ trở về và tường thuật lại việc họ đã làm và đã dạy và câu kết nói đến việc Chúa Giêsu dạy dỗ họ. Như chúng ta đã biết, đây là lối viết “bánh mì kẹp” của Máccô: Mở đầu và kết thúc cùng một đề tài là “dạy dỗ,” chỉ khác nhau về “người dạy.” Trong câu mở đầu, các môn đệ dạy; còn trong câu kết, Chúa Giêsu dạy. Tuy nhiên, như chúng ta đã trình bày, các môn đệ “dạy với quyền năng của Chúa Giêsu.” Chính vì lý do này, cuối cùng chỉ có một thầy dạy, đó là Chúa Giêsu. Điều này nhắc nhở chúng ta về việc phải luôn có “thái độ của một người học trò” trong mọi công việc của chúng ta, vì qua công việc của chúng ta, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta về thánh ý của Ngài.

Hoa Ven Đường

Check Also

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA

TÂM TÌNH THƠ MỌN BÊN CHA                    …