“Cái sọt và câu chuyện về lòng hiếu thảo” là tiêu đề của một câu chuyện cổ dân gian Trung Quốc dành cho những người làm con hôm nay. Câu chuyện được kể lại rằng:
“Ngày xưa, ở một làng kia có một gia đình nghèo gồm ông bố già, hai vợ chồng trẻ và đứa con nhỏ. Ông bố già yếu cần được chăm sóc nhưng con trai và con dâu bất hiếu chẳng ngó ngàng gì đến nên ông thường bị đói rét. Đứa cháu trai nhỏ thấy vậy thương ông nội lắm, thường lén cha mẹ đem phần cơm của nó cho ông ăn. Ông bố già rất đau khổ về cách cư xử của người con. Ông than phiền, oán trách bao nhiêu thì họ càng khó chịu bấy nhiêu. Cuối cùng, họ bàn nhau sẽ đem ông đến một nơi thật xa rồi bỏ lại đấy. Người chồng nói sẽ mua một cái sọt to bằng tre để bỏ ông cụ vào đó mang đi. Trong lúc bàn mưu tính kế để vứt bỏ cha, họ đâu ngờ rằng, đứa con trai bé bỏng của họ đã nghe tất cả.
Sáng hôm sau, ngay khi người cha đi chợ mua sọt, đứa bé hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, tại sao bố mẹ lại vứt ông đi?
Người mẹ vội vàng trả lời:
– Không, chúng ta nào có vứt ông. Con xem bố và mẹ đều bận việc suốt ngày không có thì giờ để chăm sóc ông. Do đó, chúng ta sẽ đem ông đến một nơi có người chăm sóc ông tử tế và ông sẽ được vui hơn.
Đứa bé lại hỏi:
– Nơi ấy ở đâu, mẹ cho con biết để con đến thăm ông mỗi khi con nhớ?
Người mẹ lắc đầu:
– Ồ, nơi ấy xa lắm, con không thể biết được đâu.
Chiều xuống, người chồng đem sọt về. Không muốn cho hàng xóm biết chuyện, họ đợi đến tối mới bắt đầu thực hiện.
Vừa lúc thấy cha mang ông nội ra khỏi nhà, đứa con trai nhỏ bèn lên tiếng:
– Bố ơi! Khi nào xong việc bố nhớ đem cái sọt về đây nhé!
Bố nó nghe nói dừng lại hỏi:
– Để làm gì hả con?
Đứa bé ngây thơ trả lời:
– Nhà ta còn cần đến cái sọt ấy mà, vì khi bố già con sẽ đựng bố vào cái sọt ấy mang vứt đi chứ. Nghe đứa bé nói, anh chồng bối rối, chân loạng choạng không sao cất bước nổi. Anh ta thấy hối hận, đem bố già vào nhà, và từ đấy chăm sóc bố rất chu đáo”.
Bạn thân mến!
Mỗi con người được sinh ra trên cõi đời là một điều hết sức kỳ diệu giữa tình yêu của người cha cũng như của người mẹ, để sản sinh mầm sống mới cho đời. Mầm sống này từng ngày lớn lên qua sự bao bọc của ông bà, cha mẹ trên suốt hành trình dài, từ khi còn trong bào thai, khi là một đứa trẻ cho đến khi lớn lên và trưởng thành. Tình thương ấy vẫn luôn dõi theo những người con trên từng góc nhỏ của cuộc sống cho dẫu sự thành đạt của con cái được đánh đổi bằng những giọt mồ hôi, những hy sinh vất vả thậm chí được thay đổi bằng cả tuổi thọ của mẹ cha thì ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục luôn là cột mốc khắc ghi những công lao to lớn, những tình cảm cao đẹp mà chúng ta nhận được từ nơi cha mẹ, ông bà. Câu chuyện mà chúng ta vừa đọc trên đây phần nào nói lên thực trạng của con cái trong các gia đình thời nay. Có khi chỉ vì những cái lợi trước mắt mà quên đi tình gia đình. Có khi chỉ vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm. Có khi chỉ vì chút sĩ diện mà chối từ tình máu mủ… Đồng thời câu chuyện cũng là lời nhắc nhở cho con cái trong gia đình biết sống sao cho tròn chữ hiếu.
Đạo hiếu đã đi sâu vào truyền thống của dân tộc Việt Nam và là một trong những nét văn hóa dân ca Việt: “Ơn Cha nặng lắm ai ơi, nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”. Hiếu ở đây có nghĩa là đức hạnh của một người biết thờ kính, chăm sóc mẹ cha. Khi còn bé phải biết tuân theo lời dạy bảo của cha mẹ, khi cha mẹ còn sinh tiền thì phải chăm sóc, phụng dưỡng cho trọn đạo làm con, đến khi cha mẹ mãn phần thì phải để tang và cầu nguyện cho cha mẹ. Người Việt Nam cũng tin rằng: “Có đức mặc sức hái mà ăn”. Tất cả những gì tốt đẹp làm cho cha mẹ như là báu vật cất giữ trong kho tàng. Khi chúng ta gặp khó khăn thì những điều tốt lành chúng ta làm khi xưa sẽ mang lại may mắn, bình an cho ta sau này.
Đạo hiếu càng phải mang tầm vóc rộng hơn, cao hơn và sâu hơn nữa với những người có niềm tin. Là những người được thừa hưởng đức tin Kitô giáo, thiết nghĩ rằng khi chúng ta được hiện diện trên thế gian, chúng ta không chỉ được sinh ra trong gia đình theo nghĩa thể lý, mà sâu xa hơn nữa chúng ta được tháp nhập vào sự sống của Đức Kitô, được sinh ra trong gia đình của Giáo Hội nhờ bí tích Thánh Tẩy, được trở thành cộng sự viên của Đức Kitô trong chức vụ tư tế và ngôn sứ của Người. Thông qua ân huệ mà Chúa đã dành riêng cho mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi sống trọn vẹn và làm sung mãn những điều răn và huấn giới Chúa truyền. Mến Chúa và yêu người là điều răn cốt lõi và nền tảng của Đạo Công Giáo. Việc yêu người thể hiện rõ ràng hơn bởi lòng thảo kính tổ tiên, sống bác ái với những người xung quanh bằng chính đời sống, gương sáng và việc lành của mình hàng ngày. Chính vì vậy Giáo hội là người mẹ hiền thật khôn ngoan và thánh thiện đã dành riêng tháng 11 để cho chúng ta thể hiện tấm lòng hiếu kính với tổ tiên của mình. Vậy chúng ta phải làm gì để chu toàn bổn phận của người làm con?
Trải dài từng trang Kinh Thánh đã có nhiều tác giả nói về lòng hiếu thảo : “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi, để được sống lâu và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi.” (x. Xh 20,12; Đnl 5,16). Hay trong sách Huấn ca: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm” (Hc 3,2). Soi chiếu cuộc đời của mỗi người chúng ta vào những trang Kinh Thánh để từ đó đưa ra cho bản thân nhãn quan cũng như những bài học về lòng hiếu thảo. Đồng thời cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải có những việc làm cụ thể trong cuộc sống để tỏ lòng biết ơn với các bậc sinh thành đã ra đi trước chúng ta bằng việc năng tham dự thánh lễ, xin lễ, đọc kinh cầu nguyện và làm những việc bái ái hy sinh cầu nguyện cho các ngài sớm được hưởng tôn nhan Chúa. Đối với ông bà cha mẹ đang còn hiện hữu với chúng ta, chúng ta phải biết tôn trọng, vâng phục, quan tâm, chăm sóc các ngài lúc còn khỏe cũng như khi đau yếu, bệnh tật. Chỉ như vậy lòng hiếu thảo Kitô giáo mới được lan rộng và trổ sinh những hoa trái thiêng liêng.
Như vậy, lòng hiếu thảo chính là thước đo giá trị đạo đức của mỗi con người. Thiên Chúa sẽ chúc phúc và ban thưởng cho những ai tuân hành thánh ý Ngài. Tuy nhiên, theo dòng thời gian lòng hiếu thảo đang dần trở nên mờ nhạt đi bản chất cốt lõi của nó. Mỗi dịp tháng 11 về hay mỗi dịp chúng ta viếng thăm nghĩa trang là một dịp đánh thức cho những người con về thân phận bụi đất của mình: “Cát bụi trở về cùng cát bụi”. Đồng thời, cũng là cơ hội để con cháu thể hiện trách nhiệm và sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Nếu chúng ta không biết kính trọng, yêu thương và phụng dưỡng cha mẹ thì dù bản thân có tài giỏi, có thành đạt đến đâu, chúng ta cũng chỉ là những con người bất tài và vô dụng. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy ghi khắc công đức sinh thành, dưỡng dục và kính nhớ các ngài khi các ngài đã khuất bóng. Ước mong nén hương lòng trong tháng 11 sẽ cháy mãi và bừng sáng lên trong tâm hồn những người con hiền, cháu thảo như một lời tri ân đáp trả công ơn của các bậc tiền nhân đã sinh thành và dưỡng dục ta.
BTT.