PHẦN CON, HÃY THEO TA!

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta về câu chuyện của người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến.

Câu chuyện bắt đầu với một vài chi tiết về người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến: “ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” (Ga 21, 20). Như chúng ta đã nói ở trên, những lời này nói lên mối tương quan đặc biệt giữa Chúa Giêsu và người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến. Tựa mình vào ngực Chúa Giêsu, để nghe được tiếng lòng của Ngài, để cảm nghiệm được tình yêu của Ngài, để biết được những ước muốn của Ngài cho người môn đệ. Tựa vào ngực Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ nhận ra tình yêu bao la của Thiên Chúa và sự đáp trả nửa vời của chúng ta được thể hiện qua việc “nộp Ngài”. Hình ảnh gần gũi thân thương của mối tương quan giữa Chúa Giêsu và người môn đệ là lời mời gọi chúng ta nhìn lại mối tương quan của mình với Chúa Giêsu. Chúng ta có tựa vào ngực của Chúa Giêsu để nghe tiếng thổn thức, để nghe tiếng lòng, để cảm nếm tình yêu bao la của Ngài dành cho chúng ta không?

Mối tương quan đặc biệt giữa Chúa Giêsu và người môn đệ đã làm cho Phêrô đặt câu hỏi về “số phận” của anh ta. Sau khi nhận lấy vai trò của mình là một mục tử và người tử đạo, Thánh nhân hỏi Chúa Giêsu về người môn đệ được Ngài thương mến: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?’ Đức Giêsu đáp: ‘Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy’” (Ga 21, 21-22). Trong câu hỏi của Phêrô, chúng ta thấy có một sự “so sánh” hay có thể nói là “cạnh tranh”. Đây là điều đang xảy ra trong cộng đoàn Thánh Gioan liên quan đến “người lãnh đạo”. Vấn đề này cũng vẫn còn xảy ra trong ngày hôm nay giữa các môn đệ của Chúa Giêsu. Các môn đệ vẫn còn so sánh hay cạnh tranh về vai trò của mình trong cộng đoàn. Hệ quả là có nhiều sự ghen tỵ và chia rẽ trong đời sống phục vụ, liên đới trong tình yêu. Câu trả lời của Chúa Giêsu nhắc lại cho Phêrô và mỗi người chúng ta về mục đích chính của đời mình, đó là “theo Chúa Giêsu”, chứ không “so sánh và ganh tỵ” với người khác. Khi mỗi người chúng ta tập trung vào việc theo Chúa, trở nên giống Chúa mỗi ngày, thì đời sống cộng đoàn sẽ êm ấm, hiệp nhất, tràn đầy yêu thương và tiếng cười.

Những lời của Chúa Giêsu vẫn bị hiểu lầm: “Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: ‘Anh ấy sẽ không chết,’ mà chỉ nói: ‘Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?’” (Ga 21, 23). Bài Tin Mừng kết thúc với lời chứng của người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến về Chúa Giêsu và về mục đích của Tin Mừng: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21, 24-25). Những lời này nhắc nhở chúng ta, những đọc giả của Tin Mừng, rằng chúng ta mắc nợ người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến về sự thật mà Chúa Giêsu đã trao trong Tin Mừng (x. Ga 19, 35). Tác giả của những lời này khẳng định rằng lời chứng của người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến là thật. Chi tiết này làm chúng ta xét lại đời sống chứng tá của mình, nhất là lời nói của chúng ta có thật không?

Lạy Chúa Ciê-su, Chúa truyền cho chúng con giới răn mới là yêu mến, Chúa đặt các vị mục tử cũng dựa trên lòng yêu mến. Xin cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa và mến thương nhau. Amen

Hoa Ven Đường

Check Also

Cáo Phó Bà Cố Maria Nguyễn Thị Nhu(Cố Dì Tâm Dòng Mân Côi Bùi Chu)

Cáo Phó Bà Cố Maria Nguyễn Thị Nhu (Cố Dì Tâm Dòng Mân Côi Bùi …