Con ôm ấp một ý nguyện: “Dưới đất cũng như trên trời. dưới đất lương dân biết Chúa như trên trời. Dưới đất mọi người khởi sự yêu mến nhau như trên trời. Dưới đất đã bắt đầu hạnh phúc như trên trời. Con sẽ nỗ lực thực hiện nguyện vọng ấy. Khởi sự đem lại hạnh phúc thiên đàng cho mọi người ngay tại trần thế này”. (ĐHV 992).
Sau khi đọc những trang sách lịch sử của Giáo Hội Việt Nam về những bước chân của các vị truyền giáo- những con người đã cùng nhau viết nên bản anh hùng ca của dân Việt, trong tôi bừng lên một suy nghĩ cùng với tâm tình tri ân. Xin tri ân các ngài đã mang hạt giống Tin Mừng đến cho Giáo Hội Việt Nam. Xin tri ân các ngài dành cho Giáo Hội Việt Nam. Và như câu trích trên của Đức Hồng Y Phanxico Nguyễn Văn Thuận, tôi mang trong mình ước muốn của người truyền giáo đích thực. Như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxico: chèo ra chỗ nước sâu và nhất là theo hướng đi của Hội Dòng trong năm 2021 này, tôi- một tu sĩ ngay giây phút này phải trau dồi cho mình những hành trang của người truyền giáo, sẵn sàng bước chân ra đi tiếp nối bậc cha anh. Tôi nghĩ rằng, đây là một lý tưởng tốt nhưng để thực hiện được lý tưởng đó tôi cần hội tụ cho mình những yếu tố như các vị tiền bối xưa kia. Truyền giáo với tình yêu hai chiều, chiều dọc hướng lên Thiên Chúa và chiều ngang hướng sang tha nhân. Truyền giáo cần có sự hy sinh, can đảm và lòng hăng say nhiệt thành. Truyền giáo còn là làm chứng cho Nước Chúa bằng chính đời sống và cách sống của mình.
Hạt giống đức tin đã được gieo vãi và trổ sinh theo năm tháng nhưng với xã hội hôm nay, tôi cảm thấy đức tin đang bị đe doạ trầm trọng, nhất là trong biến cố của đại dịch Covid này. Đức tin của người dân cần phải được củng cố, việc đến với họ là điều cần thiết và cấp bách. Tôi cũng như các bạn chắc chắn không ai muốn ngồi một chỗ để nhìn sự sa sút của Giáo hội. Hãy cùng tôi lên đường theo bước chân các nhà truyền giáo. Hãy đem hạnh phúc thiên đàng đến với mọi người ngay tại trần thế này.
Mỗi lần nhìn hay suy tư về Thánh giá tôi đều bắt gặp ý tưởng của hai tiếng tình yêu. Thánh giá không đơn thuần chỉ là hai thanh gỗ xếp lại nhưng nơi đây hai bản tính của Con Thiên Chúa được biểu lộ rõ rệt. Thánh giá vừa là sức mạnh, vừa là “cái kết tuyệt vời” cho những ai sẵn sàng đón nhận nó ngay tại trần thế này và là quà tặng cho những người sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Đấng vô hình mang tên Giêsu. Khi bắt tay vào bài viết này, tôi đã suy tư rất nhiều về hình ảnh các vị truyền giáo và cũng suy nghĩ rằng bởi đâu các ngài lại có thể làm được những điều phi thường như thế? Bởi đâu các ngài lại can đảm, sẵn sàng ra đi như vậy? Và tôi đi đến cho cái đích của câu hỏi, đó là vì các ngài đã đi trọn vẹn hai con đường: đường đi đến với Chúa và đường đi đến với tha nhân. Tôi cảm kích vô cùng trước hình ảnh các nhà truyền giáo hiên ngang tiến ra pháp trường. Trước giờ phút kết thúc cuộc đời, đôi mắt các ngài hướng lên trời, vẻ mặt hân hoan. Hình ảnh này đánh động tôi bởi các ngài đã hoàn thành cách hoàn hảo những bước đi chông gai của trần gian tội luỵ. Lồng ghép vào bản thân, tôi cũng muốn như thế! Nhưng là con người yếu đuối hay vấp phạm, hay chiều theo thú vui và dễ ngã lòng trước cám dỗ, tôi thường quên nhìn lên trời cao. Có lẽ vì thế mà “chiều dọc” của tôi với Chúa bị thu hẹp lại và ngắn dần đi. Tôi thiếu mối tương quan với Chúa trong đời sống thiêng liêng và trong các giờ cầu nguyện. Tôi thiếu mối tương quan với Chúa vì tôi “phớt lờ” khi nghe tiếng Ngài trong lương tâm: làm lành, lánh dữ. Tôi thiếu mối tương quan với Chúa vì tôi thích làm theo ý mình hơn ý Chúa. Đến đây, tôi nhớ lại lời mẹ tôi nói: Chúa ban Thánh giá, Chúa ban nghị lực. Chúa không bao giờ để Thánh giá quá sức của mình nhưng điều quan trọng là con hãy giữ mối tương quan thật tốt với Chúa. Ý thức được điều đó, tôi luôn cầu xin Chúa ban đủ sức mạnh cho tôi, gìn giữ tôi trong mối tương quan tốt lành với Chúa.
Nếu chỉ dừng lại ở đây thì tôi sẽ không sống đúng với ý Chúa muốn, bởi vì Chúa đặt tôi bên cạnh mọi người là để tôi được trưởng thành hơn và là cánh tay nối dài của nhân loại hướng đến Thiên Chúa. Ngày hôm nay tôi đã suy nghĩ rất nhiều đến câu nói của Mẹ Têrêsa Calcutta “chúng ta chỉ là những giọt nước trong lòng đại dương nhưng sẽ không có đại dương nếu không có giọt nước”. Mỗi người là một mảnh ghép trong bức tranh kỳ diệu của Thiên Chúa, tuy tôi chỉ là mảnh ghép bình thường, nhỏ bé, không trung tâm, không được để ý tới nhưng tôi lại rất quan trọng bởi chính tôi có bổn phận làm cho bức tranh thêm giá trị. Tôi có bổn phận làm cho bức tranh trở thành kiệt tác vì đó là thánh ý Chúa muốn và tôi nghĩ bạn cũng có bổn phận đó. Tuy rằng chúng ta đều mang thân phận mỏng manh của kiếp người nên những xung đột xảy ra hằng ngày là điều đương nhiên. Nhưng chính cái gọi là lương tâm và nhất là trái tim biết rung cảm lại là “chất dính” để hôm nay, ngày mai hay suốt cuộc đời chúng ta vẫn có thể cầm tay nhau xây dựng Giáo hội này.
Tôi cũng mang trong mình những tham sân si. Tôi vẫn ưa thích khoác lên mình một bộ lông nhím cực nhọn. Tôi sẵn sàng từ chối hay tỏ thái độ tiêu cực nếu có ai đó đụng chạm tới mình. Vậy nên, trong chiều kích hướng về tha nhân tôi cần phải thay đổi rất nhiều. Và tôi đang cố gắng chấp nhận mình hằng ngày. Tôi sẽ không cố làm cho mình trọn trịa như viên bi vì nếu tôi hoàn hảo như nó: không góc cạnh, không gồ ghề, sẽ không ai “bám” được vào tôi, lúc đó tôi chỉ đứng trơ trọi một mình, suốt ngày lăn lốc hết chỗ này đến chỗ khác. Tôi bằng lòng để mình là một viên đá xù xì vì chính nhờ những xù xì đó là tôi có thể nương tựa vào người khác và ngược lại:
“Bi tròn trịa bi đứng một mình
Đá xù xì đá nương tựa nhau”.
Đến ngay như tổ tiên Adam xưa, sống sung sướng hạnh phúc trong vườn địa đàng nhưng ông vẫn không thấy vui, lí do vì ông thấy thiếu một cái gì đó và Thiên Chúa đã ban tặng cho ông một người phụ nữ để làm bạn, đó là Eva. Sống chung với nhau thật sự là rất khó nhưng nếu tôi biết thánh hoá, biết nhịn nhục, biết thương cảm thì nhờ những đau khổ và khó khăn mà Thánh giá của tôi sẽ nở hoa. Con đường truyền giáo không phải là con đường của cá nhân và cá nhân chắc chắn cũng không thể trở thành tay thợ gặt lành nghề nếu không có hai mối tương quan này. Nhận thức được điều này, tôi luôn hướng lòng lên Chúa để xin ơn can đảm và hướng qua tha nhân để cùng họ mở rộng Nước Chúa.
Giữa cuộc đời nổi trôi, cõi hồng trần mờ tối
Thì Chúa cất tiếng gọi con và Chúa thánh hoá đời con
……………………………
Do not be afraid! Hôm nay Ta sai ngươi đi
………….
Vì Ta biết người ngay trong lòng mẹ
Và thánh hiến ngươi khi đang còn bé
Vậy chớ lo chi tương lai…
( bài hát: Đừng sợ- Lm. Xuân Đường, CSsR).
Vào những lúc tạm gọi như là khủng hoảng đời tu, tôi quay lại ngân nga đôi lời của bài hát này. Có những lúc tôi hát mà vô suy, có đôi khi tôi hát cách vô cảm, hát mà không biết mình đang hát gì nhưng lúc này tôi lại hát trong niềm tin và sự phấn khởi như chú chim non muốn cất cánh bay vào khung trời xanh. Tôi sẽ không còn sợ gì vì Thiên Chúa- Đấng tôi tôn thờ đã nắm bắt cuộc đời tôi ngay từ khi tôi còn trong bụng mẹ. Có lẽ rằng, các nhà truyền giáo cũng có những cảm nghiệm như tôi và còn hơn gấp nhiều lần khi các ngài ra đi thực thi sứ vụ của Chúa.
Phải có đức tin vững mạnh lắm! Phải có tình yêu tuyệt vời lắm ! Phải có nhiệt huyết truyền giáo lắm thì những chứng nhân Nước Chúa mới dám ra đi, sẵn sàng bước chân vào những nơi hang hùm, rắn độc chỉ để đặt một hạt giống đức tin bé nhỏ. Không phải chỉ có công việc truyền giáo mới cần có sự can đảm, chắc chắn nó luôn là cần thiết cho mọi công việc.
Khi bước lên đường truyền giáo…hãy…
Bước đến bên Chúa Giêsu Thánh Thể để kín múc ân sủng của Ngài…
Bước đi tới tha nhân để chuyển trao ân sủng của Thiên Chúa…
Và bước cuối là cùng với tha nhân tiến về Nước Trời…
Tác giả bài viết: TRẦN TRẦN, FMSR.