CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM C

BÀI THƯƠNG KHÓ: (Lc 22,14-23.56)

TÌNH YÊU THẬP GIÁ

             Lời của bài hát Học Yêu Thánh Giá mà các em thiếu nhi vẫn ngân nga: “Thánh giá là chữ T, người nằm giang tay chữ Y, là tình yêu yêu đến tận cùng”. Hay bài Thánh Giá Nở Hoa: “Khi em giang tay, em giống như cây thập giá, khi em yêu thương thập giá bỗng như nở hoa”. Hai bài hát đó phần nào diễn tả được tình yêu tận cùng, vô biên của Thiên Chúa dành tặng cho con người, được thể hiện bằng cái chết trên Thập giá: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.(Ga 3,16)

         Hơn nữa, Thánh Gio-an đã từng khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, Người đã thể hiện tình yêu của Ngài qua sự yêu thương chăm sóc, quan phòng, luôn bao bọc chở che chúng ta: lúc mưa, lúc nắng, khi bão tố, hay khi bị hiểu lầm, gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống…

        Chúng ta đang cùng với Giáo Hội bước vào Tuần Thánh, với Chúa Nhật Lễ lá hay còn gọi là lễ Chúa Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem với tư cách là Đấng Messia. Thế nhưng, nhìn vào thế giới quanh ta vẫn còn chiến tranh bom đạn, chết chóc, chia ly… giữa hai đất nước: Nga và Ukraina.

        Súng đạn đã, đang và sẽ giết chết biết bao con người. Đạn bom đã khiến hàng triệu người phải mất nhà cửa, phải rời bỏ quê hương. Chiến tranh đã lấy đi tương lai của các em nhỏ không còn được đến trường. Cuộc chiến đã cướp đi cảnh yên bình của những gia đình, công sở và biết bao chốn thanh bình. Khổ nhất là trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi. Bước vào Tuần Thánh, chúng ta hãy tìm những hy sinh, bớt đi những lời nói không tốt về nhau, thông cảm chia sẻ cho nhau, và nhất là lắng đọng tâm hồn, dành chút thời gian cầu nguyện cho thế giới hòa bình, cho đất nước Ukraina.

         Hôm nay, Đức Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem không để cho người đời tung hô, bái chào, nhưng Ngài tiến vào thành thánh Giêrusalem để hoàn thành chương trình cứu độ nhân loại mà Chúa Cha đã hoạch định từ ngàn xưa bằng con đường thập giá. Phần đầu của Phụng vụ trong Nghi thức làm phép lá, kiệu lá, chúng ta thấy dân chúng tung hô, trải áo, giơ lá vẫy chào Chúa Giêsu như một vị vua tiến vào thành, một vị vua mà họ đang mong đợi giải thoát dân và đưa đất nước đến tự do, thoát khỏi đô hộ.

         Nhưng rồi tiếp đến khi công bố Tin Mừng, toàn cảnh của bài Thương Khó lại như là một cảnh đối nghịch đầy bất công, đau khổ, nước mắt và xem ra có cả sự thất vọng. Từng cảnh trong bài Thương Khó đưa chúng ta đến việc chiêm ngắm Thập giá của Chúa Giêsu làm cho chúng ta chiêm ngắm việc Chúa Giêsu được xức dầu tại Bêtania, bị bắt, bị tra tấn, bị hành hạ, phỉ nhổ, bị đóng đinh, và rồi cuối cùng là cái chết, và chôn cất Ngài nơi hang đá trong vội vã.

          Đúng là Khổ nạn, là thương khó, mà Chúa Giêsu, Đấng vô tội phải gánh lấy. Đó là sự ghê rợn của tội ác nhân loại trên chính Ngài. Một thập giá chơ vơ giữa trời. Một thập giá nhục nhã và thê lương. Một thập giá của sự phản bội, một thập giá của bao khước từ. Nhưng đó cũng là thập giá của tình yêu mà Chúa Giêsu đã đón lấy bằng tất cả con tim, lòng thương xót của Người trên nhân loại, trên mỗi người chúng ta.

        Chính khi bị treo lên trên thập giá, Chúa Giêsu với tình yêu vô cùng, đã gánh lấy mọi tội lỗi và khổ đau của con người. Trên thập giá ấy, Chúa Giêsu đã giải thoát chúng ta khỏi những thất vọng, chán chường, mệt mỏi của các công việc, của học tập thường ngày, và Ngài sẽ lau khô những nước mắt của nín nhịn, của thổn thức trong bất hạnh, trong những tổn thương và cả trong những hiểu lầm của cuộc sống.

       Thật là tuyệt vời để chúng ta có đó sự bình an, niềm vui vì được giải thoát khỏi khổ đau. Và rồi, chúng ta, những ai đang vác thập giá với những đau khổ, sự hiểu lầm hằng ngày, cũng được Chúa ban thưởng phần thưởng mai sau, nhờ vào những đau khổ và thập giá mà mỗi người đã đón nhận bằng tình yêu, sự hy sinh và tín thác, tin tưởng. Khi chiêm ngắm thập giá Chúa và nhìn lại nỗi khổ đau của mình, chúng ta thấy đó sự vinh quang mà chính Chúa Giêsu được Chúa Cha ban tặng, và rồi cũng thấy đó quà tặng hạnh phúc, bình an và tin tưởng mà Chúa Cha cũng sẽ ban cho chúng ta qua Con của Người.

       Thế nên, khi cùng với cộng đoàn tham gia nghi thức rước lá, chúng ta không chỉ hòa chung tâm tình vui mừng rước Đức Ki-tô như một vị vua tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Một mặt, chúng ta còn được mời gọi rước Đức Giêsu vào trong cuộc đời mình, rước Ngài về nhà mình, về cộng đoàn, về Hội Dòng, về nơi mình sinh sống, đến nơi mình học tập và làm việc, để ở mọi nơi, mọi lúc, Ngài luôn là vị Vua, vị Cứu Tinh của chúng ta.

       Đây là một cũng là cơ hội để chúng ta tuyên xưng và làm chứng về đức tin Ki-tô giáo của mình. Mặt khác, đây cũng là dịp chúng ta được mời gọi bước theo chân Đức Giêsu đi vào giữa lòng thế giới với cùng một tâm tình như Ngài khi đi vào cuộc thương khó. Đó là tâm tình vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, hy sinh mạng sống để cứu chuộc con người.

        Vì vậy, trong Tuần Thánh này, chúng ta cùng nhau suy niệm về TÌNH YÊU THẬP GIÁ của Thiên Chúa đã và đang dành cho ta. Chúa Giêsu không đến để lên án mà tha thứ và yêu thương, phá bỏ những bất công, hận thù. Người không đến trên ngai vàng để được phục vụ mà là để hầu hạ, Ngài đến để quỳ xuống rửa chân cho con người, phục vụ con người. Người đến để lập lại vương quốc tình yêu ngay trong lòng con người chúng ta.

          Cuộc sống hôm nay vẫn còn đó những bóng tối của lòng người. Dòng đời hôm nay vẫn còn đó những con người công chính, lương thiện, mà vẫn bị hãm hại bởi những cái chết của lương tâm, của luân lý… Biết bao người đã để cho bóng tối của lòng tham nổi loạn đến nỗi sẵn sàng chà đạp và lường gạt anh chị em của mình. Biết bao người chỉ vì lòng tham, chỉ vì tính ghen tỵ, chỉ vì thói tự mãn kiêu căng vẫn đang tìm cách làm hại nhau.

          Cho nên con người cần loại bỏ nơi mình tính kiêu căng và học bài học khiêm nhường nơi chính Chúa, mới có thể xây dựng hòa bình, bình an đích thật trên trái đất. Hãy đặt tay mình vào bàn tay Chúa, Chúa kéo con người lên, cho đôi tay tinh tuyền, cho trái tim rộng mở, đặt con người vào đúng hướng khi phát triển khả năng của mình, để phục vụ Chúa và tha nhân.

Nt: Lặng Thầm, Fmsr

Check Also

Hội dòng mừng bổn mạng chị tổng cố vấn Maria Emilia Vũ Thị Sim

Hội dòng mừng bổn mạng chị tổng cố vấn Maria Emilia Vũ Thị Sim