Kết thúc ba năm học thần học, ai trong chúng tôi cũng lo lắng không biết sứ vụ mới của mình như thế nào? Sẽ đi đâu, ở đâu, và làm gì? Nỗi lắng lo ở đây không dừng lại ở sức nặng của công việc, của mục vụ, nhưng trên hết là đời sống cộng đoàn, là sống với chị em chân thành, cảm thông. Vì tinh thần có thoải mái, có sự đoàn kết, có cảm thông, thì mọi khó khăn, vất vả dù có nặng sẽ trở nên nhẹ nhàng. Đó là sự lo lắng tự nhiên, đứng trước một sứ vụ mới là một thách đố mới, có thể là cơ hội mới hay là một sự giải thoát khỏi nơi cũ. Nhiều người sẽ vui mừng vì sứ vụ mới, cũng không ít người đầm đìa nước mắt vì sứ vụ vừa được nhận.
Ơn gọi là một mầu nhiệm tình yêu, để sống mầu nhiệm này là cả một hành trình và một thách đố. Sứ vụ hệ tại biểu lộ tình yêu cứu độ của Chúa cho nhân loại, bằng cách họa lại đời sống của Người qua lối sống của mình. Người thánh hiến thi hành sứ vụ là thể hiện tình yêu, đáp trả tình yêu của mình với Chúa và Hội dòng. Thật vậy, sứ vụ vui hay buồn tùy thuộc vào cách nhìn nhận, nếu như đúng với khả năng, hợp với sở trường của mình, thì sứ vụ trở nên nhẹ nhàng, và ngược lại. Vâng theo ý Chúa qua bề trên, để đến những nơi mình không muốn đến, để ở với người mà mình không muốn ở, để làm những việc trái với ý mình. Luôn có những nghịch lý bên cạnh, tại sao lại tìm những cái ngược dòng đời cho mình. Thưa, đó mới là cái giá trị của đời thánh hiến, noi gương Đức Kitô sống mầu nhiệm tự hủy tận căn, là chết đi cho ý riêng, để đời thánh hiến của ta sẽ nở hoa trong Chúa, đúng như thánh Phanxico Salesio nói “Chúa trồng con ở đâu con nở hoa ở đó”. Với ý con người vác thánh giá là một nỗi ô nhục, đau khổ, nhưng Đức Giêsu vẫn mang lấy vào thân thể mình. Để nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô người thánh hiến sẽ mang những nghịch lý trên cuộc đời mình. Đó là một bất thường và ngược đời, cái mà ai cũng muốn tránh nhưng người tu sĩ thì gánh nó trên vai. Để làm được điều này, không gì khác hơn là nhờ ơn Chúa, nhờ sức mạnh của Chúa, thì chúng ta biến sứ vụ với những thách đố thành cơ hội để nên thánh mỗi ngày, sứ vụ sẽ là vui mừng và hy vọng cho mỗi người.
Nhìn vào thực tế, làm điều bản thân ưa thích kết quả sẽ tốt đẹp và bình an, ai cũng mong muốn điều đó, nhưng đôi khi còn phụ thuộc vào nhu cầu cần người đó vào một môi trường khác. Đón nhận sứ vụ không vừa ý mình, tự nhiên nó trở nên một gánh nặng, đau khổ, có thể làm vơi đi lòng nhiệt huyết và cản trở sứ vụ Tông đồ, dễ dàng đưa đến một cuộc sống nghèo nàn, một sự ơ hờ trễ nải. Nếu như rên rỉ, ủ rũ than thân trách phận sứ vụ tự nhiên đáng buồn, cuộc sống tẻ nhạt. Nếu đón nhận sứ vụ trong vui mừng và hy vọng nó sẽ nở hoa, nụ cười sẽ luôn trên môi miệng, sẽ biến những u buồn thành hoan lạc, biến cái không thích thành cái vừa ý, biến sứ vụ thành hồng ân.
Đón nhận sứ vụ mới có nghĩa là đến một môi trường văn hóa mới, cốt nõi là tháp nhập và đồng chia sẻ với những con người đang hiện diện trong môi trường đó. Là những người cộng tác trực tiếp với ta trong sứ vụ. Trong cộng đoàn đều có những tính cách, ứng xử, cung cách làm việc khác nhau, để tìm những người hợp “gu” vào một nơi không là điều dễ, để hợp nhất trong cái riêng là một thách đố cần vượt qua, như thế ta mới biến cái sứ vụ không vừa ý thành niềm vui và hy vọng. Nếu như không hội nhập được trở nên một thứ đối đầu dẫn đến căng thẳng, chia rẽ, nghi ngờ giữa chị em trong cộng đoàn.
Ngoài ra, đón nhận sứ vụ mới cũng là lúc ta nhìn lại đời sống của mình, là lúc thay đổi nếp sống, thay đổi suy nghĩ, thay đổi thói quen. Bởi chưng, thay đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh, theo môi trường sống là một bước tiến gần đến hòa thuận, thích nghi với những con người mới và môi trường mới. Như thế, sứ vụ mới sẽ cho ta có cơ hội mới đang mở ra đầy hy vọng cho chúng ta. Cơ hội được đến một vùng đất mới, cơ hội được gặp gỡ những văn hóa mới, những hình thức mục vụ mới, đó cũng là cơ hội để ta có thể được gặp gỡ và mở ra với những con người mới mà chúng ta sẽ gặp gỡ trên con đường sứ vụ.
Thật vậy, với những suy tư này, tôi nghĩ về sứ vụ mình đang thi hành, ban đầu sứ vụ mới với tôi quả là một thách đố. Nhưng qua bề trên Chúa muốn tôi hiện diện nơi đây. Tôi vẫn luôn đặt câu hỏi với Chúa “Tại sao Chúa đặt để con nơi đây? Thánh ý Chúa muốn nơi con là gì?”. Đến ngày tôi lên đường nhận sứ vụ mới, lòng vẫn trĩu nặng, chân không muốn bước, với đức vâng phục tôi bước đi, đi trong tín thác và hy vọng. Dần dà, sống làm việc, tôi cảm nhận cộng đoàn nơi tôi đang thực thi sứ vụ, là một cộng đoàn chị em tràn ngập tiếng cười, cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ nhau trong công việc. Không dám nhận định là một cộng đoàn lý tưởng, không dám khẳng định là không có căng thẳng và hiểu lầm, nhưng những căng thẳng không thấm gì với tiếng nói tiếng cười cùng sự kính trọng nhau của các chị. Mỗi người là một nhân vị mang cá tính khác nhau, đón nhận và hợp tác với nhau để làm lên một sứ vụ nở hoa, một cộng đoàn đầy ắp nụ cười như lòng Chúa mong muốn.
Giêrônimô Nguyễn