Bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta đi sâu hơn vào trong cuộc tranh luận về Bánh Hằng Sống. Thính giả lúc này không còn là đám đông dân chúng mà là các môn đệ của Chúa Giêsu. Trong cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu đã mất nhiều môn đệ. Một cách cụ thể, lời của Chúa Giêsu đã tạo nên một cuộc chia rẽ trong đám đông, nhưng sự chia rẽ này không phải ở giữa đám đông “đám đông người Do Thái”, đám đông mà trong đó một bên nghi ngờ rằng lời tuyên bố mang tính Messia của Chúa Giêsu có thể đúng, trong khi đó một bên từ chối lời tuyên bố đó. Sự chia rẽ này nhắm đến cộng đoàn Kitô hữu. Một số môn đệ bây giờ bỏ Chúa Giêsu mà đi. Sự ra đi của họ là lý do cho lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô được tìm thấy trong truyền thống của Tin Mừng Nhất Lãm. Người đọc cũng được nhắc nhở về bối cảnh của cộng đoàn bằng việc quy chiếu về người sẽ nộp Chúa Giêsu (x. câu 64b,71). Việc ra đi của một nhóm môn đệ nhấn mạnh đến những đòi hỏi cho việc ở lại trong cộng đoàn những người được quy tụ quanh Thánh Thể, điều đã được nói đến trong trình thuật Tin Mừng đi trước. Đọc giả của Tin Mừng Thánh Gioan không được bỏ qua mối tương quan giữa việc mất các mộn đệ trong trình thuật và những kinh nghiệm của chính cộng đoàn về việc phản bội và bỏ đi. Chi tiết trên đưa chúng ta vào trong đời sống nội tâm của mình và nhìn lại những lần chúng ta đã phản bội và bỏ Chúa mà đi. Chỉ khi chúng ta gắn chặt với anh chị em của mình chung quanh Thánh Thể, chúng ta mới hiểu được lý do tại sao chúng ta phải trung thành và ở lại với Chúa Giêsu.
Trình thuật bắt đầu với lời khẳng định của Chúa Giêsu về việc chính Ngài là bánh hằng sống từ trời xuống. Bánh hằng sống đó chính là thịt và máu Ngài. Những lời này đã tạo ra một phản ứng không hài lòng giữa các môn đệ: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6, 59-60). Những lời giới thiệu không nói đến những gì “chướng tai” về lời tuyên bố của Chúa Giêsu trong việc ban mình làm bánh mang lại sự sống, và sự kiện là các môn đệ đang nghe Chúa Giêsu cho rằng trình thuật về Thánh Thể là nguyên nhân của sự chia rẽ. Tuy nhiên, lời tuyên bố của Chúa Giêsu về việc trao ban sự sống cũng là nguyên nhân của sự căng thẳng, và là một sự đồng nhất với lời mặc khải của Ngài với “bánh từ trời” trong phần đầu của trình thuật. Kinh nghiệm này vẫn xảy ra hôm nay. Nhiều lời của Chúa Giêsu làm chúng ta khó chịu vì nó đòi hỏi chúng ta phải bỏ đi con người tội lỗi của mình, bỏ đi những gì mình thích, bỏ đi những gì ngăn cản chúng ta đến với Chúa và đến với nhau. Vì vậy, chúng ta bịt tai hoặc nghe mà không đem ra thực hành những lời “chướng tai” của Chúa Giêsu.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kết thúc với việc Chúa Giêsu đối diện với Nhóm Mười Hai và lời tuyên xưng của Phêrô: “Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: ‘Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?’ Ông Simôn Phêrô liền đáp: ‘Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 67-69). Trong Tin Mừng Thánh Gioan, truyền thống Kitô học tuyên xưng Chúa Giêsu với danh xưng như thế vẫn được đón nhận ngay từ đầu. Đây cũng là lần đầu tiên Nhóm Mười Hai được đề cập đến. Người kể giả định rằng người đọc biết Nhóm Mười Hai là ai, rằng Chúa Giêsu đã chọn họ, và rằng Phêrô được xem là người đại diện của nhóm. Câu chuyện trong Tin Mừng Nhất Lãm về lời tuyên xưng của Phêrô kết thúc với sự lưu ý về cuộc thương khó của Chúa Giêsu và việc Chúa Giêsu quở trách Phêrô là satan vì đã ngăn cản việc tiên báo về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Lời tuyên xưng của Phêrô có phải là lời tuyên xưng của chúng ta không? Nếu sống thật với chính mình, chúng ta phải chân nhận rằng, nhiều lần chúng ta không ở lại với Chúa Giêsu. Chúng ta đã chạy theo những lợi lộc và thú vui của trần gian. Câu hỏi của Chúa Giêsu dành cho Nhóm Mười Hai cũng là câu hỏi mà Ngài nói với chúng ta trong mỗi giây phút sống, nhất là khi chúng ta phải chọn lựa giữa Ngài và thế gian: Con cũng muốn bỏ Thầy mà đi sao? Chúng ta sẽ trả lời thế nào?
Hoa Ven Đường