Lời Chúa là số một

Trong một lần tham dự Thánh lễ ở giáo xứ, bài giảng lễ Cha xứ có hỏi giáo dân một số câu hỏi trong Kinh Thánh. Cộng đoàn vẫn im lặng, cha xứ gợi ý chữ đầu, thưa thớt một vài tiếng cất lên nhờ sự trợ giúp của các sơ ở dưới. Sau Thánh lễ một em thiếu nhi nói với tôi rằng “Đúng là sơ, Lời Chúa là số một”. Lời của em rất đơn sơ, nhưng để trong tôi những tâm tư và suy nghĩ không nguôi. Bởi, có thật với tôi Lời Chúa có là số một không? Có là trọng tâm đời sống của tôi không? Tôi đã hiệp nhất Lời Chúa với đời sống mình như thế nào?

Còn nhớ, những ngày tháng chập chững bước vào đời tu, vào một buổi tĩnh tâm năm của đoàn đệ tử cha giảng phòng có chia sẻ đúng hơn như muốn nhắn gửi với chúng tôi là “các con hãy xây đời tu mình trên nền tảng Kinh Thánh”. Cùng dịp đó tôi đã bắt gặp câu nói của thánh Giêrônimô ngay trong những trang đầu của cuốn Kinh Thánh trọn bộ: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Phần nào giúp tôi thêm niềm khao khát yêu mến Chúa qua Lời của Ngài. Thật vậy, ban đầu tôi không biết xây dựng đời tu của mình như thế nào, bởi khả năng thì hạn hẹp, chuyên môn thì chưa có. Và tôi không định hướng cho mình bước đi theo con đường nào và sẽ sống ơn gọi như thế nào cho ý nghĩa. Khi được tặng cuốn Kinh Thánh trọn bộ, vui mừng nhận đó là Chúa muốn tôi đi theo con đường của Phúc âm. Tôi nhận ra rằng con đường Phúc âm cho tôi một cảm giác bình an nội tâm, một sự khích lệ, nâng đỡ, chỉ dạy, khuyên răn và cho tôi một hướng và không sợ lạc đường. Hơn nữa, với tôi Lời Chúa là ngôn ngữ của sự sống, của tình yêu, của ánh sáng, của sự thật, của niềm vui, của vinh quang, của ngợi khen, của hy vọng, của tin tưởng và tạ ơn.

Là môn đệ của Chúa, không biết về Ngài, không biết Ngài là ai, Ngài đã sống như thế nào, Ngài đã cứu chuộc con người bằng cách nào, thì có xứng đáng là môn đệ chăng? Nhờ Lời Chúa mà ta có thể định hướng đời tu đúng chỗ, đúng đường, và đúng nơi, giúp ta biết tin và đi theo ai. Sự cảm nhận ở Lời Chúa không dừng lại ở giác quan, không dừng lại ở suy luận lý trí, nhưng sự rung động của trái tim, một sự khao khát nếm hưởng hạnh phúc của nội tâm sâu xa, như cảm nhận một bức thư tình, một dòng lưu bút và cùng với sự hiện diện của Chúa trên cuộc đời. “Cũng vậy thánh Công đồng Vaticano II ân cần và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu nhất là các tu sĩ, hãy đạt đến sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô, nhờ năng đọc sách Thánh” (DV số 23).

Thật vậy, cách riêng đời sống của người nữ tu, lúc nào cũng được sống trong môi trường tràn ngập Lời Chúa qua kinh nguyện, qua thánh lễ, qua việc học hỏi, qua các giờ chia sẻ. Không những thế, Lời Chúa còn được trưng bày trên tờ lịch, trên tường lối đi lại để chị em nhìn thấy và suy gẫm mỗi ngày. Trong quy luật Dòng mời gọi “chị em năng đọc và suy gẫm Thánh kinh, nhất là Tân Ước, để thấm nhiễm tinh thần bác ái của Chúa Kitô. Mỗi chị em phải có một cuốn Thánh kinh để hàng ngày sử dụng” (QL số 6).

Dân gian Việt Nam có câu “mưa dầm thấm đất” được học, được hiểu, được suy nhiều lần trong ngày chắc chắn Lời Chúa cũng thấm dần vào tâm thức của người nữ tu Mân côi, được nối dài đến cuộc sống. Kiến thức thì có nhưng để cảm nhận và sống tinh thần hiệp nhất với Lời Chúa thì còn có khoảng cách xa vời. Ngày nay, chúng ta sống trong thế giới phẳng, thế giới được thu gọn trong màn hình, tiện ích và hữu dụng nhưng cũng rất tàn bạo, dễ dàng cuốn hút ta hơn Lời Chúa. Nếu như thiếu sự gắn bó với Lời Chúa, đời sống của tôi sẽ trở nên khô cằn, sỏi đá, dễ cáu gắt với mọi người, công việc thì trễ nải, đời sống nội tâm thì hời hợt không sinh hoa trái thiêng liêng được.

       “Lời Chúa như ngọn đèn soi bước con đi” (Tv 118,105), Lời Chúa là lời Chân lý, Lời Chúa là ánh sáng (Ga 12, 46), Lời Chúa là “Lời sống động và hữu hiệu”, Lời Chúa chất vấn lương tâm “sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Dt 4,12). Với thánh vịnh gia Lời Chúa là nguồn dịu ngọt “ngọt hơn mật ong nguyên chất” (Tv 118, 103). Tiên tri Giêrêmia gặp được “Lời Chúa con đã nuốt vào, Lời Chúa trở thành hoan lạc cho con thành niềm vui của lòng con” (Gr 15, 16). Tôi cảm nhận rõ ràng, mỗi lần suy niệm Lời Chúa tôi như được gần Ngài hơn, được biến đổi từ bên trong chứ không phải từ những chóng qua bên ngoài. Vẫn là con người yếu đuối này, nhưng Chúa cho tôi được nếm cảm những điều rất giản dị từ Ngài.        

Suy niệm Lời Chúa là nhu cầu không thể thiếu với đời sống thánh hiến và với chính bản thân tôi. Như chính Chúa nói với Matta: “Chị băn khoăn lo lắng nhiều quá, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và không sợ bị lấy đi” (Lc 10,42) và Chúa nói “Phúc thay ai lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). Chỉ có chọn lắng nghe Lời Chúa thì sẽ không bị lấy đi còn mãi trên cuộc đời tôi. Lời Chúa đã trở nên nguồn dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho đời sống tâm linh của tôi. Trở nên nguồn hy vọng và thúc đẩy tôi lên đường thi hành sứ vụ.

Bước Chân

Check Also

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa

Cộng đoàn Mân Côi Bùi Đệ – Trường Mầm non Rosa        Chắp cánh yêu …