Có lần ghé thăm một cha bạn ở Đà lạt, tôi được ngài chở đi thăm lòng vòng thành phố. Vì ngài chỉ có một chiếc mũ bảo hiểm, nên chúng tôi ghé vào một tiệm bán mũ bảo hiểm để mua. Miền Bắc mình gọi là mũ còn Miền Nam thì họ kêu là nón. Có một cô gái trẻ ra tiếp chúng tôi. Tôi chỉ tay về một chiếc mũ và hỏi giá cả thế nào. Cô gái nói bằng giọng miền nam thật ngọt ngào: Dạ thưa chú, cái đó có giá là….. tiếp đến tôi hỏi cô gái có còn đi học không hay nghỉ rồi. Cô gái đó đáp lại: Dạ thưa chú, con năm nay năm cuối đại học. Nghe giọng nói ngọt ngào và những lời thưa gửi dạ vâng, tôi thấy lòng mình vui sướng quá. Giá như cô ấy cứ hét giá cao thì tôi cũng không mặc cả vì một khi người ta vui thì chẳng ai tính toán gì.
Từ câu chuyện trên, tôi suy nghĩ về ngôn ngữ và cách đối nhân xử thế của con người. Cũng sinh ra trên mảnh đất hình chữ S này, nhưng tại sao miền bắc lại khác miền nam thế? Hôm trước đọc một bài báo trên tờ VnExpress, tác giả kể lại câu chuyện đi mua hàng từ sáng sớm. Là người đầu tiên vào cửa hàng đó mua đồ nhưng vì không phù hợp nên thôi, tuy nhiên người bán hàng đã không cáu gắt hay chửi bới mà đáp lại bằng một nụ cười và câu cảm ơn hẹn lần sau. Tác giả đã đặt tựa bài báo đó là nụ cười thịnh vượng. Tác giả có một so sánh cùng câu chuyện tương tự, nếu ở Hà nội có thể sẽ bị người bán hàng mắng cho một trận vì cái tội sáng sớm ra đã không mua, mất hết lộc trong ngày. Tôi nhận thấy ở miền nam, môi trường giáo dục thật tuyệt vời. Đứa trẻ ngay từ bé đi học mẫu giáo về, nhìn thấy ông bà cha mẹ hay người khách lạ thì đều chào bằng một câu dạ thưa ba, má, nội, ngoại, cô, chú… con đi học về. Cái cách xưng hô nghe mới dễ thương làm sao. Các em vì đã có thói quen từ nhỏ nên lớn lên cũng dễ dàng giữ được nề nếp. Cách xưng hô với người trên không phải bằng từ cháu mà luôn là con. Từ “con” nghe thật tuyệt vời. Nó diễn tả một cái gì đó rất gần gũi, rất thân thương.
Mới cách đây vài ngày, tôi nhận được một cú điện thoại của một nhân viên bảo hành cho hãnh Samsung. Cô gái đó người miền nam nên trong điện thoại cô ấy cũng kêu tôi bằng chú và xưng là con. Tôi đoan chắc rằng dù bạn và tôi có là người cứng cỏi thế nào thì khi nghe những cách xưng hô như thế đều cảm thấy vui sướng hân hoan. Còn miền bắc chúng ta thì sao? Nhiều khi gặp chưa chắc các em đã chào hỏi gì. Nói năng thì cộc lốc, không có thưa gửi gì cả. Chưa kể một số vùng miền, các em còn nói tục rất nhiều.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giáo dục con em của chúng ta? Tôi nhận thấy ở đây trước tiên là vai trò của gia đình. Các em luôn sống trong gia đình nên chính cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên. Trẻ em thường có thói quen bắt chước rất nhanh. Người lớn nói gì là các em học theo. Học thực tế nhanh hơn học trong sách vở rất nhiều. Tiếp đến là môi trường học đường. Ngày xưa các trường đều có khẩu hiệu: tiên học lễ, hậu học văn. Nhưng ngày nay, câu nói đó cũng không còn được đề cao nữa. Tất cả chạy theo thành tích nên đôi khi khiến trẻ em luôn quay cuồng. Nhà trường không còn giúp nhiều vào việc giáo dục nhân bản cho các em nữa. Các em đến lớp chỉ để nhồi nhét một lượng kiến thức mà thôi. Sau cùng là môi trường xã hội. Môi trường cũng là do con người tạo nên cả. Khi có những con người ứng xử văn hóa thì sẽ tạo ra một bầu khí thuận lợi cho việc giáo dục. Nó giống như một vòng tròn khép kín vậy.
Các cụ ngày xưa dạy: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Câu nói này thật đơn giản nhưng cũng thật sâu sắc. Trong gia đình, nếu cha mẹ biết dùng những từ ngữ văn hóa xưng hô với nhau, thì sẽ là gương mẫu cho các con học theo. Tới trường, nếu các thầy cô giáo biết uốn nắn cho trẻ em biết thưa gửi đàng hoàng thì sẽ tạo ra một lớp người có văn hóa. Và như thế , xã hội sẽ có những con người tuyệt vời. Mong lắm thay.
Tác giả bài viết: Thế À